Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, hàng năm hiện tượng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tác động đến đời sống và hoạt động sản xuất của nông dân.
Theo nghị nhận của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam tại huyện Càng Long, địa phương đang chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu, với diện tích gần 10.000ha. Vấn đề cấp nước phục vụ sản xuất đang được nông dân quan tâm rất lớn.
Ông Thạch Sem, người dân xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long có 1ha canh tác lúa chia sẻ: Những năm trước, cùng một thời điểm, khi chúng tôi cần tháo nước nội đồng để gieo sạ, thì địa phương lân cận lại cần lấy nước từ hệ thống cống Cái Hốp, Láng Thé vào đồng để phục vụ tưới tiêu, ngâm đất, rửa mặn, khử phèn. Lịch xuống giống thiếu đồng bộ vô tình dẫn đến nghịch lý: nơi cần nước thì không có, chỗ có nước thì không cần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Á - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Càng Long cho biết, lịch đóng, mở hệ thống cống ngăn mặn hiện nay được sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Việc lấy nước vào và đưa nước ra phục vụ sản xuất được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để bà con nắm được lịch vận hành cống. Từ đó có bước chủ động trong quá trình tích nước, trữ ngọt.
Ngoài hệ thống cống ngăn mặn thì các đơn vị quản lý thủy lợi nội đồng đã phát huy hiệu quả trong công tác tích nước, bà con nên yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT công bố lịch gieo sạ theo điều kiện thực tế từng địa phương và đặc thù của từng hệ thống thủy lợi, nên việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất được duy trì tốt.
Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, vụ hè thu 2023, tỉnh xuống giống 68.000ha lúa. Sở đã chỉ đạo các địa phương bố trí lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng đảm bảo đồng bộ theo thực tế mỗi địa phương. Đồng thời, theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh xuống giống tập trung đồng loạt, dứt điểm trên từng cánh đồng. Qua đó, chủ động trong việc rửa mặn, phèn, điều tiết nước phục vụ sản xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh cho biết, các địa phương đã chỉ đạo lịch xuống giống tập trung cho từng ấp, khóm, xã, phường. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức vớt vật cản như lục bình, cỏ dại... trên các tuyến kênh, rạch để khai thông dòng chảy. Đặc biệt là nạo vét các trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt. Tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp IPM, tăng cường công tác dự tính - dự báo, đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình sản xuất.
Theo lịch xuống giống vụ hè thu năm 2023, đợt 1 xuống giống từ ngày 1/4 - 15/4 với diện tích khoảng 13.000ha, tập trung cho các huyện Càng Long (9.800ha), Cầu Kè (1.024ha), Tiểu Cần (1.000ha), Châu Thành (729ha) và Trà Cú (500ha).
Nông dân tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị xuống giống đợt 2 vụ hè thu (từ ngày 1/5 - 31/5) với diện tích gần 55.500ha, tập trung tại các huyện: Cầu Kè gần 6.500ha, Tiểu Cần 9.200ha, Châu Thành hơn 13.600ha, Cầu Ngang 9.200ha, Trà Cú 13.700ha, Duyên Hải 2.380ha, thị xã Duyên Hải 200ha và TP Trà Vinh 700ha.