| Hotline: 0983.970.780

Người lập 'quê mới' cho thanh long ruột đỏ ở xứ Mường

Thứ Sáu 09/06/2023 , 12:18 (GMT+7)

Trên vùng đất đồi cằn sỏi đá, cách đây 10 năm, nhiều người ái ngại khi anh Hoàn chặt bỏ cây bạch đàn gần đến tuổi thu hoạch để trồng thanh long ruột đỏ.

Trên vùng đất đồi hoang hóa, kém hiệu quả của địa phương, anh Trần Quốc Hoàn (sinh năm 1971) ở khu dân cư Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là người tiên phong, mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng. Đất không phụ công người, từ mảnh đất khô cằn sỏi đá, giờ đã trở thành vùng chuyên canh thanh long với diện tích 8.000m2, đem lại doanh thu 480 triệu đồng/năm.

Những gò đồi khô cằn ngày nào giờ đã trở thành vùng chuyên canh cây thanh long ruột đỏ mướt xanh. Ảnh: Trần Toản.

Những gò đồi khô cằn ngày nào giờ đã trở thành vùng chuyên canh cây thanh long ruột đỏ mướt xanh. Ảnh: Trần Toản.

Bạo gan phá bạch đàn trồng thanh long

Trong cái nắng oi bức cuối chiều, chúng tôi có mặt tại gia đình vợ chồng anh Trần Quốc Hoàn và chị Bùi Thị Bích (sinh năm 1975) khi vườn thanh long xanh mướt đang độ đơm hoa kết trái, những gốc thanh long lúc lỉu quả được anh chị cặm cụi chăm sóc kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

Anh cho biết, địa phương anh chủ yếu là đất đồi gò, cằn cỗi, nhiều năm trồng lúa, ngô nhưng không đem lại hiệu quả. Tình cờ xem trên truyền hình giới thiệu về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ và nghe các nhà khoa học chia sẻ thông tin, anh Hoàn nhận thấy cây thanh long phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương nên đã bàn với gia đình chọn cây thanh long ruột đỏ để trồng.

Năm 2013, gia đình anh Hoàn đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 đất ruộng và vườn đồi, đầu tư 470 trụ bê tông để trồng cây thanh long. Quyết định thời điểm đó của anh Hoàn bị nhiều người dân trong vùng cho là quá liều, bởi anh dám phá bỏ đồi bạch đàn gần đến tuổi thu hoạch để trồng giống cây lạ chưa xuất hiện ở vùng này bao giờ.

Không chỉ thành công với cây thanh long ruột đỏ, anh Hoàn đang sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Toản.

Không chỉ thành công với cây thanh long ruột đỏ, anh Hoàn đang sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Toản.

Sau 2 năm tập trung chăm sóc, vườn thanh long sinh trưởng tốt và bắt đầu ra bói. Qua quá trình theo dõi vụ quả đầu tiên, anh Hoàn nhận thấy vườn thanh long của gia đình mình số lượng hoa/lứa ít so với một số vườn thanh long khác, các lứa/vụ thưa hơn và tỷ lệ quả nhỏ khi cho thu hoạch khá nhiều dẫn đến năng suất thấp, giá bán không cao.

Không chấp nhận kết quả trên, anh Hoàn đã thu xếp thời gian công sức tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, mạng Internet và trực tiếp đến các nhà vườn đang trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài tỉnh; đồng thời tham dự các lớp tập huấn về cây trồng do hệ thống khuyến nông tổ chức để nắm bắt kỹ thuật và học hỏi từ thực tế.

Sau một thời gian nỗ lực học hỏi cùng với sự chia sẻ kinh nghiệm từ cán bộ khuyến nông và các chủ vườn, anh Hoàn nhận ra cây thanh long của gia đình cho năng suất thấp là do chất lượng về cây giống. Từ đó, anh lặn lội vào tận tỉnh Bình Thuận để mua cây giống thanh long ruột đỏ F1 có nguồn gốc từ Thái Lan cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt.

Nhờ chú trọng bón phân hữu cơ, vườn thanh long của anh Hoàn phát triển rất bền và ổn định, cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ chú trọng bón phân hữu cơ, vườn thanh long của anh Hoàn phát triển rất bền và ổn định, cho năng suất, chất lượng rất tốt. Ảnh: Trần Toản.

Đây là giống có nhiều ưu điểm vượt trội như dễ trồng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có nhiều lứa hoa/vụ nên sẽ kéo dài thời gian thu hoạch. Cây cho nhiều quả, quả to, mẫu mã đẹp, có vị ngọt đậm, năng suất và chất lượng ổn định, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

“Thời điểm năm 2013, gia đình tôi là hộ tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Ban đầu, tôi bỏ vốn hơn 200 triệu đồng từ việc vay vốn ngân hàng để đổ cột bê tông cao 1,8m làm trụ, mua ống tuýp sắt để làm giàn, hệ thống tưới phun nước tự động cho cả vườn thanh long. Lúc đó gặp rất nhiều về kỹ thuật trồng, chăm sóc nhưng nhờ học hỏi qua sách báo và các lớp tập huấn do huyện, thị trấn tổ chức hướng dẫn tỉ mỉ nên tôi đã tích lũy được kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật”, anh Hoàn nhớ lại.

Chất lượng, mẫu mã quả thanh long do anh Hoàn sản xuất không kém gì 'quê hương' của nó ở Bình Thuận. Ảnh: Trần Toản.

Chất lượng, mẫu mã quả thanh long do anh Hoàn sản xuất không kém gì "quê hương" của nó ở Bình Thuận. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ áp dụng đúng những kiến thức, phương pháp canh tác đã tích lũy được nên những năm sau, với 470 trụ cây thanh long ruột đỏ, gia đình anh Hoàn đã thu hoạch đều đặn 15 tấn quả, thu về 250 triệu đồng/năm. Sau khi trừ mọi chi phí bỏ ra ban đầu, thấy có lãi nên đến đầu năm 2020, anh quyết định đầu tư vốn để đấu thầu thêm 4.000m2 đất đồi của bà con địa phương, nâng tổng diện tích của gia đình lên 8.000m2 với 1.300 trụ thanh long.

Đất cằn "đẻ" tiền tỷ

Thanh long ruột đỏ là loài cây thuộc họ xương rồng, ưa thời tiết nắng nóng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, thích nghi với nhiều loại đất khô cằn. Trồng thanh long tuy phải đầu tư ban đầu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nhưng hiệu quả kinh tế cũng vượt trội hơn hẳn.

Chỉ mất 12 – 18 tháng chăm sóc, thanh long đã có thể cho quả bói, thu hoạch nhiều đợt trong năm. Từ năm thứ 2 trở đi (sau khi cho quả bói), năng suất tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước. 

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo VietGAP nên vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hoàn luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất, chất lượng quả cao. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo VietGAP nên vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hoàn luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất, chất lượng quả cao. Ảnh: Trần Toản.

Trong quá trình chăm sóc, anh Hoàn ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào sổ nhật ký hàng ngày và kiểm tra, tuân thủ thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng VietGAP như: Cách trồng, bón phân, cách tỉa cành tạo tán, thời gian cách ly thuốc BVTV, quy định nơi ủ phân, nơi xử lý phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng mã vùng trồng...

Anh Hoàn chia sẻ kinh nghiệm: Cây thanh long phù hợp với địa hình vùng đất dốc, róc nước. Công đoạn chuẩn bị trụ trồng cần lưu ý không nên làm trụ bằng gỗ bởi rất nhanh đổ và mục, nên đầu tư đổ cột bê tông làm trụ cho thanh long bám. Mỗi trụ nên trồng 4 gốc thanh long.

Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần chủ động cắt, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, làm sạch cỏ dại, không sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc BVTV bị cấm nhằm tạo ra những quả thanh long ruột đỏ an toàn, chất lượng...

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như sản phẩm quả thanh long, gia đình anh chủ động lấy phân gà, các sản phẩm trong sơ chế xác bã động vật ủ hoai mục thành phân hữu cơ với vi sinh và nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây. 

Sau 10 năm cải tạo, 'bồi bổ' hữu cơ cho đất, cây thanh long đã bén duyên với vùng đất đồi ở xứ Mường. Ảnh: Trần Toản.

Sau 10 năm cải tạo, "bồi bổ" hữu cơ cho đất, cây thanh long đã bén duyên với vùng đất đồi ở xứ Mường. Ảnh: Trần Toản.

Thời gian từ lúc thanh long ra nụ hoa đến lúc quả chín cho thu hoạch khoảng 30 – 35 ngày. Quả thanh long lúc chín to, đẹp, đồng đều, trung bình đạt 800gram/quả.

Cũng theo anh Hoàn, thời gian thu hoạch quả của cây thanh long ruột đỏ từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, trung bình thu 1 lứa/tháng. Thời gian còn lại từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau cho cây nghỉ ngơi, dưỡng sức các tháng mùa đông.

Để cây thanh long phát triển tốt, giống phải là giống F1 có cành to khỏe, thẳng, không sâu bệnh, dị tật, tuổi cành trên 6 tháng, dài 30 – 40cm. Khoảng cách trồng hàng cách hàng và cây cách cây là 3m. Về kỹ thuật bón phân, phân được sử dụng chủ yếu là phân chuồng hoai mục, trong đó chủ yếu là phân gà đã được ủ kỹ, mua từ các trang trại áp dụng biện pháp chăn nuôi sinh học với thời gian bón 6 tháng/lần.

Để năng suất quả ổn định, định kỳ 3 - 4 tháng/lần, anh Hoàn bổ sung thêm các loại phân bón như phân Đầu trâu, đạm, kali. Thời gian bón lót sử dụng phân hữu cơ Organic 1 với lượng từ 1 - 3 kg/cây/lần. Thời gian bón thúc lần 1 sử dụng phân NPK 20-20-15 bón cho cây với lượng 0,3 - 0,5kg/cây/lần. Bón thúc lần 2 phân bón NPK 15-15-15 + TE với lượng 0,5 - 0,7kg/cây/lần.

Vườn thanh long của anh Hoàn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Toản.

Vườn thanh long của anh Hoàn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Toản.

Đối với giai đoạn cắt tỉa, tạo cành cây thanh long, cần thường xuyên tỉa bỏ chồi dại mọc ra từ cổ rễ dưới đầu trụ, tỉa các chồi và cành già, cành nhiễm sâu bệnh, dị dạng.

Do điều kiện khí hậu miền Bắc oi nóng về mùa hè, rét lạnh vào mùa đông, mùa xuân mưa phùn, thời tiết âm u, độ ẩm cao nên sẽ ảnh hưởng tới tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây thanh long, là nguyên nhân chính phát sinh các loại sâu bệnh gây hại trên cây, đặc biệt là nấm, bệnh thán thư, kiến, ruồi đục quả, ốc sên phá hoại vào mùa xuân, đốm mắt cua phá hoại vào mùa hè.

Để phòng, trị bệnh hiệu quả, anh Hoàn áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử thuốc BVTV, đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường như ớt, tỏi đem nghiền nhỏ, trộn lẫn với nhau rồi phun cho cây.

“Trong quá trình chăm sóc cho cây thanh long, tôi chủ động bón xung quanh mỗi trụ 30kg phân chuồng; lấy rơm, rạ ủ lên gốc cây để giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại mọc và chống xói mòn đất. Bước sang mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 2, khi xuất hiện mầm mới, non, khỏe thì giữ lại; khoảng trung tuần tháng 4 khi cây thanh long ra nụ, tôi chọn những nụ to, khỏe và mỗi bẹ chọn 1 - 2 nụ. Khi cây ra hoa nên để mỗi nhánh tối đa 2 quả, mỗi gốc không quá 10 quả”, anh hoàn chia sẻ.

Nỗ lực của anh Hoàn đã thu được thành quả ngọt ngào sau 10 năm miệt mài với cây thanh long ruột đỏ. Ảnh: Trần Toản.

Nỗ lực của anh Hoàn đã thu được thành quả ngọt ngào sau 10 năm miệt mài với cây thanh long ruột đỏ. Ảnh: Trần Toản.

Trên diện tích 8.000m2, 1.300 trụ cây thanh long, mỗi năm gia đình anh Hoàn thu hoạch trung bình 30 tấn quả. Với giá bán loại 1 từ 22.000 - 25.000đ/kg, loại 2 từ 15.000 - 17.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh Hoàn thu về 480 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương để làm cỏ, bón phân và thu hoạch quả với tiền công 250.000đ/ngày.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm