| Hotline: 0983.970.780

Thu mua lá vải thiều khô để xuất sang Nhật

Thứ Bảy 17/12/2011 , 14:49 (GMT+7)

Dư luận đang xôn xao về việc Cty TNHH Lâm Sơn thu mua lá vải thiều khô tại đúng vào thời điểm vải thiều chuẩn bị ra hoa có thể ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Cty Lâm Sơn, khẳng định, việc thu mua lá vải khô hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vải.

 

Dư luận đang xôn xao về việc Cty TNHH Lâm Sơn thu mua lá vải thiều khô tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đúng vào thời điểm “nhạy cảm” là vải thiều chuẩn bị ra hoa (NNVN đã phản ánh trong số báo ra ngày 9/12).

Một số ý kiến lo ngại việc thu mua trên có thể ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của vựa vải lớn nhất nước này. Tuy nhiên, trao đổi với NNVN chiều 12/12, ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Cty Lâm Sơn, khẳng định, việc thu mua lá vải khô hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vải.

                                         Ông Nguyễn Hồng Sơn

Ông Sơn nói: Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tổ chức thu mua lá vải thiều khô tại vựa vải thiều Lục Ngạn. Việc này đã làm dấy lên dư luận nghi vấn về mục đích thu mua. Tôi xin khẳng định rằng: Chúng tôi hiện đã thu mua được sản lượng ước đạt khoảng hơn 100 tấn. Mục đích của DN là thu mua lá vải thiều khô đã rụng xuống và không sử dụng đến của nông dân. Sau khi thu mua, đơn vị sẽ tiến hành sơ chế, ép và sau đó XK sang Nhật. Phía Nhật sẽ tiếp tục chế biến để thành đất nhân tạo hoặc phân bón.

Nguyên nhân mà Nhật Bản phải NK lá vải thiều về làm đất nhân tạo là do nhiều vùng đất ở nước này đã bị nhiễm xạ do rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Phương thức thu mua lá vải khô thế nào, thưa ông?

Trước khi mở xưởng thu mua và sơ chế tại thôn Áp, xã Tân Quang, chúng tôi đã tiến hành thu mua khoảng 2 tấn lá vải thiều khô, ủ trong 2 tháng và mời phía đối tác Nhật sang kiểm tra chất lượng, ký hợp đồng thu mua với đơn vị. Trước đó, phía Nhật cũng đã từng thu mua lá nhãn ở Thái Lan để làm đất nhân tạo, tuy nhiên do bất ổn và ảnh hưởng của trận lũ vừa qua nên đã chuyển thị trường sang Việt Nam với sản phẩm chính là lá vải. Tuy nhiên, đặc tính của lá vải thiều rất khó phân huỷ nên phía Nhật chỉ thu mua lá vải đã rụng. Chúng tôi cũng không mua lá vải thiều tươi bởi sẽ mất rất nhiều thời gian để làm khô lá vải.

Có ý kiến cho rằng, việc thu mua lá vải thiều khô trong thời điểm nhạy cảm này không khác gì việc thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua đỉa, ốc bươu vàng trước đây. Ông nghĩ sao?

Tôi có thể cho anh xem luôn hợp đồng với phía DN Nhật Bản và tờ khai mở L/C (tờ khai hải quan XNK) mà chúng tôi đã thực hiện tại Hải quan Hải Phòng. Theo dự kiến thì đến ngày 15/12, dây chuyền sơ chế lá vải khô của chúng tôi sẽ đi vào hoạt động, nhưng do trục trặc kỹ thuật của một số chi tiết máy nên chắc phải dời sang đến 20/12. Hiện chúng tôi đã cho tạm ngừng việc thu mua lá vải khô bởi kho chứa đã đầy, không còn chỗ chứa.

Thực ra, với 100 tấn đã thu mua, chúng tôi tính toán rằng, chỉ khoảng 4 công-ten-nơ là sơ chế hết, và XK trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, do mặt bằng và kho chứa, cộng với dây chuyền chưa hoàn thiện, nên chưa thể thu mua thêm. Tôi cũng xin khẳng định thêm rằng, chúng tôi chỉ mua lá vải khô, tức là phế phẩm của nông dân. Hoàn toàn không có chuyện mua cho các đối tác Trung Quốc với mục đích phá hoại như một số ý kiến nghi vấn.

Với việc sơ chế và XK sang thị trường Nhật, ông có e ngại đến lúc nào đó sẽ cạn nguồn nguyên liệu là lá vải thiều khô?

Cũng bởi lo ngại điều này nên DN, khi ký kết hợp đồng với đối tác Nhật Bản, đã nói rõ rằng, mỗi tháng chỉ có thể XK khoảng 4 công-ten-nơ. Còn một vài tháng khi vải thiều bắt đầu ra lộc, ra hoa thì không còn nguyên liệu, nên có thể tạm ngưng sơ chế. Phía Nhật cũng đồng ý với điều khoản này.

Nhưng trong trường hợp những cơ sở thu mua của DN ở Lục Ngạn, hoặc người dân trộn lẫn các loại lá khác vào lá vải thiều khô, thì ông tính sao?

Chúng tôi đã lường trước điều này nên ngay từ khi kiểm tra chất lượng nguyên liệu, chúng tôi đã sàng tuyển để sản phẩm không lẫn tạp chất. Nếu có lá khác, hoặc lá vải thiều tươi, ngay lập tức phía Nhật sẽ chấm dứt hợp đồng NK, và DN lúc đó sẽ rất khó đàm phán, và nối lại hợp đồng.

                                                                                                             Xin cảm ơn ông!

               

                          

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.