| Hotline: 0983.970.780

'Thành phố thông minh' hoang vắng

Thứ Bảy 27/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Từ Hàn Quốc tới Malaysia hay Kenya, các thành phố thông minh với trang bị đủ loại công nghệ hiện đại đều giống nhau ở một điểm: chúng rất thiếu vắng cư dân.

Sáng sáng, cứ vào 8h30, một thông báo được phát ra từ một chiếc loa lắp đặt trên trần nhà trong căn hộ của Kim Jong-won, nội dung là bản tin hằng ngày.
 

Công nghệ khắp mọi nơi

“Chẳng có cách nào tắt cái đó đi”, vợ Kim, cô Jung-sim, thở dài, trong lúc chuẩn bị bữa sáng. “Tôi ghét công nghệ nhưng chồng tôi là người luôn đi tiên phong. Anh ấy muốn mình phải là người có mọi thứ trước tiên”, Jung-sim nói với phóng viên Guardian.

Tình yêu với công nghệ mới đã khiến Kim đi đến quyết định chuyển nhà đến “thế giới tương lai”, hay ít nhất là thứ gần với nó nhất, Songdo, “thành phố thông minh” kiểu Hàn Quốc. Nó được xây dựng trên diện tích 600ha đất cải tạo bằng cách vét bùn từ biển Hoàng Hải để tôn thành nền ở một vị trí gần với sân bay quốc tế Incheon. Đó là thành phố mà ở đó rác được tự động chuyển đi thông qua hệ thống ống ngầm, nơi đèn đường luôn sáng, nơi có những tòa nhà chung cư tự động điều thang máy xuống hầm đón khi phát hiện ô tô của bạn vừa về tới.

15-29-39_1
Những tòa nhà cao tầng ở Songdo.

Cảm biến lắp đặt trên mọi tuyến phố theo dõi dòng chảy giao thông, gửi cảnh báo đến điện thoại của bạn khi trời sắp có tuyết rơi, trong khi đó bạn vẫn đang ngả ngớn theo dõi, giám sát mấy đứa con đang chơi trên sân chơi công cộng qua tivi trong phòng khách.

Thứ mà Kim thích nhất là một màn hình cảm ứng nhỏ trên tường gian bếp, cho phép anh theo dõi việc tiêu thụ điện, nước, khí gas và quan trọng nhất, so sánh các chỉ số này với mức độ tiêu thụ bình quân của cả tòa nhà.

Từ cửa sổ phòng khách nhà họ trên tầng thượng của một trong những tòa chung cư cao tầng, phong cảnh Songdo mở ra trong tầm mắt. Bên cạnh con đường cao tốc 8 làn xe là công viên trung tâm với cây cối xanh mát bên hồ nước, sân golf.

Là một sáng kiến của Chính phủ Hàn Quốc từ cuối những năm 1990, khi sân bay Incheon được lên kế hoạch xây dựng, Songdo là một mô hình đã được thực hiện nhiều lần ở nhiều nơi trên thế giới, với mong muốn trở thành trung tâm cho các công ty quốc tế, một ví dụ về đô thị bền vững, là nền tảng thử nghiệm cho các công nghệ thành phố thông minh.

Thành phố Songdo được nói là có tỷ lệ tòa nhà xanh lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên việc đi lại trong thành phố hoàn toàn dựa vào ô tô cá. Thậm chí cũng không có tàu hỏa đô thị dẫn đến sân bay gần đó. Để tới thủ đô Seoul, chỉ cách đó 30km, mất tới 1 giờ 30 phút đi tàu điện ngầm. Songdo có thể tự hào vì có một trung tâm điều khiển tích hợp coi sóc toàn bộ hoạt động của thành phố, nhưng mô hình đô thị này không khác gì một quận nào đó chỉ có hoạt động của ô tô. Mặc dù mang danh là thành phố tiết kiệm năng lượng, Songdo vẫn là nơi đắt đỏ, khác biệt và thiếu cá tính, thiếu sức sống bởi nhân tố quan trọng nhất của một đô thị năng động, suy cho cùng vẫn là con người.

