Liên kết vững bền
Anh Dương Mạnh Chính là kỹ sư lập trình. Vợ anh là Nguyễn Thị Xuyến (Tiến sỹ, giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên). Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, cùng cầm tinh con chuột (sinh năm 1984). Chính hiền từ thẽ thọt nhưng rành rẽ, chắc chắn từng từ. Xuyến nhanh nhẹn, duyên dáng song mô tip sư phạm hiển hiện từng cử chỉ.
Cả hai đều quê huyện Phú Bình. Mỗi lần về quê, qua cánh đồng rau Xuân Đám (xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên) thấy ngồn ngộn những ruộng màu, luống mỡ để hoang mà thấy tiếc hùi hụi. “Hay mình thuê làm anh nhỉ?”, Xuyến lựa lời thăm dò. Chính bảo, được đấy. Lần khác, Chính chủ động trước, cậu có còn ý định làm ruộng ở đây không? Xuyến bám riết lấy câu hỏi đó. Nhưng Chính đã để ý và có cả một kế hoạch cụ thể rồi.
Ruộng Xuân Đám bỏ hoang, người nông dân không còn mặn mà vì mùa rau cải bên sông Cầu rất đẹp nhưng chẳng mang lại nhiều tiền bằng đi làm công nhân cho Samsung. Hai vợ chồng thuyết phục xã, xã vận động dân. Những hộ dân vẫn còn “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy” ở Xuân Đám hợp tác với Chính Xuyến bằng hợp đồng. Hợp đồng có chính danh pháp lý là Công ty TNHH Nông sản Minh Vân. Giám đốc Dương Mạnh Chính. Cố vấn kỹ thuật, Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyến.
Hơn 1ha đất màu tập trung được tập hợp. Theo đó, Công ty Minh Vân của vợ chồng Xuyến Chính chịu trách nhiệm tư vấn đầu tư vốn, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Người dân chịu trách nhiệm thực hiện đúng, trúng, đầy đủ các quy trình kỹ thuật thâm canh rau an toàn của Công ty. Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thỏa thuận.
Những hộ chỉ muốn làm công thì được trả tùy theo vị trí lao động với mức bình quân 200 ngàn đồng/ngày lao động. Ông Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc HTX Xuân Đám) cho biết, hiện HTX có 31 thành viên tham gia liên kết với Công ty. Chỉ cần có đơn vị bao tiêu sản phẩm là dân nghe, dân theo.
Nổi như cồn
Sau nửa năm lặn lội với đất, tháng 08/2019, sản phẩm rau an toàn của Công ty Minh Vân được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Lê Danh Thùy (Trưởng phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên) cho biết, các điều kiện sản xuất, truy nguyên nguồn gốc cũng như kiểm định chất lượng đều cho kết quả rất tốt đối với sản phẩm rau của Công ty Minh Vân. Chính vì vậy, thành phố thực hiện việc hỗ trợ để đơn vị xây dựng việc cấp chứng nhận VietGAP. Ở hầu hết các sự kiện về sản phẩm chủ lực cấp thành phố, cấp tỉnh, rau an toàn, dưa, củ, quả dán mác Minh Vân đều được trưng tập để trưng bày.
Cố vấn kỹ thuật của Công ty Minh Vân, chị Nguyễn Thị Xuyến cho biết, đến nay mô hình sản xuất rau an toàn từng bước mang lại nguồn thu nhập cho công ty và thành viên HTX. Theo đó, mỗi tháng doanh thu từ mô hình đạt khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm của mô hình phân phối tại 6 cửa hàng thực phẩm, rau, củ quả và tiêu thụ tại nhiều trường học trên địa bàn, được đông đảo khách hàng đón nhận. Để có được sản phẩm rau an toàn đạt chất lượng, hiện nay cũng như về lâu dài, công ty áp dụng phương thức chăm sóc cây trồng theo quy trình hữu cơ và phải kiên trì thực hiện đạt mục tiêu đó.
Giám đốc Dương Mạnh Chính tiết lộ, thành quả bước đầu từ sự liên kết trên đã giúp vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư thuê nguyên vẹn 1 ha đất màu ở ngàn kế bên để tổ chức sản xuất. Ban đầu cũng rất lo lắng về đầu ra nhưng qua trải nghiệm thì cái đáng lo nhất bây giờ là làm thế nào để có sản phẩm an toàn, giữ ổn định uy tín, thương hiệu để và phát triển.
Ông Vũ Quốc Thành (cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và huấn luyện nghiệp vụ chứng nhận nông lâm thủy sản Thái Nguyên) nhận xét, kết hợp làm cấp chứng nhận cho Công ty TNHH Nông sản Minh Vân là may mắn cho người chỉ đạo, giám sát. Vợ chồng anh chị Chính Xuyến biết việc, tự giác, tự nguyện thực hiện. Nhiều khi còn thay cả cán bộ để chỉ đạo, quán xuyến vận động bà con làm theo. Mô hình hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp.