Được ví là “chảo lửa” của miền Trung, vụ lúa hè thu không được nông dân Hà Tĩnh chú trọng như vụ xuân. Song quan điểm chỉ đạo của ngành nông nghiệp là phấn đấu gieo cấy tối đa diện tích nhằm đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cho bà con.
Mặc dù vậy, ở cả 13 huyện, thị xã, thành phố dù không muốn nhưng tỷ lệ diện tích đất ruộng bỏ hoang vụ hè thu càng ngày càng nhiều. Nguyên nhân chính được xác định do hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa thấp; thời tiết khắc nghiệt, đầu vụ khó khăn nguồn nước, cuối vụ thường gặp mưa lũ.
Xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười thuộc thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) từ nhiều năm nay không thể canh tác vụ hè thu do không có công trình thủy lợi đi qua. Thời điểm này, khoảng 50 ha đất vẫn trơ gốc rạ của vụ xuân trước. Nền đất nứt nẻ, cây cỏ héo khô...
Gia đình bà Nguyễn Thị Dịu, trú thôn Hưng Trung có 7 sào ruộng. Bình quân vụ xuân thu về trên dưới 1,5 tấn lúa. Tuy nhiên vụ hè thu toàn bộ diện tích chỉ làm bãi chăn thả trâu bò, không thể gieo cấy do không có kênh dẫn nước về ruộng.
Theo ông Nguyễn Đình Đường, Trưởng thôn Hưng Trung, 3 xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười nằm cách kênh tưới N2 Kẻ Gỗ khoảng hơn 200m nhưng do không có kênh nhánh dẫn nước về nên việc gieo cấy vụ lúa hè thu hoàn toàn dựa vào “nước trời”.
Những năm trước, xã đã từng chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây khác như: mía, khoai..., tuy nhiên, do thiếu nước trầm trọng nên trồng cây nào cũng không thành công.
“Mấy năm nay, toàn bộ diện tích của 3 xứ đồng này không thể canh tác vụ hè thu. Biết là lãng phí tài nguyên đất nhưng địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp chuyển đổi thích hợp. Nếu được các cấp quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, dẫn nước tưới về ruộng thì sản xuất sẽ hiệu quả, đời sống bà con cũng được nâng lên”, ông Đường nói.
Cùng chung tình cảnh thiếu nước do không có hệ thống kênh mương nội đồng, bà con nông dân các thôn: Tiến Thắng, Sơn Nam, Sơn Trung của xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) cũng phải bỏ hoang gần 100 ha đất ruộng vụ hè thu.
Anh Lợi, thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh chia sẻ, gia đình anh có 1,5 mẫu ruộng nằm trong vùng đồng “tử địa”, chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu bỏ hoang. Diện tích nhiều nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Qua tìm hiểu được biết, để khắc phục thực trạng trên, một số hộ đã chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn như: lạc, vừng, khoai, ngô… Tuy nhiên, việc chuyển đổi mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản để bố trí vào kế hoạch sản xuất của địa phương.
Theo lãnh đạo xã Cẩm Thịnh, địa phương đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi các diện tích gặp khó khăn về nguồn nước sang trồng vừng. Trước mắt, xã hỗ trợ kinh phí thuê máy làm đất và hỗ trợ giống để sản xuất thử khoảng 20 ha. Nếu hiệu quả thì năm sau sẽ nhân rộng, chuyển đổi toàn bộ diện tích cao, khó lấy nước sang trồng vừng trong vụ hè thu.
Thống kê sơ bộ của huyện Cẩm Xuyên cho thấy, vụ hè thu năm 2023, toàn huyện có khoảng gần 400 ha đất lúa không thể sản xuất do thiếu nước, tập trung ở các xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn… Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, việc bỏ hoang này là bất khả kháng.
"Bản chất các vùng đất này từ trước đến nay cơ cấu một vụ lúa. Bây giờ nếu thiết kế xây dựng kênh thủy lợi thì nước nguồn ở các hồ chứa cũng không đủ để cấp vào kênh. Hơn nữa, cân đối hiệu quả đầu tư cũng thấp nên bà con cần tổ chức chuyển đổi sang cây trồng cạn được diện tích nào hay diện tích đó”, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên.