| Hotline: 0983.970.780

Thị trường hoa, cây cảnh Tết: Kẻ khóc người cười

Thứ Bảy 22/01/2022 , 17:24 (GMT+7)

Trong khi người trồng cây cảnh đang vui mừng vì một năm thắng lớn thì người nông dân trồng hoa đang phải đối mặt với một cái Tết buồn, thất thu và lỗ vốn…

Làng hoa Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) nhộn nhịp những ngày cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Làng hoa Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) nhộn nhịp những ngày cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không đủ cây cảnh để bán

Những ngày cuối năm, đi dọc tuyến đê Xuân Quan từ quận Long Biên (Hà Nội) đến làng hoa cây cảnh Phụng Công thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên), sẽ không khó để thấy khung cảnh nhộn nhịp của thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết. Nào xe tải, nào xe ba gác, thậm chí cả những chiếc xe máy đang đưa từng chậu cây cảnh về với người mua để chơi Tết.

“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân ở các khu công nghiệp giảm đi, việc di chuyển đi lại cũng khó khăn và nhiều thủ tục hơn nên thị trường cây hoa thân gỗ có giảm khoảng 30% giá trị, tuy nhiên vẫn có thể tiêu thụ tốt”, ông Lê Văn Đạt, chủ nhà vườn ở thôn Ngò, xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ.

Ông Lê Văn Đạt là một chủ vườn có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng cây hoa thân gỗ. Ảnh: Huy Bình.

Ông Lê Văn Đạt là một chủ vườn có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng cây hoa thân gỗ. Ảnh: Huy Bình.

Là một chủ vườn có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng cây hoa thân gỗ, gia đình ông Đạt có gần 20 mẫu trồng chủ yếu là cây trà, bạch trà, hải đường, mộc hương, hoa giấy ngũ sắc…

“Tình hình dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của cả xã hội. Trước tình hình đó, chúng tôi đã giảm việc thu cây để bán, thay vào đó để dành sang năm vì cây hoa thân gỗ càng to, càng già thì giá trị kinh tế càng cao”, ông Lê Văn Đạt cho hay.

Theo chủ vườn này, từ bao đời nay, đối với những cây hoa thân gỗ như cây trà, cây hải đường, cây mộc hương, người chơi cây cảnh muốn có được một cây đẹp sẽ phải đợi rất lâu để cho cây phát triển. Nhanh nhất phải từ 3 - 5 năm trở lên.

“Chính vì cậy, cho dù có thiếu hàng chúng tôi cũng không có để bán. Mà cây càng to, càng đặc sắc sẽ càng nhiều tiền. Giá trị của một cây hoa thân gỗ nằm ở tuổi đời lâu năm. Bên cạnh đó, thương hiệu của làng hoa cây cảnh Phụng Công cũng làm tăng giá trị của cây. Đặc biệt là những cây hoa trà, hải đường được trồng tại đây sẽ có giá trị kinh tế cao, khác những nơi khác”, ông Đạt chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Đạt chăm sóc lứa cây bạch trà sẽ được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán sang năm. Ảnh: Huy Bình.

Ông Đạt chăm sóc lứa cây bạch trà sẽ được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán sang năm. Ảnh: Huy Bình.

Cũng theo ông Đạt, gia đình ông đã thuê lại những khu vực đất trũng mà bà con không canh tác để cải tạo đất, trồng cây cảnh. Thế nên ông đã có diện tích đất để trồng gối vụ cũng như quay vòng liên tục sản phẩm, không để thiếu lượng cây hoa thân gỗ trên thị trường.

Theo khảo sát, trên thị trường cây cảnh năm nay, giá của những cây hoa thân gỗ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi đời của cây, cây to hay nhỏ, dáng và gốc cây có đẹp hay không… Có những cây chỉ khoảng 300.000 - 500.000 đồng nhưng cũng có những cây lên đến vài triệu đồng.

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, đa số những chủ vườn trồng hoa thân gỗ tại làng hoa Phụng Công đã bán hết hàng. Do bán buôn số lượng lớn cho các thương lái và người chơi cây cảnh trên khắp cả nước nên số lượng cây hết rất nhanh. Ngoài ra, phải mất nhiều năm mới có thể sản xuất được một cây nên các lái buôn đã đến lấy cây từ sớm.

Thời điểm hiện tại, nhiều vườn cây cảnh hoa thân gỗ đã bán hết hàng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời điểm hiện tại, nhiều vườn cây cảnh hoa thân gỗ đã bán hết hàng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hường, chủ vườn Hường Đoàn (xã Phụng Công), đối với cây hoa thân gỗ, thời tiết năm nay rất thuận lợi, thị trường cây cảnh cũng sôi động. Giá cây trạng nguyên giao động khoảng 100.000 đồng/cây, cây trà từ 800.000 - 1 triệu đồng/cây.

“Còn 1 tuần nữa là đến Tết nhưng vườn nhà tôi cũng như những vườn khác nơi đây đã bán hết cây. Nông dân mà, vất vả cả năm để làm ra sản phẩm, chỉ trông mong đến dịp Tết để bán hàng mà giờ có người đến tiêu thụ, hàng bán hết sớm nên rất phấn khởi”, bà Hường vui mừng.

“Cây hoa thân gỗ Phụng Công là loại cây hoa lâu năm, để xuất bán được có loại phải trồng từ 3 - 5 năm, do đó có thể khống chế được số lượng. Cây nào không bán được có thể cắt bớt cành, chuyển về vườn tiếp tục trồng và chăm sóc, để sang năm bán tiếp. Chính vì thế chúng tôi không sợ bị "vỡ trận" vì không bán được hàng”, ông Lê Văn Đạt, chủ vườn ở thôn Ngò, xã Phụng Công nói.

Lỗ vốn, thất thu và nợ nần

Trái ngược với sự nhộn nhịp, sôi động tại các vườn cây cảnh, thị trường hoa cảnh ngắn ngày năm nay lại nhuốm màu ảm đạm. Nhìn thấy ống kinh máy ảnh, máy quay của phóng viên, chị Oanh, chủ nhà vườn Kim Oanh (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) cất lời nói đùa: “Các nhà báo đi quay chụp chủ vườn hoa ngủ gật vì ế khách mua hàng đấy à…”.

Chủ vườn hoa cảnh cho biết sức tiêu thụ sản phẩm hoa cảnh ngắn ngày dịp cuối năm rất yếu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chủ vườn hoa cảnh cho biết sức tiêu thụ sản phẩm hoa cảnh ngắn ngày dịp cuối năm rất yếu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuy là lời nói đùa nhưng ẩn sau nụ cười của chị Oanh là sự chán nản và chua xót của người nông dân trồng hoa cảnh khi mà Tết đã đến rất gần nhưng mỗi ngày khách đến xem hoa vô cùng thưa thớt, hoặc khách chỉ xem chứ không xuống tiền mua. Đặc biệt, vẫn còn một số lượng lớn hoa cảnh chị Oanh chưa bán được và có khả năng sẽ phải bỏ đi.

“Vườn của tôi có diện tích hơn 2 sào trồng hoa cúc và các loại hoa chanh, hoa đồng tiền… Năm nay dịch bệnh đã khó khăn, thời tiết cũng không thuận lợi cho việc trồng hoa cảnh ngắn ngày. Ví dụ như hoa cúc rủ, chúng tôi trồng để bán cho dịp Tết Nguyên đán nhưng chưa đến Tết Dương lịch hoa đã nở hết rồi, phải bỏ đi rất nhiều. Nói chung người trồng hoa cảnh năm nay thất thu”, chị Oanh ngấn ngẩm.

