| Hotline: 0983.970.780

Thời khắc cuối của Cộng hòa Khmer: Bỏ chạy

Thứ Năm 28/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bốn mươi năm trước, vào ngày 17/4/1975, Chính phủ Cộng hòa Khmer Campuchia thân Mỹ sụp đổ.

Chhang Song, lúc ấy là Bộ trưởng Thông tin trong chính quyền Tổng thống Lon Nol. Sau nhiều năm thu thập thông tin và phỏng vấn, ông ta viết về những giờ phút cuối cùng của chính quyền Lon Nol, mở đường cho chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, theo tường thuật của Thời báo Khmer.

Theo Chhang Song, lúc đó chính quyền Lon Nol quyết định di chuyển trụ sở chính phủ về Kampong Som (nay là Sihanoukville). Từ đó, phe cộng hòa sẽ tổ chức phản công lại Khmer Đỏ. Hướng rút lui là về phía tây nam theo quốc lộ 4.

Các hoạt động di tản được thực hiện trên cả ba mũi là đường bộ, đường rừng và đường hàng không.

Thành phố cảng Kampong Som là địa điểm thuận lợi cho các hoạt động tiếp vận và kháng cự. Oddar Meanchey, tỉnh cực bắc của Campuchia cũng được đưa vào kế hoạch là một điểm kháng cự và là căn cứ rút lui của quân chính phủ. Địa điểm này sát biên giới Thái Lan, nên có thêm một số thuận lợi khác.

Tuy nhiên, vào ngày 16/4, việc di chuyển tới Kampong Som và Oddar Meanchey rất nguy hiểm vì chẳng có gì bảo đảm, chẳng có lực lượng nào hỗ trợ.

Lựa chọn cuối cùng là dùng máy bay chuyên chở toàn bộ nội các của chính phủ Lon Nol cũng như những chỉ huy quân đội cấp cao đến tỉnh Oddar Meanchey.

Một kế hoạch tối mật được vạch ra.

Bay về Oddar Meanchey 

Theo kế hoạch, vào lúc 4 giờ sáng 17/4, trực thăng sẽ đón các bộ trưởng trong nội các và các tư lệnh quân đội ở cánh đồng trống phía nam của dinh thự Hoàng gia.

Thành viên chính phủ và tướng lĩnh, họp suốt đêm, rời trụ sở của quân đội vào rạng sáng và hẹn nhau tại một ngôi chùa trước khi rời Phnom Penh.

Khi chuông nhà chùa đổ bốn tiếng, rồi bốn tiếng rưỡi, rồi năm. Trời dần sáng. Không thấy trực thăng đổ bộ nào xuất hiện. Mọi người chỉ thấy những chiếc trực thăng và máy bay bay rất cao làm nhiệm vụ hỗ trợ.

Cả Chính phủ Lon Nol chơ vơ trên mặt đất, tính tiếp theo sẽ phải làm gì. Hy vọng di tản cả nội các về Oddar Meanchey để tiếp tục cuộc chiến chống lại Khmer Đỏ dần tiêu tan. “Họ không đến rồi”, ai đó trong đám đông thở dài.

Vào những ngày cuối cùng trước khi Chính phủ Lon Nol sụp đổ, một số bộ trưởng qua đêm ở trụ sở quân đội, lúc đó được sử dụng làm nơi họp của chính phủ. Họ ngủ trên ghế sofa, bàn viết...

17-01-50_cuu-bo-truong-chhng-song
Cựu Bộ trưởng Thông tin Chhang Song

Sau khi thấy trực thăng không tới, Thủ tướng Boret và nội các quay về trụ sở Bộ Quốc phòng ngay trước 6 giờ sáng.

Lo lắng cao độ, đau đớn và đầu óc quay cuồng với đủ loại toan tính là cảm giác của họ vào sáng 17/4/1975. Sau một đêm đạn rocket bắn liên hồi, sáng hôm ấy tĩnh lặng lạ thường. Không rocket, không một phát súng, không khẩu pháo nào nhả đạn.

Hy vọng cuối cùng

6 giờ sáng, Ung Bun Huor, Chủ tịch Quốc hội bước vào cổng trụ sở quân đội. Ông ta trông vui vẻ hơn so với những người xung quanh. “Hòa bình trong tầm tay”, ông ta bắt chước kiểu nói của Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ.

“Tôi tin rằng chúng ta đã thành công”, ông nói thêm. Ý ông là nói về đề xuất của chính phủ với phe Khmer Đỏ ba ngày trước đó.

Trước sự thúc giục của Henry Kissinger, một thông điệp đã được chuyển đến Hoàng tử Norodom Sihanouk lúc đó đang ở Bắc Kinh với nội dung chính thức mời ông trở về Campuchia lãnh đạo một chính phủ  hòa giải quốc gia.

Thông điệp này nói rằng quân đội của chính thể cộng hòa sẽ đầu hàng Sihanouk và chào đón ông trở về Campuchia làm quốc trưởng, nơi mà ông đã bị chính lực lượng của Lon Nol lật đổ năm 1970.

Ở Phnom Penh, rạng sáng 17/4/1975, nhiều người cứ nghĩ rằng thời gian tạm đình chiến chính là kết quả việc Hoàng thái tử Sihanouk chấp nhận lời đề nghị của phe cộng hòa và đã ra lệnh cho quân của ông ngừng chiến.

Bước tới bước lui, Bun Hour thuật lại những gì ông ta nhìn thấy sáng hôm đó. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, ông đã lái xe lòng vòng quanh đồn lũy của thành phố để cảm nhận binh biến. Nhưng lúc này tất cả đều im ắng.

Bỗng điện thoại reo vang, xóa tan không khí tĩnh lặng. Đô đốc Vong Sarendy, tư lệnh Hải quân Campuchia, cầm lấy điện thoại.

Cú điện được gọi từ trụ sở hải quân đóng ở bán đảo Chroy Changvar. Đã có những dịch chuyển đáng ngờ hướng đến trụ sở của hải quân, theo lời người đầu dây bên kia.

Từ bờ bên này của bán đảo có thể thấy tàu lạ từ phía bên kia. Sarendy ngay lập tức xin phép được trở về căn cứ để đối đầu với những mối đe dọa từ địch quân.

Ba mươi phút sau. Sự yên tĩnh bỗng bị phá tan bởi những những tiếng nổ chói tai của các loại súng từ đằng xa. Điện thoại lại reo vang. Lần này người gọi chính là đô đốc hải quân Sarendy.

Ông ta đã về tới căn cứ và đang phải hứng chịu các đợt tấn công mãnh liệt từ địch quân. Họ đã vượt sông trong đêm và giờ đã chiếm hầu hết bán đảo Chroy Changvar.

Giọng Sarendy thể hiện rất ít cảm xúc khi ông ta nói chuyện với cấp trên. Nhưng ông ta biết rõ thời khắc sụp đổ đang đến. Qua điện thoại, người ta nghe rõ tiếng súng máy, tiếng nổ của rocket.

“Chúng ở khắp nơi xung quanh chúng tôi”, ông ta nói. “Chúng nói chuyện trực tiếp với tôi qua sóng radio của chúng ta. Chúng đòi chúng ta đầu hàng và kéo cờ trắng ngay lập tức”.

Tướng Sutsakhan nói: “Chúng ta gặp rắc rối lớn. Chúng ta đã bị bao vây. Tôi không còn ở vị trí có thể ra lệnh cho anh. Hãy làm những gì anh cho là đúng nhất. Anh có quyền tự quyết”.

Tướng Sutsakhan hoàn toàn buông xuôi. Ông chúc ông tư lệnh hải quân may mắn rồi dập điện thoại. Thủ tướng Boret nghe báo cáo mà không nói một lời. Ông ta rời phòng, nhảy lên chiếc Land Rover rồi lái thẳng ra bờ sông. (còn nữa)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.