Đến ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) hỏi thăm ông Lê Văn Thủy (58 tuổi) ai cũng biết bởi ông rất chí thú làm ăn. Ông là nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc. Ông hiện đang sở hữu hai vườn trồng chuyên canh cây thanh long với tổng diện tích 1,8ha. Hai khu vườn này đang được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, năng suất cao, có giá trị xuất khẩu nên được nhiều người học hỏi làm theo.
Ông Thủy kể, trước đây gia đình trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển đổi sang cây thanh long ruột trắng đã gần 30 năm nay. Từ năm 2012, được sự khuyến khích và hướng dẫn của ngành chuyên môn, ông bắt tay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rồi nâng lên GlobalGAP. Trái thanh long được HTX Mỹ Tịnh An liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính như EU, Mỹ với giá cao hơn vài nghìn đồng/kg.
Nhờ siêng năng cần cù và biết áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nên vườn thanh long của gia đình ông luôn đạt năng suất và chất lượng cao. Trung bình mỗi năm vườn thanh long này được xử lý cho trái 3 vụ, năng suất từ 50 - 60 tấn/ha. Mùa khô năm nay, một vườn thanh long 1ha của ông Lê Văn Thủy thu hoạch được 20 tấn trái, bán giá 22.000 đồng/kg, thu được 450 triệu đồng.
Để trồng thanh long tiêu chuẩn GlobalGAP thành công, ông Thủy luôn tuân thủ quy trình, không phun thuốc BVTV ngoài danh mục quy định, đặc biệt còn tự ủ phân hữu cơ từ cá để bón thêm cho vườn cây. Thanh long cho leo lên hàng rào bằng các ống thép chứ không phải trụ xi măng truyền thống.
Mô hình này giúp cho thanh long có năng suất cao, kiểm soát tốt sâu bệnh. Khi xông đèn cho ra hoa trái vụ, ông sử dụng hai loại bóng đèn led và dây tóc để tiết kiệm điện mà vẫn cho hiệu quả cao. Ngoài ra, ông còn áp dụng cơ giới hóa trong khâu chăm sóc như tưới, phun thuốc. Do đó, dù khu vườn khá rộng nhưng khâu chăm sóc chỉ cần vài người trong gia đình đảm trách, không phải thuê mướn thêm lao động.
Ông Thủy chia sẻ: “Để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP thành công, quan trọng cần phải thay đổi tập quán sản xuất, lấy chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Trong phun thuốc, bón phân phải có sự lựa chọn sản phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học, ngoài cải tạo đất còn cho sản phẩm an toàn”.
Điều đáng ghi nhận đối với ông Thủy là ý chí quyết tâm, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong khi nông dân địa phương ồ ạt trồng thanh long ruột đỏ thì ông vẫn chung thủy với thanh long ruột trắng. Theo ông Thủy, thanh long ruột trắng ít nhiễm bệnh, năng suất cao và thị trường Mỹ, EU rất hút hàng. Thời gian qua, dù trái thanh long có lúc ế ẩm, rớt giá nhưng ông không nản chí mà tiếp tục đầu tư chăm sóc cho khu vườn của mình.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An nhận xét: Nông dân Lê Văn Thuỷ rất tiêu biểu trong lao động sản xuất tại địa phương và là một trong những nông dân đi đầu trong thực hiện đạt hiệu quả mô hình GAP.
Thanh long của ông Thủy được trồng theo quy trình nên năng suất, chất lượng cao, nhất là kỹ thuật trồng theo hàng. Bên cạnh đó, ông Thủy tưới béc và kéo dây xịt thuốc hết vườn chứ không phải mang bình xịt nên hiệu quả cao. Hiện nay, thanh long ruột trắng nếu giá 15.000 đồng trở lên thì thu nhập rất tốt.
Không chỉ lao động giỏi, ông Thủy còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An. Năm 2020, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích trong lao động sản xuất. Ngoài ra, ông còn được UBND tỉnh Tiền Giang, Trung ương Hội Nông dân tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hội và thi đua trong lao động sản xuất.
Thời gian qua, ông rất tích cực trong các phong trào công tác từ thiện tại địa phương như xây dựng cầu, đường giao thông. Bản thân ông tự nguyện tham gia trên 30 lần hiến máu nhân đạo. Năm ngoái, ông còn vinh dự được kết nạp vào Đảng khi tuổi đời gần 60.
Dù tuổi đời gần 60 nhưng với tinh thần đam mê sản xuất, nông dân Lê Văn Thủy vẫn còn rất nhiệt huyết. Ông cho biết, còn sức khoẻ thì còn tham gia lao động và quyết tâm làm giàu với cây thanh long.