Chị Oanh cho biết vẫn còn một số lượng lớn hoa cảnh chưa bán được và có khả năng sẽ phải bỏ đi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chị Oanh cho biết vẫn còn một số lượng lớn hoa cảnh chưa bán được và có khả năng sẽ phải bỏ đi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng theo chị Oanh, năm nay giá phân bón cũng như thuốc trừ sâu tăng rất cao nên người trồng hoa rất vất vả, thu nhập kém. Bên cạnh đó, một khó khăn đến từ việc các thương lái năm nay luôn đặt ra bài toán về rủi ro có thể xẩy ra dịch Covid-19 nên rất e dè trong việc lấy hàng, sợ không may lấy hàng về mà địa phương bùng dịch Covid-19 thì xem như mất vốn.

“Quanh năm vất vả trồng hoa cảnh, chỉ mong ngóng nhất 3 tháng cuối năm để bán hàng, thu tiền về nhưng sắp đến Tết rồi mà số lượng hoa vẫn còn hơn một nửa chưa bán được. Trong khi giá hoa tùy loại chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng/cây, giá không hề cao nhưng vẫn bán rất chậm”, một chủ vườn trồng hoa ngắn ngày buồn bã cho biết.

Bà Trương Thị Thập, chủ nhà vườn Sử Thập (xã Phụng Công) có gần 5 sào trồng hoa cảnh, trong đó hơn 2 sào trồng hoa trạng nguyên, 3 sào còn lại trồng các loại hoa hồng và hoa giấy, cẩm tú cầm…

Bà Thập đang kiểm đếm để bán nốt những chậu hoa trạng nguyên cuối cùng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Thập đang kiểm đếm để bán nốt những chậu hoa trạng nguyên cuối cùng. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Hoa trạng nguyên thì đã bán được gần hết nhưng những loại hoa khác tôi còn tồn số lượng rất nhiều. Năm nay sức tiêu thụ hoa cảnh chậm hơn mọi năm rất nhiều. Mọi năm bán đắt hàng lắm, năm nay ế, bán chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các thương lái mua theo kiểu cầm chừng, mua ít một, mua đến đâu bán đến đấy chứ không mua số lượng lớn để om hàng như mọi năm”, bà Thập chia sẻ.

Theo chủ vườn này, không những chậm tiêu thụ mà giá hoa cảnh cũng rẻ hơn mọi năm. Hoa hồng đào có giá khoảng 400.000 đồng/cây. Hoa hồng ta từ 60.000 - 100.000 đồng/cây. Hoa trạng nguyên từ 50.000 - 70.000 đồng/cây.

Bà Thập cho biết: “Thời gian đầu vụ chúng tôi còn cứ nghĩ sẽ không bán được hàng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các loại hoa cảnh Trung Quốc về ít hơn. Thế nên cho dù giá có rẻ nhưng chúng tôi vẫn phần nào tiêu thụ được hàng.”

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, bà Thập đã phải đi vay mượn để có vốn đầu tư trồng hoa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, bà Thập đã phải đi vay mượn để có vốn đầu tư trồng hoa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh đó, thời gian vừa rồi giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao, người trồng hoa cảnh đã phải đi vay nợ để có tiền đầu tư sản xuất, sau khi bán được hàng mới có tiền xoay vòng trả nợ. Nếu không bán được hàng, người nông dân sẽ lâm vào cảnh lỗ vốn trong khi món nợ vẫn còn.

“Cứ bán đến đâu thì tôi trả đến đấy. Cho đến hiện tại tôi cũng đã trả được một ít nợ, thế nhưng từ nay đến trước Tết vẫn phải trả hết cho người ta”, bà Trương Thị Thập buồn bã chia sẻ.

Thị trường hoa, cây cảnh Tết của Thủ đô Hà Nội năm nay cũng không quá nhộn nhịp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hoa, cây cảnh gặp rất nhiều khó khăn. Giá cước vận chuyển cũng tăng cao khiến thương lái từ các tỉnh khác gặp trở ngại khi đem hoa, cây cảnh về bán ở Hà Nội.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.