Liều mình băng suối vào khu sản xuất
Từ bao đời nay, hàng trăm hộ dân ở các thôn Phú Yên, Kon Hoa, Kon Chrah, Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) phải lội suối A Reng qua khu sản xuất của gia đình. Ngặt nỗi, con suối sâu, nước chảy xiết, nên việc vượt suối làm rẫy luôn tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường.
Có mặt tại suối, chúng tôi thấy lòng suối rộng khoảng 30m, nước ngập quá đầu gối, 2 bên bờ bị sạt lở, đất bị cuốn trôi. Trên chiếc xe máy độ chế, vợ chồng anh Dưm (thôn Phú Danh, xã Hà Ra) liều mình phóng xe qua suối. Do nước chảy xiết nên xe lảo đảo, anh Dưm phải đưa chân chống đẩy nhằm giải thoát xe khỏi bị mắc kẹt.
Anh Dưm cho biết, gia đình anh có 4 sào lúa, khoai mì phía bên kia suối A Reng. Do không có cầu nên việc vượt suối qua rẫy rất khó khăn, nguy hiểm. Khổ nhất là mùa mưa, nước dâng tới ngực. Sợ lúa bị thối, gia đình liều mình cõng xe, cõng lúa qua suối. Có lúc nước chảy mạnh, vợ chồng không qua, chấp nhận để lúa, khoai mì bị hư hỏng.
Còn ông Kứi (làng Kon Hoa, xã Hà Ra) cho biết, cứ đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hai bên bờ suối sạt lở nghiêm trọng, lòng suối có nơi rộng 20-30 m khiến bà con không thể băng qua được. Để rút ngắn khoảng cách đi lại, có người liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà.
“Gia đình tôi có 1ha cà phê, 6 sào lúa, vào mùa thu hoạch, tôi phải vác từng bao cà phê, lúa qua bên kia đồi để tập kết rồi mới chở về nhà được, nhiều khi phải ngủ lại rẫy vài ngày”, ông Kứi chia sẻ.
Được biết, phía bên kia suối A Reng có hơn 100ha đất trồng mì, lúa, cà phê của người dân, cứ đến mùa mưa lũ việc sản xuất, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Thôm, Trưởng thôn Kon Hoa (xã Hà Ra) cho biết, trước đây người dân phải đi dọc theo con đường mòn rồi băng qua suối A Reng để đến khu sản xuất. Mùa khô, dòng suối trơ đáy, người dân vận chuyển nông sản bằng xe máy cũng gặp khó khăn do đất, đá lởm chởm.
Còn vào mùa mưa, người dân phải đi đường vòng hơn 15 km mới đến được khu sản xuất. Qua nhiều năm, hai bên bờ suối A Reng bị dòng nước lũ tàn phá khiến cho đất bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.
Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hà Ra cho biết, người dân các thôn đã kiến nghị lên xã về việc mong muốn được xây cầu qua suối A Reng. Đây là đề nghị chính đáng và cần thiết để bà con yên tâm sản xuất và đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng. Tuy nhiên, do nguồn vốn giai đoạn này không đủ nên chưa thể xây dựng. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, cứ đến mùa mưa lũ, xã khuyến cáo và cử lực lượng canh gác không để người dân vượt suối.
Mong mỏi những cây cầu
Ngược về tỉnh Kon Tum, 30 hộ dân của thôn 2 (xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy) muốn qua khu sản xuất cũng phải vượt qua con suối Nước Ngo với bề rộng 60m, lởm chởm đá.
Bà Y Thiên, Trưởng thôn 2 cho biết, mùa mưa nước sâu, lòng suối lại lởm chởm đá nên bà con không dám qua. Vì thế, mới có chuyện vào mùa mưa bão, lúa, mì không thu hoạch được, bị hư hỏng. Người dân kiến nghị xây cầu nhưng địa phương chưa thể triển khai do chưa có điều kiện.
Theo tìm hiểu được biết, rất nhiều nơi vì không có cầu khiến cho việc vận chuyển nông sản cũng như phát triển kinh tế của địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận tại đoạn qua 2 xã Măng Bút (Tu Mơ Rông), Ngọc Yêu (Kon Plông), có 5 con suối chảy qua tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh nhưng chưa được làm cầu. Trên thực tế, nơi những con suối chảy qua là những ngầm tràn với chi chít đá, khiến xe di chuyển rất khó khăn.
Được biết, Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh có chiều dài 58 km, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, đi 3 qua huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông và Kôn Plông. Dự án do Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, hoàn thành và nghiệm thu từ năm 2017. Tuy nhiên, trên dự án này, vẫn còn 5 cầu chưa được xây dựng, trở thành điểm nghẽn ngăn cách phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Ông Phan Mười, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, do hạn chế nguồn vốn nên dự án chỉ đầu tư phần đường nhằm thông tuyến giữa các huyện. Khi nào có vốn, sẽ tiếp tục đầu tư các cây cầu.
Cũng theo ông Mười, do các cây cầu chưa được đầu tư nên mùa mưa bão ngầm tràn bị ngập nước, gây tắc nghẽn giao thông, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả kinh tế.
“Trên cơ sở đề nghị của 2 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, tỉnh đã giao các ngành liên quan đề xuất tìm nguồn đầu tư cầu. Quan điểm của sở là mong muốn có vốn đầu tư 5 cầu để bà con được đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản an toàn mùa mưa bão”.