| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cần 60.000 tỷ đồng đầu tư đồng bộ 152 cảng cá đến 2030

Thứ Sáu 25/03/2022 , 11:36 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về kế hoạch hành động nâng cấp hạ tầng cảng cá thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, hệ thống cảng cá của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với quy định trong Luật Thủy sản cũng như quy định chống khai thác IUU. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, hệ thống cảng cá của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với quy định trong Luật Thủy sản cũng như quy định chống khai thác IUU. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hạ tầng yếu, đầu tư đuối!

Thưa ông, trong những chuyến công tác kiếm tra việc thực hiện gỡ thẻ vàng IUU gần đây tại địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhiều lần nhấn mạnh tới việc phải đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để xóa thẻ vàng của EC, vậy ông có thể cho biết thực trạng các cảng cá của nước ta hiện nay như thế nào?

Trong chiến lược xây dựng ngành ngư nghiệp, quản lý tại cảng cá là khâu quan trọng để tiến tới việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế. Đồng thời, đó cũng là yếu tố góp phần để Việt Nam có thẻ gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Hiện toàn bộ hệ thống cảng cá của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với quy định trong Luật Thủy sản cũng như quy định chống khai thác IUU.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cần phải quy hoạch tổng số 125 cảng cá, trong đó có 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai, đến nay mới chỉ có 3 cảng cá loại I, 54 cảng cá loại II và 11 cảng cá loại III đáp ứng được điều kiện sau quy hoạch tại Quyết định số 1976.

Cụ thể, hiện các cảng cá chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cũng như sản lượng cập cảng. Chưa đáp ứng được tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng, đặc biệt, chưa đáp ứng được tiêu chí về cơ giới hóa và đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Hùng tháp tùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra việc gỡ thẻ vàng IUU tại các địa phương ven biển. Ảnh: Đức Minh.

Ông Nguyễn Quang Hùng tháp tùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra việc gỡ thẻ vàng IUU tại các địa phương ven biển. Ảnh: Đức Minh.

Vậy ông đánh giá thế nào về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng trong quản lý hạ tầng cảng cá?

Kiểm tra thực tế tại các cảng cá tại 28 tỉnh, thành ven biển, có thể nhận thấy tình trạng nguồn lực về con người cũng đang bị thiếu hụt. Nhân lực kiểm soát nghề cá tại cảng thiếu cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn số lượng, số biên chế. Hiện nhiều cảng cá không có cán bộ chuyên trách về thủy sản dẫn đến việc kiểm soát nghề cá gặp hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị các địa phương quan tâm, bố trí đủ nguồn nhân lực, con người, biên chế để đáp ứng yêu cầu về quản lý. Đặc biệt, tại các cảng có tần suất, số lượng tàu ra vào lớn, vấn đề nguồn nhân lực phải được quan tâm hơn mới đáp ứng được việc vận hành, hoạt động của các cảng cá.

Theo ông, nguyên nhân khách quan và chủ quan chính nào dẫn đến việc hạ tầng cảng cá của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu?

Việc hạ tầng cảng cá hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu đến từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, nguồn lực về tài chính của chúng ta còn hạn chế. Chính vì vậy, trong hơn 6 năm thực hiện Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, hiện các địa phương hầu như không dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng cảng cá.

Thứ ba, chúng ta chưa có những chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cảng cá cũng như phát triển các dịch vụ tại cảng.

Thứ tư, nguyên nhân quan trọng nhất hiện nay là sự yếu kém trong việc quản lý của các Ban quản lý cảng cá cũng như các cơ quan quản lý thủy sản địa phương.

“Đối với cảng cá loại I, tiêu chí diện tích vùng nước trước cảng là khoảng 20ha, vùng đất là khoảng 4ha, cơ giới hóa phải đạt tỉ lệ tối thiểu 90%. Hiện chỉ có 3 cảng cá là cảng Ninh Cơ (Nam Định), cảng Phan Thiết (Bình Thuận), cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đáp ứng được tiêu chí của cảng cá loại I. 32 cảng cá còn lại đều không đáp ứng được yêu cầu so với quy hoạch”, ông Nguyễn Quang Hùng thông tin.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình phát triển thủy sản và khai thác tại các địa phương ven biển. Ảnh: Đức Minh.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình phát triển thủy sản và khai thác tại các địa phương ven biển. Ảnh: Đức Minh.

Chính phủ sẽ dành 10.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng cảng cá

Ông đánh giá như thế nào về nguồn lực trung và dài hạn để đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng cá hiện nay, trong đó vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc dành nguồn lực đầu tư đó như thế nào?

Trong những năm qua, mặc dù với điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT và các địa phương vẫn quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư về tài chính trong việc nâng cấp, cải tiến các cảng cá.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư cho ngành thủy sản là khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% trong tổng mức đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Dự kiến, trong thời gian tới từ nguồn vốn trung hạn cũng như nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ dành khoản đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng cảng cá đạt yêu cầu từ thực tiễn. Trong đó, nguồn vốn trung hạn trong nước khoảng 5.000 tỷ đồng, vốn vay ODA khoảng 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần sửa đổi những chính sách để thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, sử dụng các dịch vụ cũng như thuê hạ tầng, qua đó tạo nguồn kinh phí bù đắp vào việc duy tu, sửa chữa các cảng cá.

Vậy, thời gian tới, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản sẽ xây dựng, triển khai những chương trình, đề án gì để nâng cấp hạ tầng cảng cá thưa ông?

Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều chính sách để phát triển ngành thủy sản, trong đó có những chính sách nhằm nâng cấp, sửa chữa các cảng cá. Ví dụ như chính sách trong Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, cũng như một số chính sách thu hút đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, công tác triển khai, thực hiện những chính sách đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Điển hình như vấn đề nguồn lực tài chính còn thấp, kinh phí dành cho việc sửa chữa, bảo dưỡng các cảng cá còn ít, chủ yếu chỉ tập trung tại một số tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ninh…

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chương trình sẽ quy hoạch hệ thống cảng cá đáp ứng quy định của Luật Thủy sản cũng như yêu cầu của EC để có thể gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý cảng cá của các tổ chức nghề cá trong khu vực và trên thế giới.

Tổng số cảng cá sẽ được quy hoạch là 152 cảng cới tổng nhu cầu vốn dự kiến đến năm 2030 là khoảng 60.000 tỷ đồng. Qua đó, đầu tư một cách đồng bộ hệ thống cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước với quy mô kết nối đồng bộ hạ tầng về giao thông, hạ tầng quy hoạch của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa và bảo vệ môi trường cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về kiểm soát nghề cá.

“Từ trước đến nay, hầu như các địa phương đều không dành nguồn lực cho việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cảng cá. Kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí nạo vét các luồng lạch đều được các địa phương bố trí nguồn lực rất hạn chế và không quan tâm nhiều. Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch ngành thủy sản cũng như quy hoạch hệ thống cảng cá, hy vọng các địa phương sẽ lồng ghép các chương trình, dự án và ưu tiên, bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa, đồng thời đầu tư cơ giới hóa cho các cảng cá”, ông Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.