| Hotline: 0983.970.780

Thanh long ruột đỏ trĩu quả trên đồi cằn xứ Mường

Thứ Tư 05/06/2024 , 06:30 (GMT+7)

HÒA BÌNH Nhìn những gốc thanh long ruột đỏ quả lúc lỉu, xanh mướt một góc đồi, ai cũng phải ngạc nhiên bởi nơi đây từng là vùng đất đồi cằn cỗi, nghèo kiệt.

Chủ nhân của đồi thanh long trù phú này là ông Đào Hồng Phú (sinh năm 1973) ở khu dân cư Quyết Tiến, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

3 năm kiên trì học kỹ thuật trồng thanh long

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Phú trong cái nóng hầm hập xế chiều hè, vợ chồng ông Phú vẫn cần mẫn, cặm cụi ngoài đồi thanh long, chăm chút tỉ mỉ từng bông hoa, từng trái thanh long. Dù áo ướt đẫm mồ hôi, ông Phú vẫn luôn hồ hởi tâm sự về cái duyên với cây thanh long ruột đỏ.

Những trụ thanh long của gia đình ông Phú phát triển rất tốt, cho quả sai ở vùng đất gò đồi bạc màu trước đây. Ảnh: Trần Toản.

Những trụ thanh long của gia đình ông Phú phát triển rất tốt, cho quả sai ở vùng đất gò đồi bạc màu trước đây. Ảnh: Trần Toản.

Ông Phú cho biết, địa phương ông sinh sống chủ yếu là đất đồi gò cằn cỗi. Qua nhiều năm trồng mía không hiệu quả, tình cờ biết được mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao qua báo đài, cộng với lần đến chơi nhà một người bạn thân ở xã bên có vườn thanh long đúng lúc cây ra hoa rất đẹp khiến ông Phú cảm thấy vô cùng thích thú với cây trồng này.

Đầu năm 2011, ông Phú bàn bạc với gia đình vay ngân hàng 500 triệu đồng để chuyển đổi, cải tạo 1,7ha vườn, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống đèn chiếu sáng, trụ cột bê tông... để trồng thanh long. Cùng với đó, ông cất công vào tận tỉnh Bình Thuận, Long An để tham quan, học hỏi những mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã thành công và mua 1.700 cây giống về trồng.

Sau 2 năm tập trung chăm sóc, vườn thanh long sinh trưởng tốt và bắt đầu ra quả bói. Qua theo dõi vụ quả đầu tiên, ông Phú nhận thấy vườn thanh long của gia đình so với một số vườn thanh long khác thì số lượng hoa/lứa ít, các lứa/vụ thưa hơn và tỷ lệ quả nhỏ khi cho thu hoạch khá nhiều dẫn đến năng suất thấp, giá bán không cao.

Để cây thanh long 'bén duyên' được trên đồi cằn xứ Mường, ông Phú đã phải dày công học hỏi kỹ thuật. Ảnh: Trần Toản.

Để cây thanh long "bén duyên" được trên đồi cằn xứ Mường, ông Phú đã phải dày công học hỏi kỹ thuật. Ảnh: Trần Toản.

Không chấp nhận kết quả trên, ông Phú đã nghiên cứu nhiều tài liệu, tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, mạng internet và trực tiếp đến các nhà vườn đang trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh để tham quan học tập. Đồng thời tích cực tham dự các lớp tập huấn do hệ thống khuyến nông của tỉnh, huyện tổ chức để nắm bắt kỹ thuật, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý, khoa học cho cây thanh long ruột đỏ, nhất là kỹ thuật cắt tỉa những nhánh không cần thiết để tập trung dinh dưỡng nuôi quả...

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, thậm chí có những đêm thức trắng tại vườn, bắt đầu từ năm thứ 3 cho thu hoạch trở đi, vườn thanh long của ông Phú bắt đầu cho năng suất, chất lượng ổn định. Ông còn nhớ như in ngày hái quả thanh long chín, khi quả thanh long vừa được bổ ra ruột đỏ au hấp dẫn, nhìn cậu con trai lớn vừa ăn ngon lành vừa xuýt xoa “ngon, ngọt quá bố ạ”, ông mừng rơi nước mắt.

"Phải lòng" thanh long ruột đỏ

Sau những phút suy tư, câu chuyện của ông Phú sôi nổi hẳn lên khi chỉ tay về đồi thanh long ruột đỏ bạt ngàn, xanh mướt với 1.700 gốc trên diện tích 1,7ha của gia đình mình.

Theo ông Phú, thanh long ruột đỏ thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với mọi địa hình, ít sâu bệnh. Điểm lợi nhất khi trồng thanh long là có thể thu hoạch 2 lần/tháng, thời gian cho thu hoạch (trồng tại địa phương) từ tháng 4 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20 – 25 ngày, rất thuận tiện cho việc bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Cây thanh long muốn thu hoạch trái mùa thì chỉ cần thắp đèn vào ban đêm để thúc cho cây ra hoa trái vụ.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và sự cần cù, vườn thanh long của ông Phú đã cho quả ổn định với chất lượng cao. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và sự cần cù, vườn thanh long của ông Phú đã cho quả ổn định với chất lượng cao. Ảnh: Trần Toản.

Ông Phú chia sẻ: Thanh long ruột đỏ không kén đất, rễ hút chất dinh dưỡng ở lớp đất mặt nên chỉ cần bón đủ phân là cây phát triển tốt. Trong quá trình chăm sóc, gia đình ông sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục giúp đất tơi xốp, giúp cây phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh.

Khi thấy sâu bệnh, ông không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun mà dùng chế phẩm sinh học hỗn hợp từ ớt, tỏi để diệt. Nhờ đó cho ra những quả thanh long sạch. Bên cạnh đó, ông lấy rơm rạ phủ gốc cây thanh long để giữ ẩm, không cho cỏ mọc, giữ cho rễ cây không bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và chống xói mòn đất.

"Do quả thanh long phải có ánh sáng mới đem lại chất lượng tốt nên bước sang mùa xuân, từ tháng 1 - 2 khi cây ra những mầm mới, non, khỏe, đẹp thì tôi giữ lại, những thân nằm sâu bên trong thường phải cắt bỏ. Khoảng trung tuần tháng 4 khi thanh long ra nụ, tôi lựa chọn những nụ to, đẹp, khỏe và mỗi bẹ cây mập, dài tôi mới để lại 2 - 3 quả, còn lại tôi chỉ để 1 quả”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phú cho biết, tất cả các công đoạn từ khâu chọn cây giống, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hoạch, đầu ra của sản phẩm đều được ông tuân thủ, áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Vườn thanh long được ông Phú áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, đảm bảo cây phát triển bền, cho năng suất, chất lượng quả cao. Ảnh: Trần Toản.

Vườn thanh long được ông Phú áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, đảm bảo cây phát triển bền, cho năng suất, chất lượng quả cao. Ảnh: Trần Toản.

Để giúp cây sinh trưởng, phát triển, thoát nước tốt, không bị ngập úng, ông Phú đắp mỗi trụ cây là một mô (ụ) đất, kích thước mô đất chiều cao 10 - 15cm, đường kính tiêu chuẩn 60 – 80cm. Thanh long được trồng cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1,5m. Trụ xi măng để cây thanh long leo bám cao 1,5 – 1,7m. Cây giống được ông Phú lựa chọn là các cành to khỏe, thẳng, không bị sâu bệnh, không bị dị tật, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuổi cành >6 tháng.

Về bón phân, tùy từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mà có tỷ lệ phối trộn bón sao cho phù hợp. Giai đoạn bón lót được ông Phú sử dụng phân chuồng hoai mục như phân gà, phân hữu cơ vi sinh được ngâm ủ từ chất thải chăn nuôi lợn kết hợp với cá rô phi, quả chuối xay nhuyễn, nấm đối kháng Trichoderma.

Giai đoạn cây dưới 1 tuổi, khoảng 2 tuần sau khi trồng thì tiến hành bón NPK (16 - 16 - 8) hoặc NPK (20 - 20 - 15) với lượng thích hợp từ 0,3 - 0,5kg/trụ/lần.

Giai đoạn cây từ 1 – 3 năm tuổi bón phân 4 – 6 lần/năm vào các thời kỳ của cây (phục hồi cây sau khi thu hoạch, dưỡng cây, tạo mầm hoa, nuôi hoa, nuôi quả non, thu hoạch). Lúc này, sử dụng phân bón NPK (15 -15 – 15) + TE hoặc NPK (17 - 7 – 17) với lượng 0,5 – 0,7kg/trụ/lần.

Thời kỳ sau thu hoạch, vườn thanh long được bón bằng phân hữu cơ với lượng 2 – 3kg/trụ/lần nhằm tái tạo, tăng độ tơi xốp cho đất và kích thích bộ rễ của cây phát triển mạnh, giúp cây thanh long khỏe mạnh hơn, hạn chế sâu bệnh.

Đối với phòng trừ sâu bệnh, cần lưu ý sâu khoang, sâu róm, bọ xít, nấm thân cây, thán thư, rỉ sắt, kiến và ruồi đục quả. Để phòng trừ sâu bệnh, gia đình ông Phú dử dụng chế phẩm sinh học hỗn hợp từ tỏi, ớt nghiền nhỏ rồi đem phun.

Nhờ kiên trì cải tạo đất, vườn trồng thanh long của ông Phú hiện nay rất màu mỡ. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ kiên trì cải tạo đất, vườn trồng thanh long của ông Phú hiện nay rất màu mỡ. Ảnh: Trần Toản.

Để cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt nhất theo từng giai đoạn sinh trưởng; quả có vị ngọt mát, tròn đều và đẹp mắt, tất cả các khâu chăm sóc đều được ông Phú ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký hàng ngày.

“Thanh long ruột đỏ được thị trường ưa chuộng vì chất lượng tốt, tuy quả nhỏ hơn so với thanh long ruột trắng nhưng hương vị ngọt đậm, chất lượng càng cao hơn khi được gia đình tôi trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ đấu thầu thêm đất của các hộ dân lân cận để mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Đồng thời giúp bà con trồng thanh long ở địa phương thay thế dần các giống thanh long truyền thống, lâu năm đã thoái hóa, nhiễm bệnh; áo dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao”, ông Phú nói.  

Thanh long ruột đỏ của ông Phú hiện được thương lái đến tận vườn thu mua, tiêu thụ ở nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... Ngoài ra, ông Phú còn tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube...

Trên diện tích 1,7ha với 1.700 gốc thanh long, hiện mỗi năm gia đình ông Phú thu 12 lứa quả (7 lứa chính, 5 lứa phụ) với sản lượng 90 - 100 tấn quả. Với giá bán bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Phú có thu nhập 800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.