Theo đó, huyện Chợ Gạo có 18/18 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện, dài 135 km đã được nhựa hóa 100%, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên an toàn; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng đạt chỉ tiêu quy định; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hoàn thành giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng đã có hồ sơ môi trường theo quy định.
Thị xã Cai Lậy có 10/10 xã đạt chuẩn với những kết quả nổi bật như: 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 23/29 trường học các cấp có cơ ở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 10 xã trên địa bàn đều có hợp tác xã; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đến tháng 6/2020 là 52,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã giảm còn 1,41%; 100% người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,51% số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn,…
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, nhờ tập trung triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà diện mạo nông thôn ở Tiền Giang ngày càng khởi sắc.
Hiện nay, phong trào xây dựng NTM ở Tiền Giang trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2016-2020, Tiền Giang đã xây dựng 107/143 xã NTM, đạt 146,8% kế hoạch so với Nghị quyết là 72 xã.
Dự kiến đến cuối năm nay, Tiền Giang sẽ có 119 xã về đích NTM, đạt 83% số xã toàn tỉnh. Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Tính đến nay, Tiền Giang có 2 huyện đạt chuẩn NTM là Chợ Gạo và Gò Công Đông và 3 thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Mỹ Tho, Gò Công và Cai Lậy.