| Hotline: 0983.970.780

Theo dõi chặt, phòng trừ kịp thời sâu bệnh vụ đông xuân

Thứ Ba 27/04/2021 , 16:54 (GMT+7)

Lúa đông xuân ở Nam Định đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, tỉnh này không chủ quan trước nguy cơ sâu bệnh thời gian tới.

Ông Chính lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Chính lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, hiện nay trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến từ 0,3 - 1 con/m2; nơi cao 2 - 4 con/m2; cục bộ 7 - 10 con/m2. Mật độ sâu và trứng phổ biến 10 - 15 con + quả/m2, nơi cao 50 - 70 con + quả/m2, cá biệt 200 con + quả/m2.

Thời tiết đang rất thuận lợi cho trưởng thành đẻ trứng và tỉ lệ nở sâu cao. Mật độ sâu dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, sâu non lứa 2 nở rộ từ 28/4 - 4/5, mật độ sâu phổ biến 20 - 50 con/m2, cao 100 - 200 con/m2, cục bộ > 500 con/m2. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, sâu ra rải, lứa kéo dài, gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa. Nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. 

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định chia sẻ, thời điểm này, rầy lứa 2 cũng đã xuất hiện với mật độ phổ biến từ 100 - 300 con/m2, cao 1.000 - 1.500 con/m2, phổ biến rầy tuổi 1, 2.

Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ từ ngày 20 - 28/4, mật độ phổ biến 200 - 500 con/m2, cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ >3000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía nam của tỉnh 9phía bắc tỉnh gây hại cục bộ).

Ngoài ra, bệnh khô vằn đang phát triển mạnh trên tất cả các trà lúa; tỉ lệ bệnh phổ biến 5 - 7%, cao 10 - 15%, cục bộ > 30%. Mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã phun trừ bệnh khô vằn đạt hiệu quả cao cho 17.370 ha lúa. Bệnh dự báo sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.

Thời điểm này, một số dịch bệnh hại lúa đang 'hoành hành' với diện tích lớn. Ảnh: Mai Chiến.

Thời điểm này, một số dịch bệnh hại lúa đang “hoành hành” với diện tích lớn. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Chính cho biết thêm, bệnh đạo ôn lá cũng đã phát sinh và gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như BC15, TBR225, Q5, khang dân 18, đài thơm 8, nếp... Quy mô và mức độ gây hại thấp hơn cùng kì năm trước.

Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ gây hại tập trung trên các giống nhiễm: BC15, TBR225, Q5, Khang dân 18, Đài thơm 8, nếp..., nhất là diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa.

Cũng theo ông Chính, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đang gây hại cục bộ trên trà lúa cấy sớm. Bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại mạnh sau đợt mưa giông vào cuối tháng 5, đầu tháng 6…

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, ông Chính khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân kiểm tra đồng ruộng.

Tự phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp, lưu ý không bón phân Urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn... Tổ chức đợt cao điểm phòng trừ dịch hại.

Ông Chính lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại...

Xem thêm
Những lưu ý chăm sóc thủy cầm khi giá rét

Chuyên gia lưu ý bà con các biện pháp chăm sóc đàn thủy cầm trong thời tiết rét và mưa ẩm để hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Tây Ninh phân bổ 58.400 liều vacxin lở mồm long móng

Tây Ninh có tổng đàn gia súc tương đối lớn. Nhằm chủ động phòng chống bệnh lở mồm long móng, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất