| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ Thông tư 04 trên tinh thần 'muốn làm bạn phải hiểu nhau'

Thứ Ba 22/10/2024 , 18:09 (GMT+7)

Việt Nam sẵn sàng phối hợp các bên liên quan, đặc biệt Cục Thú y các nước để cùng trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ các các vướng mắc liên quan Thông tư 04.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, khi tồn tại các vấn đề khi thực hiện Thông tư 04, với tinh thần cầu thị, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y sẽ phối hợp với các tham tán, cơ quan thú y của các quốc gia giải quyết các kiến nghị đến tận cùng để hiểu nhau hơn và hợp tác chặt chẽ hơn. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, khi tồn tại các vấn đề khi thực hiện Thông tư 04, với tinh thần cầu thị, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y sẽ phối hợp với các tham tán, cơ quan thú y của các quốc gia giải quyết các kiến nghị đến tận cùng để hiểu nhau hơn và hợp tác chặt chẽ hơn. Ảnh: Linh Linh.

Phát hiện nhiều lô hàng dương tính với Salmonella kể từ khi Thông tư 04 có hiệu lực

Sáng 22/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp với Tham tán Nông nghiệp các nước Hoa Kỳ, Brazil, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch và Hà Lan về thúc đẩy thương mại nông sản.

Ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y, cho biết, về kết quả xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella và E.coli đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm từ năm 2020 đến tháng 4/2024 với hơn 32.000 mẫu, trong đó 1.750 mẫu dương tính với tỷ lệ 0,56%.

Kể từ khi Thông tư số 04 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực, việc xét nghiệm đã phát hiện nhiều lô hàng dương tính với Salmonella, giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời ghi nhận số lô hàng giảm rõ rệt dương tính với Salmonella ở những tháng gần đây. 

Trong các năm 2023 và 2024, số vụ ngộ độc không nhiều nhưng số người bị ngộ độc tăng rất nhiều, đặc biệt gần đây nhiều vụ ngộ độc được xác định do Salmonella xảy ra với quy mô lớn. Tuy nhiên, các bên đã cùng vào cuộc hoạt động đảm bảo lợi ích chung. 

Theo TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, kể từ khi Thông tư 04 có hiệu lực, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 340 hồ sơ đăng ký từ 21 quốc gia.

Đến nay, Cục Thú y đã xử lý và trả lời dứt điểm 285 hồ sơ, chiếm 82% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Đối với số hồ sơ còn lại, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

TS Long nhấn mạnh, việc bổ sung thông tin là rất cần thiết vì nhiều hồ sơ ban đầu vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Việt Nam luôn nỗ lực giữ vững vai trò là một đối tác thương mại có trách nhiệm và yêu cầu đều dựa trên nguyên tắc theo Luật Thương mại y thế giới và Luật của Tổ chức Thú y Thế giới.

“Khi xử lý hồ sơ, chúng tôi không chỉ chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm mà còn phải đánh giá các yếu tố liên quan đến dịch bệnh và kiểm dịch động vật,” TS Long cho biết. Ông Long cũng khẳng định, Thông tư 04 không nhằm mục đích gây khó khăn cho các doanh nghiệp mà chỉ để đảm bảo rằng mọi hoạt động nhập khẩu đều tuân thủ đúng tiêu chuẩn quốc tế và OIE/WOAH.

Về vấn đề kiểm dịch khiến hàng hóa thông quan bị chậm theo phản ánh từ các Tham tán Nông nghiệp tại buổi họp, Cục trưởng Cục Thú y nêu rõ, trên 99% số lô hàng nhập khẩu âm tính và được thực hiện kiểm dịch nhập khẩu trong vòng 1 - 3 ngày. Chỉ có khoảng gần 1% số lô sản phẩm động vật dương tính, sẽ cần nuôi cấy phân lập để khẳng định và cần 7 - 8 ngày. Việc làm này cũng để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm.

Ông Long khẳng định về quy trình và năng lực xét nghiệm của Việt Nam bởi các phòng xét nghiệm này đều theo chuẩn quốc tế với sự hỗ trợ kỹ thuật, quy trình từ phía Hoa Kỳ và Úc.

Tham tán Nông nghiệp các nước được lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y giải thích rõ các quy định xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Tham tán Nông nghiệp các nước được lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y giải thích rõ các quy định xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

45 ngày là thời gian đủ dài để doanh nghiệp chuẩn bị đáp ứng Thông tư 04

Trước ý kiến về việc Thông tư 04 cũng ảnh hưởng tới sản phẩm đã đủ điều kiện được phép xuất khẩu sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long khẳng định, Thông tư không có bất kỳ ảnh hưởng gì tới sản phẩm đã được phép xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu có ảnh hưởng chỉ là việc cần cung cấp cụ thể thông tin sản phẩm. Vướng mắc hiện nay chủ yếu xảy ra đều là các sản phẩm phụ phẩm, sản phẩm chưa nằm trong thỏa thuận thú y cũng như mẫu HC (Giấy chứng nhận kiểm dịch) giữa Việt Nam với các nước.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Thông tư 04 được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục và tuân thủ đày đủ các quy định của quốc tế. Ảnh: Diệu Linh.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Thông tư 04 được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục và tuân thủ đày đủ các quy định của quốc tế. Ảnh: Diệu Linh.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Long, thực tế có nhiều sản phẩm, lô hàng chưa có trong danh mục nhưng đã xuất khẩu sang Việt Nam gây khó khăn trong hoàn thiện thủ tục của Hải quan.

Với những trường hợp này, theo thông lệ quốc tế, Cục Thú y và Bộ NN-PTNT có quyền từ chối xử lý và yêu cầu tái xuất, tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và các đối tác, Cục Thú y vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai báo và chuẩn hóa lại theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với doanh nghiệp mới đăng ký xuất khẩu sang Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long thông tin, Cục Thú y đã nhận được 340 hồ sơ đến từ trên 20 quốc gia. Cục đã xử lý dứt điểm 285 hồ sơ, chiếm 83%. Có một số hồ sơ, Việt Nam yêu cầu bổ sung thông tin vì chưa đáp ứng yêu cầu Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Cơ sở quốc tế mà Việt Nam áp dụng là các quy định về thú y của Tổ chức Thú y Thế giới, đó là các quốc gia cần chứng minh vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Việt Nam đã dành thời gian đủ dài để các doanh nghiệp quốc tế chuẩn bị cho sự thay đổi quy định. Theo TS Long, khoảng thời gian 45 ngày sau khi Thông tư 04 chính thức có hiệu lực là đủ để các doanh nghiệp nắm bắt và tuân thủ các quy định mới, đây là khoảng thời gian dài hơn so với quy định quốc tế. 

TS Long cho rằng, tất cả các thông tin liên quan đến hồ sơ, công nghệ và quy trình đều đã có sẵn, và các doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ đúng yêu cầu của Cục Thú y là có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Ông cũng lưu ý rằng, không có bất kỳ văn bản nào từ Cục Thú y yêu cầu tạm dừng nhập khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp hợp lệ. Tuy nhiên, dù Cục Thú y có tạo điều kiện tối đa đi chăng nữa vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.

"Là một quốc gia có trách nhiệm toàn cầu, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là Cục Thú y của các nước để cùng trao đổi, chia sẻ và hướng dẫn khắc phục các vướng mắc khi triển khai áp dụng quy định mới về nhập khẩu tại thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Văn Long cam kết.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long cũng có lời mời các Tham tán Nông nghiệp tới Cục Thú y để có thời gian trao đổi và hướng dẫn chi tiết hơn. Đồng thời, Cục sẽ có văn bản tham mưu Bộ NN-PTNT để chính thức có công văn phản hồi, tạo cơ sở và căn cứ để các Tham tán trao đổi lại với đối tác, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ mong muốn, ngành nông nghiệp Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới. Khi tồn tại các vấn đề trong quá trình triển khai Thông tư 04, với tinh thần cởi mở, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y sẽ phối hợp chặt chẽ với các tham tán, cơ quan thú y của các quốc gia để giải quyết các kiến nghị đến tận cùng trên tinh thần "muốn làm bạn phải hiểu nhau".

"Việt Nam hiểu các đối tác và các đối tác cũng cần hiểu Việt Nam để hai bên cùng có lợi, cùng phát triển và cùng thắng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng chia sẻ thêm để các Tham tán đồng cảm, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của các quốc gia này.

Để hợp tác thương mại hai chiều tốt hơn, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y mong sự phối hợp giữa các Tham tán để các cơ quan thú y của các quốc gia giữ mối quan chặt chẽ với Cục Thú y Việt Nam, tạo được hành lang thông thoáng cho nông sản các quốc gia vào Việt Nam và nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Xem thêm
Giúp nông dân mở mang kiến thức chăn nuôi

AN GIANG Qua những chuyến học tập kinh nghiệm, học viên nhận thấy, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo đầu ra ổn định.

Ớt Bình Định bớt thấp thỏm: Canh tác hướng hữu cơ để xuất khẩu

Để ớt Bình Định rộng đầu ra, theo các nhà tiêu thụ, quy trình canh tác ớt phải đi theo hướng hữu cơ, để sau khi chế biến có thể tham gia xuất khẩu.

Đề án về sức khỏe đất: Cần sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng

Ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón - Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng.

Bình luận mới nhất