| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tư duy để trồng rừng gỗ lớn

Thứ Năm 18/11/2021 , 17:23 (GMT+7)

PHÚ YÊN Để trồng rừng gỗ lớn, phải chuyển từ tập quán trồng rừng dày, sử dụng giống trôi nổi sang trồng mật độ thưa, giống mới chất lượng, sạch bệnh, theo quy trình thâm canh...

Ông Nguyễn Phước ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bên rừng keo 1 năm tuổi của gia đình. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Phước ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bên rừng keo 1 năm tuổi của gia đình. Ảnh: Tùng Đinh.

Để thúc đẩy trồng rừng thâm canh gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai “Dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” tại các huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa (Phú Yên).

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ 59 hộ dân tại các xã Xuân Quang 2 và xã Xuân Long huyện Đồng Xuân; các xã Sơn Phước, Sơn Hội và Cà Lúi huyện Sơn Hòa xây dựng 95 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn các dòng keo lai, giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, có chất lượng cao và sạch bệnh.

Đổi mới tư duy trồng rừng kinh tế

Theo đánh giá của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Phú Yên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển lâm nghiệp nhưng còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, cũng như xây dựng các mô hình trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao.

Sau thời gian thực hiện dự án, bước đầu các cán bộ dự án và chính quyền địa phương đánh giá đã có những thay đổi trong canh tác giúp người dân thay đổi tư duy trồng rừng. Đầu tiên là sự thay đổi trong nhận thức về sử dụng giống. Lâu nay, các hộ trồng rừng chủ yếu mua giống keo nhân bằng hom, bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Nhiều cây giống được sản xuất từ các vật liệu giống không được kiểm soát nguồn gốc, dẫn đến thoái hóa giống, năng suất thấp và là cơ hội để sâu bệnh phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó trưởng phụ trách Bộ môn Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), chủ nhiệm dự án cho biết: "Nhiều người dân không biết mình trồng dòng keo nào, có phù hợp không. Điều này rất rủi ro vì rừng trồng có chu kỳ dài, đến thời gian khai thác mới biết giống tốt hay không”.

Trong dự án này, giống keo lai được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô, có chất lượng cao, sạch bệnh, sinh trưởng đồng đều và vượt trội. Qua đó, bước đầu đã tạo ấn tượng và thay đổi nhận thức người dân về việc sử dụng các giống tốt, có chất lượng cao và được kiểm soát nguồn gốc để trồng rừng.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (trái) trình bày với Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh về những thay đổi trong dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (trái) trình bày với Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh về những thay đổi trong dự án. Ảnh: Tùng Đinh.

Thay đổi đáng kể tiếp theo là về tư duy thâm canh rừng gỗ lớn. Trước đây, đa số người dân trồng rừng quảng canh, không bón phân, vì vậy sản lượng thấp và đặc biệt là rất khó tạo ra tỷ lệ gỗ lớn cao.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người dân đã nhận ra vai trò của thâm canh rừng, đặc biệt là sử dụng phân bón để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, hướng đến trồng rừng thâm canh gỗ lớn.

Thêm một thói quen lâu năm của người trồng rừng Phú Yên được thay đổi trong dự án này là về mật độ trồng. Tỉnh Phú Yên nói riêng và các tỉnh từ miền Trung trở vào nói chung, người dân thường trồng rừng với mật độ khá cao, từ 2.500 – 3.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 5.000 cây/ha.

Do trồng rừng với mật độ cao, chất lượng cây giống thấp, khai thác với chu kỳ 4 - 5 năm nên thường chỉ tạo ra gỗ nhỏ, chất lượng gỗ chưa cao, giá trị kinh tế thấp và đặc biệt là nhanh làm thoái hóa đất, dễ sâu bệnh.

Khi được triển khai, dự án đã vận động, thuyết phục các hộ gia đình trồng rừng với mật độ thưa hơn, ở mức 1.660 cây/ha theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. “Khi sử dụng giống, trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ dự án thì cây keo phát triển vượt trội, cùng thời gian nhưng có thể lớn gấp 1,5 lần so với cây keo canh tác truyền thống”, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Canh 2, huyện Đồng Xuân cho biết.

Ông Nguyễn Phước chia sẻ về kết quả ban đầu sau khi tham gia vào dự án thâm canh rừng gỗ lớn của TTKNQG. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Phước chia sẻ về kết quả ban đầu sau khi tham gia vào dự án thâm canh rừng gỗ lớn của TTKNQG. Ảnh: Tùng Đinh.

Keo sinh trưởng vượt trội nhờ quy khoa học

Từ tháng 10/2020, gia đình ông Nguyễn Phước ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân đã tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn do TTKNGQ hỗ trợ. Ngoài được đầu tư cây giống, gia đình ông Phước còn được hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cây.

“Gia đình tôi trồng 1.660 cây keo lai mô trên hơn 1ha đất rừng. Nhờ giống sạch bệnh, được chăm sóc và bón phân hợp lý, sau hơn một năm cây đang phát triển rất tốt, cao hơn so với cây keo lai bình thường, tỷ lệ sống đạt 98%. Hiện chu kỳ khai thác đối với cây keo rừng gỗ lớn là 8 năm, dài hơn so với trồng keo dăm từ 2 - 3 năm, trong khi nhân công và vốn đầu tư thấp. Tôi hy vọng cây rừng gỗ lớn sẽ cho kết quả tốt hơn phương thức cũ”, ông Phước nói.

Trong khi đó, ông Trần Tâm, người đang trồng keo gỗ lớn trên diện tích 2,7 ha ở xã Xuân Quang 2 nhận định: “Cây keo lai mô có tốc độ phát triển tốt hơn cây keo bình thường. Khi trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây phát triển nhanh. Mình trồng cây đạt năng suất, chất lượng thì sau này bán giá cao hơn cây bình thường”.

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Canh 2 cho biết,  xã có 14 hộ tham gia trồng rừng keo lai mô gỗ lớn với diện tích 30 ha. Ban đầu khi triển khai mô hình, người dân cũng ngần ngại vì đã quen trồng keo dăm thu hoạch trong thời gian ngắn, trong khi giống keo lai mô rừng gỗ lớn thời gian cho thu hoạch lâu hơn. Tuy nhiên, sau khi làm theo hướng dẫn của cán bộ dự án, cây phát triển rất tốt nên nhiều người dân đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng gỗ lớn.

Để mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển bền vững, UBND xã Xuân Quang 2 đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo dõi sự sinh trưởng của cây keo.

Sau khi kiểm tra mô hình, ông Lê Quốc Thanh (giữa) đánh giá cao về kết quả sơ bộ và cho rằng cần phát triển, nhân rộng mô hình này. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi kiểm tra mô hình, ông Lê Quốc Thanh (giữa) đánh giá cao về kết quả sơ bộ và cho rằng cần phát triển, nhân rộng mô hình này. Ảnh: Tùng Đinh.

Đánh giá cao mô hình thâm canh gỗ rừng lớn bằng cây keo lai mô, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho rằng, mô hình thâm canh rừng gỗ lớn đã được tích hợp các yếu tố công nghệ mới nhất, đó là kỹ thuật nuôi cấy mô, kết hợp với việc trồng thưa, thâm canh và các kỹ thuật chăm sóc hỗ trợ cắt, tỉa.

Ông Lê Quốc Thanh cũng cho rằng hiện nay, ngành lâm nghiệp đang có nhiều lợi thế, dư địa để phát triển, xuất khẩu nhưng cùng với đó là các tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng cao. “Rừng hiện nay phải có chứng chỉ, có xuất xứ thì mới có giá trị cao chứ không thể trồng như trước đây, nên cần phát triển mô hình này”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, sau 2 năm triển khải, mô hình có tỷ lệ sống cao (>95%). Cây keo sinh trưởng vượt trội so với mô hình rừng trồng thông thường của người dân địa phương. Mô hình 14 tháng tuổi (trồng tháng 10/2020, đo đếm tháng 11/2021) có chiều cao trung bình 3 - 4 m, đường kính gốc trung bình từ 2 - 3 cm.

Kết quả đánh giá sau 14 tháng trồng cho thấy cây sinh trưởng vượt trội so với mô hình trồng rừng thông thường của các hộ gia đình tại địa phương, đặc biệt là chất lượng cây đồng đều. Kết quả trồng rừng thâm canh bằng giống keo lai mô đã thực hiện cho thấy rừng trồng có tăng trưởng hàng năm từ 18 - 20 m3/ha/năm, thậm chí ở những nơi có điều kiện lập địa tốt có thể trên mức 20 m3/ha/năm.

Với chu kỳ kinh doanh 8 - 10 năm, cùng với hoạt động tỉa thưa, rừng trồng thu hoạch ở năm thứ 8 - 10 dự kiến có sản lượng từ 150 - 200 m3/ha, với tỷ lệ gỗ lớn khoảng 70%. Mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất