| Hotline: 0983.970.780

Thành phố Uông Bí còn duy nhất một hộ nghèo

Thứ Năm 22/02/2024 , 17:48 (GMT+7)

QUẢNG NINH Toàn thành phố Uông Bí hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Ngày 20/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Uông Bí về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề công tác "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh".

Theo báo cáo của thành phố Uông Bí, năm 2023, kinh tế tăng trưởng với tốc độ 13,5%; giá trị tăng thêm cả 3 khu vực đều vượt chỉ tiêu nghị quyết; GRDP bình quân đầu người đạt 10.025 USD/người. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt gần 3.800 tỷ đồng, bằng 107,45% dự toán tỉnh giao; tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 11.410 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm qua, thành phố đã chung tay xóa 20 nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh; tạo việc làm mới cho gần 4.000 lao động, đạt 108% kế hoạch. Toàn thành phố hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng, niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, kiểm soát tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Danh lam thắng tích Yên Tử, địa danh nổi tiếng tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. 

Danh lam thắng tích Yên Tử, địa danh nổi tiếng tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến những lợi thế, cơ hội phát triển thời gian tới đây của thành phố Uông Bí, nhất là sở hữu không gian phát triển mới. Ông Ký đặt ra bài toán đối với thành phố là phải làm gì tận dụng được những lợi thế, cơ hội để phát triển bứt phá? Đó là phải thay đổi tư duy phát triển, tầm nhìn phát triển; phải thấy rõ được những cơ hội từ các động lực, nguồn lực mới của thành phố từ phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; từ quần thể và di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đang trong hành trình trở thành di sản thế giới; từ 2.500ha đất trong KKT ven biển Quảng Yên nằm trên địa bàn thành phố...

Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu thành phố phải xác định phát triển đô thị Uông Bí giàu bản sắc, người dân có chất lượng sống cao theo tiêu chí hạnh phúc. Phát triển du lịch dịch vụ gắn với khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử và trục sinh thái tâm linh của 3 địa phương tuyến phía Tây là Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên kết nối với thành phố Chí Linh (Hải Dương) và tỉnh Bắc Giang. Trong đó, phải phát triển sản phẩm du lịch hiện có ở khu vực thành phố Uông Bí, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm, nâng mức chi tiêu của du khách và sớm phát triển du lịch thông minh.

Khai thác hiệu quả quỹ đất nằm trong Khu Kinh tế Quảng Yên, định hình các KCN, cụm công nghiệp gắn với quản lý đất đai, tạo quỹ đất thuận lợi để thu hút ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp sạch, công nghệ cao; tận dụng lợi thế hệ thống đường ven sông kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hạ Long với thị xã Đông Triều để tạo bứt phá trong phát triển về quy mô kinh tế, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo vào tỷ trọng GRDP của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với ngành Than, ngành Điện để duy trì sự phát triển bền vững ngành Than, Điện theo quy hoạch. Phát triển ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng quốc gia Yên Tử.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.