Những bất cập từ Nghị định 67
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời ngày 7/7/2014 đã mang lại nhiều ý nghĩa.
“Đầu tiên là việc xây dựng được đội tàu khai thác với hơn 30.000 tàu có độ dài từ 15 mét trở lên. Đồng thời gần 1 triệu ngư dân trên biển là những ‘cột mốc sống’ đảm bảo được các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Thành tựu thứ hai, những chính sách trong Nghị định 67 đã giúp sản lượng khai thác tăng trưởng tương đối ổn định, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc triển khai Nghị định 67 còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu từ thực tiễn. Điển hình như việc để có thể đóng 1.117 tàu cá (đóng mới 1.031 tàu, sửa chữa 146 tàu) theo Nghị định 67, nguồn vốn vay là 11.700 tỷ đồng; thế nhưng mới giải ngân được 2.180 tỷ đồng, còn lại 9.500 tỷ.
Hay theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối Quý IV/2021, tỉ lệ nợ xấu của chương trình hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá lên đến 62,7%. “Với những tồn tại như thế, việc tìm hướng giải quyết là vấn đề lớn mà Nghị định mới của ngành thủy sản cần tháo gỡ, khắc phục”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau khi rà soát Nghị định 67, Nghị định mới trong lĩnh vực thủy sản sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 chính sách lớn: Sả đổi chính sách đầu tư; Sửa đổi chính sách sửa đổi chủ tàu; Sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; Sửa đổi chính sách bảo hiểm; Sửa đổi; bổ sung chính sách đào tạo; Sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép; Bổ sung chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Những nội dung “rường cột” xuyên suốt
Theo Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực ngân sách Nhà nước đầu tư cho ngành thủy sản là khoảng 13.600 tỷ đồng. Dự kiến nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 là 23.000 tỷ đồng. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 bằng với giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy tổng nhu cầu nguồn lực đầu tư để ngành thủy sản thực hiện các chính sách theo Nghị định mới, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030, quy hoạch bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, các Chương trình quốc gia, chương trình, đề án phát triển lĩnh vực thủy sản đến năm 2030 ước khoảng 46.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian vừa qua, cho dù đã được đầu tư nhiều tiền vốn nhưng thực chất hiệu lực, hiệu quả của các chính sách chưa cao. Do đó, Ban soạn thảo Nghị định mới của ngành thủy sản cần phải đặc biệt lưu ý những nội dung “rường cột” mang tính chất xuyên suốt.
Thứ nhất, Nghị định mới phải được kế thừa, tổng kết từ thực tiễn một cách chặt chẽ, chắc chắn để khi đi vào cuộc sống, các chính sách phải đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả. “Khi xây dựng chính sách, chúng ta cần phải tự đặt ra câu hỏi: Khi đầu tư như này sẽ thu lại cái gì. Tránh để xảy ra tình trạng lại phải có thêm một Nghị định khác sửa chữa, khắc phục hay thay thế Nghị định mới này. Và Nghị định 67 là một điển hình”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích.
Thứ hai, với tinh thần “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, “tháo gỡ thể chế, khơi thông nguồn lực” đi cùng với cơ chế thị trường và nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Nghị định mới của ngành thủy sản phải trả lời được những câu hỏi: Tại sao lại cần hỗ trợ? Tiêu chí hỗ trợ như nào? Dự kiến nguồn vốn cần bao nhiêu tiền và sẽ mang lại hiệu quả, kết quả như nào?…
“Thứ ba, Nghị định mới ngoài hiệu quả về kinh tế phải đạt được những hiệu quả về xã hội và quốc phòng an ninh. Ban soạn thảo Nghị định cần phải luận giải, đánh giá một cách rõ ràng vấn đề này vì đó là hồn cốt của sự đầu tư và chính sách”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Thứ tư, vấn đề bảo tồn, kiểm ngư, nuôi biển cũng cần được rà soát từ tiêu chí, phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu sự quản lý đến những cơ chế, chính sách… và phải được làm rõ trong Nghị định mới.
Thứ năm, Nghị định mới cần được cân nhắc trong khâu xây dựng thiết chế, tránh tình trạng chính sách có kẽ hở và bị lợi dụng.
Thứ sáu, Nghị định mới cần phải rút gọn trình tự thủ tục hành chính, tránh làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp và người dân.
Thứ bảy, trong nhiều năm, khâu đầu tư hạ tầng ngành thủy sản không được quan tâm dẫn đến việc hạ tầng từ khai thác đến nuôi trồng đều nhếch nhác, xuống cấp. Nghị định mới cần bám vào Chiến lược phát triển ngành thủy sản, Luật Thủy sản, những giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU và phải nêu rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, giảm cường lực khai thác, tăng bảo tồn để tạo thành một hệ sinh thái và động lực phát triển thủy sản bền vững.
“Nghị định mới của ngành thủy sản không phải để sửa đổi một số điều trong Nghị định 67 mà phải là Nghị định thay thế. Đó phải là một Nghị định mang tính chất toàn diện trên tinh thần kế thừa Nghị định 67”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.