Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, có thể nói trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, giúp tạo ra nhiều mô hình hay, sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, cũng như đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đồng Tháp xác định cần tập trung hơn nữa trong xây dựng và phát triển đồng bộ chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp, tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để đóng vai trò dẫn dắt, kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân, HTX tại địa phương.
Trong bối cảnh phải “chung sống” với dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng khó khăn, đồng thời ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm và chỉ đạo đến người sản xuất cách thức mới trong phân phối sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử; Nắm bắt nhu cầu thị trường và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất hữu cơ.
Về tổ chức sản xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, tăng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cho nông dân, HTX, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư.
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 76/115 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với cấp huyện, Đồng Tháp hiện có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự) và 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tháp Mười).