15-29-39_2
Công viên trung tâm không một bóng người.

Vòng quanh thế giới, có rất nhiều thành phố giống như Songdo đang được xây dựng, từ Kenya tới Kazakhstan.

Ấn Độ đã tuyên bố xây dựng 100 thành phố thông minh, trong khi ở châu Phi đang chứng kiến 100 tỷ USD được đổ vào ít nhất 20 dự án. Trung Quốc, ngoài xúc tiến với 500 thành phố thông minh trong nước “làm điểm”, còn đang triển khai nhiều dự án trong khuôn khổ sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai và con đường”, từ trung tâm kho vận Khorgos trên biên giới với Kazakhstan, tới khu cảng Roal Albert ở London.

Các thành phố thông minh không giống đô thị thông thường, nơi người nông thôn đổ ra và dần trở thành người đô thị. Chúng là công cụ thể thu hút đầu tư nước ngoài và khiến đô thị đã giàu lại càng giàu hơn.
 

Hoang vắng

Nhưng điều mà ai cũng nhận ra khi đến thăm Songdo là sự hoang vắng. Nhìn ngó đăm chiêu ra khung cảnh xung quanh, thảm cỏ rộng mênh mông xen lẫn đầm lầy, thỉnh thoảng lại có vài tòa nhà cao tầng mọc lên, Shim Jong-rae lắc đầu, nói ra điều mà rất nhiều người dân Songdo có cùng cảm nhận: “Đây là thành phố ma”, anh nói với SCMP.

15-29-39_3
Những giá đỡ dựng xe đạp trống trơn.

Mặc dù hơn một thập kỷ qua, nhiều nhà hoạch định đô thị đã nghiên cứu hình mẫu Songdo, thành phố thông minh đầu tiên của thế giới. Ý tưởng của các nhà phát triển là một thế giới không xe hơi (cho dù ở Songdo hiện nay đi lại chủ yếu bằng ô tô), với 40% không gian xanh và hàng chục km đường dành cho xe đạp. Sống ở đây, có vẻ giống với thiên đường. Công nghệ có ở khắp nơi. Không có xe chở rác, bởi rác được “hút” theo đường ống từ mỗi gia đình ra nơi xử lý để sản xuất điện.

Nhưng thực tế là điều gì đó khá khác biệt. Hơn một thập kỷ qua, mặc dù dân số theo kế hoạch là 300.000 dân nhưng đến nay ở Songdo mới chỉ có chưa đầy ¼ số đó, khoảng 70.000. Thành phố là một sự pha trộn giữa các bãi đất trống (vì chưa thể xây dựng tiếp khi dân số còn quá ít) với những khu xây dựng quy mô lớn. Dân không tới sống và các nhà doanh nghiệp cũng vậy. Có chưa tới 50 nhãn hiệu lớn xuất hiện tại Songdo và giao thông công cộng là một sự khó chịu, khi mất tới gần 2h mới tới được Seoul dù khoảng cách chỉ là 30km.

Đường phố, lối đi bộ, lối đạp xe trống trơn một cách kỳ lạ đối với một thành phố lớn, không có sự hiện diện của văn hóa: không bảo tàng, nhà hát, chỉ có duy nhất một rạp chiếu phim. Vào cuối tuần, các giá dựng xe đạp trống trơn. Có người đã ví Songdo giống như thành phố Chernobyl của Nga sau khi xảy ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân.

15-29-39_4
Đường phố rộng rãi đến hoang vắng ở Songdo.

Mặc dù có nhiều lời chỉ trích, các nhà phát triển Songdo vẫn tự tin cho rằng mọi thứ rồi sẽ tốt lên. Scott Summers, phó chủ tịch Gale International, tập đoàn Mỹ sở hữu 61% bất động sản ở Songdo, nói: “Đó là nơi tuyệt vời để sống. Và đang trở thành một nơi tuyệt vời để làm việc”.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.