| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị nông sản góp phần xóa đói, giảm nghèo

Thứ Ba 21/07/2020 , 16:49 (GMT+7)

Nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP là mục tiêu của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) hướng đến.

Tập trung nâng cao giá trị nông sản 

Tại hội nghị hướng dẫn triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn huyện Võ Nhai năm 2020 do UBND huyện Võ Nhai phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh một số nội dung cơ bản về tiêu chí đánh giá, phân hạng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình OCOP cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Theo đó, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện… góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trước đó vào tháng 3 vừa qua, tại hội nghị triển khai xây dựng “Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Võ Nhai định hướng xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, trong đó có vùng sản xuất chè tập trung với quy mô 600 – 1.000ha tại các xã Tràng Xá, Liên Minh nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó cho thấy, Võ Nhai là địa phương có lợi thế về đồi núi, thích hợp với phát triển cây chè trung du cho thu nhập ổn định.

Tổng diện tích trồng chè của HTX hiện nay là 30ha, trong đó tất cả diện tích nói trên đều đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình VietGap. Ảnh: Kiều Hải.

Tổng diện tích trồng chè của HTX hiện nay là 30ha, trong đó tất cả diện tích nói trên đều đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình VietGap. Ảnh: Kiều Hải.

Sản xuất chè VietGAP nâng cao giá trị

HTX Nông sản Liên Minh ở xóm Thâm, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai do chị Hoàng Thị Hải (41 tuổi) làm giám đốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè. Chị Hải là một người phụ nữ dân tộc Tày sinh ra ở xã vùng cao khó khăn của huyện Võ Nhai.

Chị Hải tâm sự: Trước đây chị chuyên đi thu mua chè khô về bán lại cho các đại lý, nhưng do thu nhập không cao nên chị đã nghĩ đến việc phải nâng cao chất lượng cũng như giá trị của cây chè và quyết định chuyển sang chế biến, sản xuất chè với mong muốn thay đổi cuộc sống. Sẵn diện tích chè của gia đình có hơn 1 mẫu chè trung du, chị vận động thêm các hộ gia đình cùng tham gia sản xuất và chế biến để sản phẩm chè bán ra thị trường có giá trị cao hơn.

Nhằm ổn định về chất lượng và số lượng chè bán ra, tháng 12/2018 chị đã quyết định thành lập HTX Nông sản Liên Minh với 30 thành viên tham gia tập trung ở 4 xóm: Thâm, Vang, Nhâu, Ngọc Mỹ của xã. Đến nay, HTX đã tăng lên số lượng 50 thành viên.

Theo chị Hải, Liên Minh là xã khó khăn thuộc vùng 135, nơi có nhiều đồng bào dân tộc nhất của huyện Võ Nhai với 58% dân số là người dân tộc Dao, do đó đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Bản thân gia đình chị Hải trước khi thành lập HTX cũng là một trong những hộ cận nghèo có thu nhập thấp của xã.

Việc chị Hải quyết định thành lập HTX vừa là động lực để gia đình chị thoát nghèo, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng để xóa đói giảm nghèo. Từ khi thành lập HTX đến nay, bên cạnh việc cải thiện đời sống cho gia đình, HTX của chị Hải còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định, thậm chí nhiều chị em phụ nữ đã từ bỏ làm công ty để về làm chè cùng chị.

Một số sản phẩm chè của HTX nông sản Liên Minh hiện nay. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một số sản phẩm chè của HTX nông sản Liên Minh hiện nay. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chị Hải cho biết, chị vừa mới đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng rãi để đáp ứng cho việc sản xuất chế biến chè với số lượng lớn. Ngoài ra, chị còn được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 2 máy tôn sao chè với kinh phí gần 200 triệu đồng để phục vụ cho việc sao sấy chè. Ngoài sản lượng chè tươi thu hoạch của gia đình, chị Hải còn thu mua chè tươi của tất cả các thành viên trong HTX về chế biến với khoảng 3 tạ/ngày và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên sau khi đã chế biến thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, HTX Liên Minh sản xuất được 2 tạ chè khô các loại, tương đương với 2,6 tấn chè khô/tháng tùy theo mỗi lứa chè. 

Khi chưa thành lập HTX thì chè của các hộ làm ra có giá trị rất thấp chỉ từ 65.000 – 75.000đ/kg chè khô, nhưng đến nay giá các sản phẩm chè đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Hiện tại sản phẩm đắt nhất của chị là chè đinh có giá 600.000đ/kg được làm theo yêu cầu đặt hàng của khách, còn những sản phẩm thông thường như chè tôm nõn có giá dao động từ 250.000 – 300.000đ/kg, loại thấp nhất cũng vào khoảng 150.000đ – 200.000đ/kg.

Đến nay, các sản phẩm của HTX đều đã có tem truy xuất nguồn gốc và sản phẩm chè tôm nõn đã được chị đăng ký là sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2020, hiện đang trong quá trình hoàn tất thủ tục. Doanh thu trung bình của HTX đạt khoảng 700 triệu đồng/tháng, xấp xỉ trên dưới 8 tỷ đồng/năm.

Tổng diện tích trồng chè của HTX hiện nay là 30ha, trong đó tất cả diện tích nói trên đều đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình VietGAP. Nói về định hướng trong thời gian tới chị Hải cho biết sẽ đưa những sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn VietGAP chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo sức khỏe cho bà con cũng như bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy là một HTX còn non trẻ nhưng với nghị lực và tâm huyết của người đứng đầu, chị Hải đã luôn vượt lên khó khăn mở ra những hướng đi hiệu quả cho các thành viên trong HTX, đưa HTX ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất