| Hotline: 0983.970.780

Thành lập tổ cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Sáu 16/12/2022 , 14:39 (GMT+7)

Ý thức, trách nhiệm của ngư dân sẽ được nâng lên khi họ trực tiếp tham gia vào tổ cộng đồng nhằm bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Nguồn lợi biển ở rạn Tam Tiến đang giảm do hoạt động khai thác  bất hợp pháp như sử dụng kích điện... Ảnh: X.U.

Nguồn lợi biển ở rạn Tam Tiến đang giảm do hoạt động khai thác  bất hợp pháp như sử dụng kích điện... Ảnh: X.U.

Báo động suy giảm nguồn lợi và hệ sinh thái

Tam Tiến là xã bãi ngang nằm về phía Đông Bắc của huyện Núi Thành (Quảng Nam). Toàn xã có gần 3.500 hộ dân, với hơn 12.800 nhân khẩu, trong đó có 1.250 người làm nghề khai thác thủy sản. Địa phương này có Rạn Bà Đậu là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng, có nhiều sinh vật đặc trưng và giá trị cao trú ngụ như: Tôm hùm, cá mú, cá hồng, cá chuồn, các loài ốc biển…

Tuy nhiên, thực trạng nguồn lợi thủy sản biển hiện nay tại Tam Tiến là rạn san hô bị giẫm đạp. Việc sử dụng thuốc nổ, xung kích điện của ngư dân địa phương khác, điều này đã và đang làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật biển, trong đó có nguồn lợi thủy sản. Ảnh hưởng của các hoạt động nói trên đã làm cho rạn san hô bị phá hủy nhanh chóng.

Từ năm 2021, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành đánh giá hiện trạng rạn san hô tại hai điểm: Rạn Khế, Rạn Đất thuộc vùng Rạn Bà Đậu. Nhóm khảo sát ghi lại các thành phần nền đáy: san hô cứng, san hô mềm, rong, đá… và nhóm nguồn lợi sinh vật sống trên rạn: cá, động vật đáy và các tác động.

Kết quả đánh giá tháng 5/2022 cho thấy, san hô sống có độ phủ trung bình là 29.69% tổng độ phủ nền đáy, thấp hơn kết quả khảo sát năm 2021 gần 1%. Độ phủ san hô cứng đạt giá trị cao ở khu vực Rạn Khế (55.63%). Trong khi đó, tại Rạn Đất, đá chiếm tỷ lệ phần trăm độ phủ cao hơn (89.38%).

Các sinh vật đáy ở rạn Tam Tiến cũng đang giảm đi so với những năm trước đây. Ảnh: X.U.

Các sinh vật đáy ở rạn Tam Tiến cũng đang giảm đi so với những năm trước đây. Ảnh: X.U.

Nhìn chung, thành phần rạn chủ yếu tại các điểm khảo sát đều là đá, tỷ lệ san hô sống, hải miên, rong đều giảm so với năm 2021. Thành phần và mật độ các loài cá rạn nằm trong bộ chỉ tiêu còn ở mức thấp, chỉ tập trung vào một số loài như: cá hồng, cá mú, cá dìa, cá thiên thần, cá bướm.

Hiện nay, số lao động đánh bắt gần bờ quanh khu vực rạn khế là từ 60 đến 70 người, thời gian khai thác đánh bắt 7 tháng mùa nắng bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Các nghề khai thác chủ yếu là nghề câu tay, lưới chuồn, mành mực, sử dụng tàu thuyền công suất dưới 20CV. Đối tượng khai thác chủ yếu tôm hùm giống, các loài cá ven bờ.

Tuy nhiên, do ý thức tự giác chưa cao nên vẫn còn tình trạng ngư dân ngoài địa phương đến khai thác một cách hủy diệt như lặn, xung kích điện, dùng thuốc nổ để khai thác, một số phương tiện giã cào của ngư dân địa phương thỉnh thoảng còn hoạt động trong khu vực rạn san hô.

Điều này dẫn đến các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá chình không còn xuất hiện. Thành phần động vật đáy kích thước lớn có xu hướng suy giảm, các nhóm nguồn lợi có giá trị thương phẩm như ốc đụn, ốc giấy, tôm hùm còn số lượng rất ít.

Nâng cao vai trò của cộng đồng

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, chính quyền và cộng đồng người dân xã Tam Tiến đã thống nhất thành lập “Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Tam Tiến” và đề ra “Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản khu vực biển rạn Bà Đậu xã Tam Tiến”.

Đối tượng cần bảo vệ mà tổ cộng đồng hướng tới là hệ sinh thái rạn san hô bao gồm các loài san hô và thủy sản sống trong khu vực rạn san hô (rong biển, tôm hùm mẹ đang mang trứng, tôm hùm giống, rùa biển, cá cảnh, các loại ốc, con non của các loài thủy sản và một số loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác).

Người dân có thể vừa khai thác thủy sản đi đôi với bảo vệ gắn với phát triển du lịch ở rạn biển Tam Tiến. Ảnh: X.U.

Người dân có thể vừa khai thác thủy sản đi đôi với bảo vệ gắn với phát triển du lịch ở rạn biển Tam Tiến. Ảnh: X.U.

Theo ông Nguyễn Xuân Uy, tổ cộng đồng đã xây dựng phương án nhằm định hướng cho các hộ có hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực rạn Bà Đậu khai thác sinh kế một cách bền vững. Người dân vừa khai thác lợi thế nguồn lợi thủy sản, vừa bảo vệ môi trường gắn với hoạt động du lịch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và tạo chuỗi liên kết giữa các hộ khai thác thủy sản với các hộ kinh doanh du lịch, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho hộ dân.

“Tổ cộng đồng đại diện cho cộng đồng người dân xã Tam Tiến, vận động người dân tham gia cùng với chính quyền trong quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ, du lịch giải trí và các hoạt động có liên quan tại khu vực này. Mọi người dân, hộ gia đình sinh sống tại xã đều có quyền tham gia và trở thành thành viên của tổ cộng đồng, cùng đóng góp công sức, tài chính cho công tác quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô”, ông Uy nói.

Cũng theo ông Uy, để quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, cơ quan chuyên môn đã tổ chức phân vùng rạn Bà Đậu thành 3 khu vực gồm: Khu vực hạn chế khai thác; Khu vực khai thác có kiểm soát và Khu vực du lịch giải trí. Đồng thời tiến hành đặt phao tiêu biển cảnh báo hoặc cờ hiệu, đánh dấu mốc, khoanh vùng toàn bộ khu vực biển được quản lý để cộng đồng biết và thực hiện.

Để tăng tính hiệu quả và chặt chẽ, tổ cộng đồng sẽ phân công nhiệm vụ trực canh 24/24h tại khu vực được giao thực hiện đồng quản lý. Từ đó giám sát quá trình khai thác thủy sản nhất là giám sát ngư dân ngoài địa phương vào khu vực quản lý để khai thác trái phép. Việc tổ chức trực canh dưới nhiều hình thức như tuần tra theo kế hoạch, kết hợp trực canh với hoạt động khai thác hằng ngày, phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, xử lý vi phạm…

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp, hỗ trợ chuyên môn cho tổ cộng đồng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và khai thác tại khu vực biển được giao, đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định nhà nước. Kết quả thực hiện của Tổ cộng đồng sẽ được báo cáo cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh để có biện pháp điều chỉnh, can thiệp kịp thời. Hằng năm, Chi cục thủy sản hỗ trợ chuyên môn cho tổ cộng đồng tổ chức quan trắc rạn san hô định kỳ để có đánh giá sự phát triển của hệ sinh thái”, ông Nguyễn Xuân Uy, Phó chủ tịch UBND xã Tam Tiến thông tin.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.