| Hotline: 0983.970.780

Thêm một lần thấy ánh sáng

Thứ Bảy 12/01/2019 , 13:15 (GMT+7)

Người đàn ông chừng ngoại ngũ tuần, mắt đeo kính, tay chống gậy quờ quạng một cách thiếu tự tin đi qua đường phố đầy xe cộ. Cung đường ấy đã quá quen thuộc trong suy nghĩ của ông nhưng luôn lạ lẫm với đôi mắt đã từ lâu không còn giá trị. 

Có lẽ, ông đến để nhận trợ cấp hay một quyền lợi nào đó… ở hội người mù.
 

Cơ quan chỉ 1 người mắt sáng

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Người mù huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nắm chặt cả hai tay khi tay tôi đã chạm vào ông. Cái nắm tay siết chặt của ông như sợ người đối diện buông lỏng. Tất cả đều diễn ra trong bóng tối theo một cách hoàn toàn bị động với đôi mắt sâu hoắm ẩn sau cặp kính đen hơi hếch về một bên. Người mù thường xưng tôi/em một cách khiêm nhường với người đang nói chuyện với mình. Đơn giản là bởi, họ không biết hình hài, vóc dáng, tuổi tác của người đối diện nếu không được giới thiệu rõ.

22-30-33_3
Cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn

Người ta thường nói, ở một góc độ nào đó, những người khiếm thị thường có đôi tai tỏ tường và ngược lại. Thế nhưng có vẻ điều này không đúng với ông Chủ tịch Hội Người mù Vĩnh Lộc. Ông Cảnh vẫn hơi nghếch tai sang một bên, giới thiệu về người đồng nghiệp nữ mà bản thân ông chưa bao giờ thấy mặt: “Đây là cô Trịnh Thị Thủy, nhân viên kế toán, người lành lặn duy nhất trong hội. Tám năm qua, chị Thủy vừa là “đồng nghiệp” đồng thời cũng là trợ thủ đắc lực của tất cả những hội viên Hội Người mù Vĩnh Lộc trong mái nhà này. Hội người mù nào cũng phải có một người “sáng” như chị Thủy để còn giúp đỡ những người còn lại chứ", ông Cảnh chia sẻ.

Trụ sở Hội Người mù huyện Vĩnh Lộc vỏn vẹn dăm chục mét vuông, cũ rích, ảm đạm trên một khu đất bằng phẳng. Trong khuôn viên không lấy gì rộng rãi ấy, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ăn, khu nhà bếp… đều được “tích hợp”, gói gọn. Điều đó cho những vị khách đến chơi hiểu, đây không chỉ là cơ quan, công sở mà còn là ngôi nhà cũng những người mù làm việc ở hội.

Cả cơ quan hội chỉ mỗi một chiếc xe máy được dựng ở một góc nhà. Đó là chiếc xe của chị Thủy, người duy nhất ở đây có thể sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Nhưng thứ đáng giá nhất của người mù chính là chiếc radio, dù chúng chỉ được mua có mấy trăm nghìn ở ngoài chợ điện tử. Điện thoại di động cảm ứng lại càng là thứ xa xỉ phẩm của người mù, người nào sử dụng thì cũng chỉ là điện thoại “nồi đồng cối đá” với chức năng chính chỉ là để nghe.

Ông Cảnh cũng cho biết, toàn huyện Vĩnh Lộc có trên 120 người mù. Trong số này có 85 người là hội viên Hội Người mù huyện. Đa phần người mù trong huyện sống dựa vào gia đình, cộng đồng; chỉ có 36 hội viên, nhờ chính sách của Nhà nước, nhờ sự trợ giúp của những người mù có thu nhập đã được đi học những nghề như tẩm quất, đóng gói tăm. Thế nhưng, phần lớn đều có thu nhập thấp, thiếu ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn.
 

Chỉ đủ tiền rau dưa

Sau khi đi học lớp tẩm quất, giác hơi ở thành phố, anh Trần Văn Hải, hội viên Hội Người mù huyện Vĩnh Lộc được vào làm việc trong văn phòng hội. Nhiệm vụ của anh là phục vụ nhu cầu của các thượng đế bất kể ngày, đêm. So với những người mù khác trên địa bàn huyện, anh Hải được coi là người may mắn bởi từ đó, anh có thể tự làm để nuôi được bản thân mình.

22-30-33_1
Anh Hải tẩm quất, giác hơi cho khách

Tưởng chừng như công việc ở đây sẽ chẳng có gì đáng phải băn khoăn, lo lắng. Nhưng theo anh Hải, tất cả đều tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền và cũng không phải là không có những hiểm nguy.

“Chúng tôi bắt đầu nhận khách, làm việc từ sáng sớm và sau 23 giờ được tính là giờ làm thêm. Nhưng cũng không thiếu những vị khách say rượu gõ cửa sau 23 giờ với vẻ đầy khó chịu. Cũng có vị, lúc đến say rượu, ra khỏi văn phòng hội thì quay lại bắt đền những người tẩm quất vì họ bảo đã bị mất tiền, thậm chí hành hung cả người mù. Anh xem, những người như chúng tôi, có lần khách đưa tiền giả còn không biết thì nói gì đến việc trộm tiền của khách”, anh Hải xót xa.

Cũng theo anh Hải, ngoài việc Hội chưa có kinh phí đầu tư chăn ga, gối đệm phục vụ tẩm quất cộng với việc không ít người kỳ thị với người mù cũng đã khiến lượng khách đến đây không được nhiều. Tiền thù lao thấp nên thường đôi ba tháng anh Hải mới về nhà một lần. Lần thì vợ chạy xe máy hàng chục km lên đón, lần thì phải thuê xe lai về tận nhà. Mỗi lần “nghỉ phép” được chừng 1 tuần bên vợ con còn công việc tại hội sẽ do những người ở lại chia nhau thực hiện.

“Ít người đến đây tẩm quất, giác hơi lắm. Đa phần họ đến những người có nhu cầu họ tìm đến những nhà nghỉ, khách sạn có dịch vụ để được phục vụ đầy đủ hơn. Nhưng những ai đã đến đây thì đa phần là những người có nhu cầu tẩm quất, giác hơi đúng nghĩa. Ở đây, về kỹ thuật tẩm quất, giác hơi chúng tôi được đào tạo bài bản và làm nhiệt tình nhưng vẫn không thể lôi kéo được khách như ở những khách sạn. Chúng tôi chỉ mong, mọi người sẽ không kỳ thị mà hãy mở rộng tấm lòng để những người mù có cuộc sống tốt hơn. Thực tế, đây cũng không phải là công việc nhẹ nhàng gì, chúng tôi cũng phải gồng mình với những động tác khó để khách được vừa lòng”, anh Hải xót xa.

Phục vụ tẩm quất, giác hơi tại Hội Người mù Vĩnh Lộc có 6 người. Bình quân, mỗi ngày có 5-6 vị khách qua lại. Tính ra, hội có nguồn thu khoảng 400 nghìn đồng/ngày. Số tiền này, sau khi trừ các chi phí ăn uống, thuê người phục vụ ăn uống, tiền ga nấu ăn… thì mỗi hội viên người mù thực hiện tẩm quất được lĩnh gần 2 triệu đồng/tháng. Nhưng để được lĩnh gần 2 triệu đồng ấy đưa về cho gia đình là những câu chuyện đầy nước mắt.

22-30-33_4
Người mù hành nghề tẩm quất trong những cơ sở hội nghèo nàn

“Một số người mù sau khi đi học về, gia đình có điều kiện mở cơ sở tẩm quất thì có thể có thu nhập khá hơn 1 chút. Nhưng số đó không nhiều, đa phần vẫn đi làm thuê ở các cơ sở. Còn những người làm ở hội, để có tiền đem về cho gia đình, họ chỉ hạn mức tiền ăn 15 nghìn đồng/ngày, thường thì bữa sáng mọi người đều nhịn. Có ngày chỉ có 2 hội viên ở lại ăn, 30 nghìn đồng chia làm 4 suất cơm khiến chị nhà bếp, cũng là một người có tật khiếm thị không tài nào chia nổi. Thực tế thì với đồng tiền ăn như vậy, thường người mù ở hội phải ăn uống kham khổ, chủ yếu đủ cơm rồi mấy cọng rau, chén canh thôi”, ông Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ.

Nhưng được như anh Hải và những người tẩm quất ở hội vẫn còn được coi là may mắn. Bởi ở đây có 3 phụ nữ làm công việc đóng gói tăm tre. Thực tế, sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng họ chỉ được lĩnh khoảng 700 - 800 nghìn tiền công. Hội có 9 người thì 5 người là nữ; đa số nữ đều không có chồng hoặc chồng chết.

“Đàn ông mù lòa thì vẫn còn có thể lấy được vợ. Họ thường lấy được những người không cùng cảnh ngộ để nương nhờ. Nhưng thiệt thòi nhất là phụ nữ mù lòa, đa phần không lập gia đình, sống dựa vào gia đình, người thân. Còn công việc đóng gói tăm ở đây chỉ được khoảng 50 nghìn gói/năm, tính ra thu nhập còn thấp thua nhiều so với làm tẩm quất”, chị Trịnh Thị Thủy, kế toán Hội người mù Vĩnh Lộc cho biết.

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.