| Hotline: 0983.970.780

Thịt lợn ngày càng giảm trong 'rổ thực phẩm'

Thứ Ba 19/07/2022 , 09:21 (GMT+7)

Theo nghiên cứu đánh giá của Ipsos, từ mức tiêu thụ bình quân 31,4 kg/người/năm vào năm 2018, lượng thịt lợn tiêu thụ của người Việt vào năm 2022 chỉ còn khoảng 24 kg/người/năm.

Nhiều nguồn thay thế

Theo nghiên cứu công bố mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường quốc tế Ipsos (Pháp), từ năm 2018 đến năm 2020, thịt lợn luôn chiếm thị phần lớn thứ hai (khoảng 36%) trên tổng lượng tiêu thụ protein từ thịt của người Việt, nhưng vấp phải tăng trưởng âm do dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Cũng trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người có tốc độ tăng trưởng nổi bật nhất, tăng 8,5% mỗi năm. 

Tỉ lệ thịt lợn ngày càng giảm trong cơ cấu các loại thực phẩm tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Tỉ lệ thịt lợn ngày càng giảm trong cơ cấu các loại thực phẩm tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Trong khi đó, tiêu thụ hải sản và thịt bò cũng ghi nhận tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn này. Như vậy, đến nay, gần 8kg thịt đáng lẽ phải tiêu thụ cho thịt lợn đã được người tiêu dùng chuyển sang phân khúc hải sản, thịt gia cầm và thịt bò.

Từ sau 2020, tương tự xu hướng tiêu thụ thịt ở nhiều nước trong khu vực, mức tiêu thụ thịt trên đầu người ở Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng nhờ thu nhập của người dân tăng, đồng thời người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn cho nguồn thịt hơn.

Dù thịt lợn là thực phẩm truyền thống, gắn bó lâu đời trong văn hoá ẩm thực của người Việt, song gia cầm, hải sản và thịt bò đang dần được người Việt ngày càng ưa chuộng. Điển hình là thịt gà với giá trị dinh dưỡng cao không kém hải sản và thịt bò, trong khi giá thành của thịt gà lại hợp túi tiền của nhiều phân khúc khách hàng Việt.

Trong tính toán của Ipsos, đến cuối tháng 4/2022, trong khi lượng tiêu thụ thịt gia cầm, đứng đầu là thịt gà mỗi năm ở Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ổn định, thì lượng thịt lợn tiêu thụ trên đầu người mỗi năm chưa tăng được như kỳ vọng. Trong nghiên cứu từ tháng 10/2021 của Ipsos, lượng thịt lợn tiêu thụ trên đầu người có thể đạt 24kg/người vào tháng 4//2022, nhưng thực tế đến nay chỉ đạt 23.5kg/người.

Đàn lợn tăng chậm

Ngoài sụt giảm về lượng tiêu thụ thịt lợn, nguồn cung thịt lợn trong nước cũng đang tăng trưởng chậm do việc tái đàn của bà con chăn nuôi gặp khó khăn. Nửa đầu năm 2022, người chăn nuôi lợn ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn tăng cao.

Ipsos dự báo giá thịt lợn sẽ không tăng cao từ nay tới cuối năm 2022. Ảnh: NNVN.

Ipsos dự báo giá thịt lợn sẽ không tăng cao từ nay tới cuối năm 2022. Ảnh: NNVN.

Biên lợi nhuận chăn nuôi lợn trong thời gian qua không cao, dẫn đến việc bà con ngại tái đàn, hoặc tái đàn rất dè chừng. Ipsos dự đoán tổng đàn lợn nái của cả nước sẽ tăng nhẹ 2 - 3% vào cuối tháng 10 năm nay so với thời điểm cuối tháng 4 năm nay.

Qua phân tích, từ đây đến cuối năm 2022, giá lợn hơi xuất chuồng sẽ tăng nhẹ. Cụ thể, Ipsos dự đoán giá lợn hơi xuất chuồng sẽ đạt trung bình 60.000 đồng/kg lợn hơi tại thời điểm cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2023, có khả năng giá lợn hơi xuất chuồng sẽ lại quay đầu giảm nhẹ.

Ipsos nhận định rằng, do ngành chăn nuôi lợn còn chịu ảnh hưởng bởi áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng cao, tuy nhiên giá thịt lợn đến cuối năm nay sẽ không tăng cao và không tác động quá lớn đến lạm phát của cả nước...

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.