Sở NN-PTNT Kiên Giang vừa qua đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phối hợp với các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao, tổ chức khởi động thành lập và củng cố hợp tác xã (HTX) mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình thuộc Dự án “ Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái lớn – Cái bé giai đoạn I”.
Theo đó, sẽ tổ chức 20 cuộc tại các địa phương trong vùng dự án, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang sẽ hướng dẫn các đơn vị triển khai hoạt động thành lập và củng cố các HTX, hướng tới sự phát triển bền vững sau khi kết thúc dự án.
Các nội dung cần hỗ trợ để thành lập, củng cố HTX gồm: Tổ chức bộ máy, phương án sản xuất kinh doanh, tài chính, thị trường kinh doanh, liên kết sản xuất – tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như: hội thảo, tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn đào tạo chuyển giao, hỗ trợ đào tạo tư vấn chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong liên kết chuỗi. Tiến tới xây dựng các chuỗi truy xuất nguồn gốc điện tử QR code.
Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn I, được Bộ NN-PTNT phê duyệt Quyết định đầu tư từ năm 2018, với các mục tiêu: Kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định vùng ven biển. Chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt. Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu chua cải tạo đất phèn. Kết hợp phát triển giao thông thủy bộ.
Sau khi hệ thống này được xây dựng, nhờ giảm ảnh hưởng của thủy triều từ phía Tây nên ranh giới giáp nước dịch chuyển hẳn về phía biển Tây, tăng cường khả năng tiêu chua, thoát lũ, gạn triều, cấp nước cho vùng ven biển.
Khi hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn – Cái Bé đi vào hoạt động, sẽ giúp người dân trong vùng dự án hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn nước sẽ được kiểm soát một cách tối ưu, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp ổn định. Giảm thiệt hại do thiên tai vào mùa khô cho đất lúa vùng U Minh Thượng và Tây sông Hậu, đất tôm – lúa cũng như chuyên tôm ở hai huyện An Minh và An Biên.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tăng cường giữ ngọt trong mùa mưa, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng dự án hạn chế được những rủi ro do các yếu tố bất lợi từ nguồn nước và khí hậu.
Chính vì thế, việc xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé là cần thiết phải triển khai, nhằm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng điều kiện nguồn nước.
Các HTX thành lập và củng cố có quy chế hoạt động ổn định, tham gia vào công tác quản lý hoạt động của các thành viên theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. HTX sẽ chịu trách nhiệm về đàm phán liên kết chuỗi, xây dựng chuỗi, quản lý chuỗi hoạt động hiệu quả và xây dựng các chuỗi liên kết có cộng thêm giá trị gia tăng nhờ việc áp dụng thực hành các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.