Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar, được nhiều tờ báo phương tây mô tả là “thành phố ma” bởi nó có quy mô khổng lồ nhưng lại rất ít người sinh sống.
Naypyidaw, thủ đô gần 14 năm tuổi của Myanmar, sở hữu tất cả những thứ mà một đô thị hiện đại có, những con đường với 20 làn, một sở thú khổng lồ bao gồm cả chuồng nuôi chim cánh cụt, ít nhất 4 sân golf tiêu chuẩn. Điện ở đây cũng khá ổn định, không giống như mọi nơi khác trên đất nước. Nhiều nhà hàng có Wi-fi tốc độ cao miễn phí.
Chùa vàng Uppatasanti ở Naypyidaw. Ảnh: Wikipedia. |
Thứ duy nhất Naypyidaw không có là người sinh sống. Những con đường cao tốc khổng lồ vắng tanh, không khí tĩnh lặng, không có chuyển động. Naypyidaw có diện tích hơn 7.054 km2, gấp 4 lần diện tích London (1.569 km2) nhưng số dân sống tại đây chỉ khoảng một triệu người, bằng 1/9 dân số London, theo Guardian.
Naypyidaw được công bố là thủ đô mới của Myanmar vào tháng 11/2005 dưới chính quyền quân sự lúc bấy giờ. Mọc lên trên những cánh đồng lúa và mía, người ta đồn rằng phải mất 4 tỷ USD để xây dựng thủ đô mới của Myanmar.
“Thành phố này chủ yếu dành cho nhân viên chính phủ và các tòa nhà chính phủ”, một người đàn ông 30 tuổi giấu tên chuyển tới Naypyidaw từ 6 năm trước, cho hay. “Chẳng có gì thú vị. Họ sống ở đây vì có thể kiếm tiền và làm việc”.
Nguồn gốc hình thành của Naypyidaw đến nay vẫn không rõ ràng. Nhiều người mô tả nó như một dự án phù phiếm do cựu lãnh đạo quân sự của Myanmar Than Shwe nảy ra. Naypyidaw có nghĩa là “ngai vàng của nhà vua”. Một số người cho rằng cái tên “táo bạo” được đặt cho thành phố phản ánh “ảo tưởng về sự vĩ đại” của Than Shwe.
Các giả thuyết khác lại nói chính quyền Myanmar muốn chuyển thủ đô từ Yangon về Naypyidaw để tránh xa khỏi biển bởi họ luôn ôm nỗi sợ về một cuộc xâm lược đổ bộ của Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền Myanmar gọi việc chuyển thủ đô về Naypyidaw giống như xây dựng một Canberra của Australia hay một Brasilia của Brazil, giúp thành phố tránh khỏi tắc đường và ô nhiễm không khí. Nhưng không mấy ai tin vào tuyên bố này.
Tổ hợp các tòa nhà quốc hội của Naypyidaw có một con hào chạy quanh. Lực lượng an ninh ngăn du khách đến gần để quan sát bất kỳ tòa nhà nào. Ngoài ra còn có tin đồn về một mạng lưới đường hầm lớn dưới thành phố, dường như do các kỹ thuật viên Triều Tiên tư vấn cho chính phủ cách xây dựng.
Đường phố vắng bóng người của Naypyidaw. Ảnh: Independent. |
Naypyidaw được phân chia thành các khu vực riêng biệt phục vụ những mục đích khác nhau như khu vực khách sạn, khu tòa nhà chính phủ, nơi ở của cư dân, nơi ở của các cán bộ nhà nước hay khu tổ hợp quân sự. Điều này có nghĩa thủ đô của Myanmar không có trung tâm điển hình.
Không ai biết chính xác Naypyidaw được xây dựng từ khi nào bởi tất cả đều diễn ra trong bí mật. Nhưng nhìn vào quy mô, một số chuyên gia đoán thành phố được xây trong khoảng một thập kỷ.
“Những khu vực xung quanh Naypyidaw đã được sơ tán dân cư để phong tỏa thành phố với thế giới bên ngoài”, một tờ báo địa phương của Thái Lan hồi năm 2005 viết. “Toàn bộ các ngôi làng biến mất khỏi bản đồ, cư dân bị đuổi khỏi vùng đất mà gia đình họ đã canh tác suốt nhiều thế kỷ”.
Các nhà quy hoạch bổ sung vào thành phố một số cơ sở giải trí trong thiết kế của họ để “làm mềm” hình ảnh Naypyidaw. Ngoài sở thú và sân golf, còn có một công viên rộng 67 ha được chăm sóc tỉ mỉ và một khu nghỉ dưỡng sinh thái với máng trượt nước, spa và bãi biển nhân tạo ở ngoại ô thành phố. Song rất ít người dân thu nhập thấp của Naypyidaw có đủ khả năng để tới những địa điểm thu hút này.
Đường từ Yangon tới Naypyidaw dài khoảng 300 km, hướng về phía bắc, đi qua các cánh đồng và những ngọn đồi thoai thoải. Dọc hai bên đường, biển báo nhắc nhở lái xe cảnh giác và tuân thủ giới hạn tốc độ. “Cuộc sống là một hành trình. Hãy hoàn thành nó”, một tấm biển viết.
Dù đường cao tốc gần như trống rỗng và khách du lịch nói rằng đây là con đường tốt nhất Myanmar, danh tiếng của nó vẫn bị tổn hại bởi những bản tin về các vụ tai nạn chết người. Một số người gọi nó là “con đường chết chóc”, chỉ trích chính quyền đã quá vội vã trong việc xây đường dẫn tới thủ đô, không chú trọng đầu tư vào các biện pháp an toàn.
Tại Yangon, các nhân viên cứu trợ nước ngoài chỉ cười khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng chuyển đến sống ở Naypyidaw hay không. Nếu có công việc tại Naypyidaw, họ chọn cách lái xe trong 5 giờ hoặc đi máy bay rồi sau đó lại trở về Yangon.
“Đó thực sự là một thách thức”, nhân viên của một tổ chức phi chính phủ Anh ở Yangon nói. Cô và đồng nghiệp thường bay tới Naypyidaw để tham dự các cuộc họp rồi trở về trong buổi tối. “Nó khá kỳ lạ và vắng vẻ. Đó thực sự là một nơi kỳ lạ nhưng vì là thủ đô nên bạn vẫn phải tới”.