| Hotline: 0983.970.780

Thạnh Phú - Nơi hạn mặn bủa vây

Thứ Sáu 09/04/2010 , 07:15 (GMT+7)

Trong những ngày nắng hạn như táp lửa trên đầu, tôi về Thạnh Phú, xứ dừa Bến Tre. Đi trên dải đất giồng cát nhấp nhô, nóng bỏng, choi loi, giáp biển, cảm giác trong người như khô khốc…

Trong những ngày nắng hạn như táp lửa trên đầu, tôi về Thạnh Phú, xứ dừa Bến Tre. Đi trên dải đất giồng cát nhấp nhô, nóng bỏng, choi loi, giáp biển, cảm giác trong người như khô khốc…

Khô hạn khắc nghiệt

Xe chạy bon bon trên đường láng nhựa quốc lộ 57 giống như cùng xuôi thuyền theo dòng Cổ Chiên đổ ra biển Đông. Qua 50 cây số từ khi vượt phà Đình Khao (Vĩnh Long) đi Chợ Lách, qua Mỏ Cày rồi về tới Thạnh Phú, dãy đất Cù Lao Minh ngọt ngào phù sa, rậm rì màu xanh ngút ngàn những vườn cây ăn trái nối liền kề những cánh đồng trải rộng vừa mới gặt trơ rạ vàng khô. Mải đi về cuối trời tới biển như lao vào tâm điểm xứ nóng, cây cỏ, hoa lá nhợt nhạt, lưa thưa.

Tới bến phà Cầu Ván, chờ phà qua sông Eo Lói, gió chướng thổi ầm ào từng cơn, càn lướt qua mái lá thấp lè tè của mấy quán nước. Nằm kề bên con đường xuống phà là mấy ao nuôi tôm. Nắng ngộp mỗi ngày làm nước bốc hơi lòi bãi, nứt nẻ. Mấy chiếc xe chở bán nước ngọt đóng chai như vội vàng lao về bến phà. Nhưng dưới sông chỉ lẻ loi một chiếc phà vẻ uể oải, chạy tịch tang. Trong mấy người trốn nắng chờ phà dạt vào quán nước bên đường, gặp anh Mộng, nông dân ở xã An Thuận, huyện Thạnh Phú đi tìm mua thuốc diệt cỏ giữa mùa khô. Thấy lạ tôi hỏi: Nắng đổ lửa thế này anh còn mua thuốc diệt cỏ làm gì?

- Chưa thôi đâu, nghe đài báo nói hễ gió chướng mạnh ngọn thì dự báo khô hạn còn dữ dằn tới hết tháng 4. Còn bây giờ dưới sông dân nuôi tôm báo độ mặn đã tăng hơn 22%o, chỉ cần nhảy xuống nước bước lên cạn là lưng đóng muối. Bởi vậy đợi cỏ héo khô lâu lắm, sẵn trong mấy ngày mùa màng nhàn rỗi, dùng thuốc trừ cỏ, làm đất, chờ tới sa mưa là vừa.

Qua phà, dấn sâu theo con đường cát về xã ven biển Thạnh Hải, băng qua những ruộng dưa hấu phơi lá lắc lư dưới nắng và lưa thưa mấy trái dưa xanh thuôn dài. Nằm cách chợ Giao Thạnh vài trăm mét, bên lề là một đống dưa hấu chất vun tràn ra ngoài mé hiên nhà. Dừng chân tôi hỏi chuyện hai thanh niên trồng dưa là Nhàn và Thoảng. Cả hai độ tuổi ngoài hai mươi, mặt mày tươi tắn, tay chuyền dưa thoăn thoắt, mồ hôi tươm mướt rượt lăn dài trên má. Ngoài hàng hiên nắng gần đứng bóng. Nhàn cầm trái dưa đèo chỉ lớn hơn lòng bàn tay, cười gượng thuật chuyện làm ăn: “Mấy anh em tụi này hùn nhau làm 3 công dưa, đợt trước hái được 3 tấn, lái dưa về mua xô 2.600đ/kg. Nhưng lứa dưa hái đợt 2 này lái hạ giá còn 2.000đ/kg. Tụi này hái dưa từ sáng sớm ngồi chờ dài cổ đến giờ này mà chẳng thấy bóng dáng lái đâu tới chở dưa”.

Ngồi bên cạnh, Thoảng cũng như Nhàn. Nhìn dưới đôi bàn chân hai bạn trẻ miền quê cần mẫn móng chân đóng phèn đỏ quạch. Thoảng không ngại nói với tôi, em không chịu ra thành phố làm công nhân mà ở lại quê làm ruộng rẫy phụ giúp cha mẹ để còn mai kia dành dụm tính chuyện cưới vợ. Một ước mơ mộ mạc, đơn giản và chính đáng. Mấy ngày lang thang ven biển đồng bằng, tôi còn được nghe dân Thạnh Hải ví rằng, nơi vạc đất cheo leo miền biển này như một cù lao cát nằm vắt ngang cuối cửa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông ra biển, mùa khô trồng dưa, mưa tới là mùa sắn. Mưa có nước ngọt tưới tắm, nhưng giông bão hoành hành. Còn hạn khô mùa này, ban ngày trên đầu như đội lửa. Mọi thứ sinh hoạt ăn uống tắm gội cho tới nước tưới dưa đều lấy từ nước giếng. Nguồn nước ngầm tiềm tàng trong lòng đất bây giờ trở nên quí giá vô cùng.

Giá nước hiện nay ở Thạnh Phú đắt đỏ 60.000 - 70.000đ/m3. Dân trồng dưa như Nhàn, Thoảng phải đào giếng lấy nước tưới và tưới nhỏ giọt đỡ tốn tiền bơm điện. Nếu để dưa hụt nước trái sẽ èo ọt. Chị Chín Hải chủ một quán nước ven đường về Thạnh Hải, kể vanh vách: Muốn khoan một "cây" nước (giếng) ở ngoài rừng khoảng 2 triệu đồng, vì khoan độ sâu tới 160m; giữa rừng phải sâu tới 120m mới có nước. Còn như trên giồng cát này tìm nước trồng dưa đào xuống 6m là có nước, nhưng tiền công đào 500.000đ.

Dân vùng khát cần gì?

Thạnh Phú là một trong ba huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, nằm ở cuối Cù Lao Minh, giáp mặt biển Đông chạy dài 25 km tính từ Vàm Rỏng đến Khâu Băng. Thạnh Phú có hơn 41.000ha đất tự nhiên bao gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát và những khu rừng ngập mặn ven biển. Phần lớn đất đai Thạnh Phú chịu tác động thủy triều biển Đông bị nhiễm mặn, còn lại các xã từ thị trấn Thạnh Phú trở lên giáp với huyện Mỏ Cày thuộc vùng nước lợ. Sau giải phóng, việc phân lập vùng phát triển sản xuất nông nghiệp theo địa hình đã hình thành vùng làm lúa 2 vụ hơn 6.000ha ở các xã phía Bắc giáp huyện Mỏ Cày; vùng lợ có 7.000ha luân canh lúa - tôm và vùng ven biển hiện có hơn 5.000ha ao đầm nuôi tôm và đất giồng cát trồng dưa, sắn.

Hỏi thăm người dân Thạnh Phú ai cũng thừa nhận đời sống bây giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều, đường sá miền quê đi lại dễ dàng, thoáng đãng. Vòng quanh chợ huyện, qua mấy dãy phố nhỏ, tuy ít có nhà cao tầng nhưng xe hàng xuôi ngược tấp nập. Nhìn giỏ mua hàng của mấy bà nội trợ buổi sáng, hầu như hơn chín mươi phần trăm là mua hàng tiêu dùng trong gia đình thường ngày tiêu, hành, bột ngọt, mắm, muối…Thế nhưng nếu bán hàng theo mùa thì như bắt trúng mạch nhu cầu.

Hôm 40 xe tải chở hàng Việt về phiên chợ tại huyện giới thiệu sản phẩm mới và bán khuyến mãi và tặng phẩm, trong đó, mấy mặt hàng nước giải khát bán rất chạy. Riêng mặt hàng bồn PET chứa nước – sản phẩm mới lần đầu được nhiều người tới trầm trồ lựa chọn. Dân địa phương bàn: Xứ mình nửa năm hạn mặn bủa vây, trữ nước mùa mưa nếu mua lu hay xây một bể xi măng trữ nước nặng nề, dịch chuyển khó khăn mà còn tốn kém. Trong khi bồn nhựa dễ đóng rong khi gặp nắng ngoài trời.

Hàng công nghiệp chế biến về quê muốn bán được phải tốt, bền và giá cả phù hợp với túi tiền dân nông thôn. Trong khi ngược lại, ở chợ miền quê xa xôi này, sản vật tự nhiên, nuôi trồng thứ nào cũng ngon lành, dễ dùng và rẻ.

Anh Lưu Văn Thép, dân nuôi tôm xã Thạnh Hải đi chợ huyện lý lẽ: “Về đây tuy nắng nôi cực nhọc nhưng món ngon đồ biển dễ ăn. Như cua biển thịt 120.000đ/kg, còn cua dù gãy chỉ một càng mất giá còn 70.000đ/kg; tôm sú 100con/kg giá 55.000đ/kg; cá kèo 70.000đ/kg… Còn gạo đặc sản Nàng Keo hạt tròn là giống lúa mùa 9.500đ/kg. Tới bây giờ bà con làm lúa mùa một vụ còn trung thành với giống lúa này lắm, dù biết rõ năng suất cầm chừng 200kg/công. Tuy vậy, nuôi thủy sản còn gặp rủi go, làm lúa thì nhiều người mong muốn có giống lúa mới thích nghi để cho năng suất khá hơn mà vẫn chưa thấy”...

Đường sá đi lại làm thay đổi diện mạo làng quê, dịch vụ về tới nông thôn. Một chợ xã có thể bổ hàng cung cấp cùng lúc cho bảy tám đám cưới. Thế nhưng trở lại nhiều chuyện nữa mà người dân nơi đầu gành ven bãi biển Thạnh Phú này đang cần. Tôi biết không chỉ là chuyện “khát” nước hay “khát” giống lúa hay nhiều giống cây trồng chịu hạn khác nữa mà chỉ mỗi chuyện trở chứng bất thường của khí hậu khi trái đất nóng lên đã có lần dồn ép người miền biển ở Bến Tre đã khiếp đảm trước bão dữ. Tôi nhắc lại, dò chừng, trông nét mặt ai cũng thấy lo và có phần ngơ ngác. Nhưng họ hỏi lại tôi: Chống bằng cách nào, biết chạy lánh nạn nơi đâu khi thiên tai ập tới?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm