Dè dặt chong đèn
Những ngày này, nông dân tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận đang tập trung chong đèn, chăm sóc thanh long để ra trái vụ nghịch phục vụ thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên theo ghi nhận chúng tôi, thời gian qua, nông dân không ồ ạt chong đèn như mọi năm mà cân nhắc điều tiết việc xử lý ra hoa trái để tránh tập trung cùng một thời điểm nhằm giảm thiểu rủi ro về tiêu thụ.
Điển hình như vùng sản xuất thanh long ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, hiện bà con nơi đây chong đèn thanh long với nhiều lứa “lệch pha” với nhau.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết, mấy năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ thanh long dịp cuối năm khó khăn, vì vậy bà con giờ rất thận trọng, dè dặt chong đèn thanh long cùng lúc. Điều này thể hiện với tổng diện tích hơn 1.800ha, song bà con chong đen phục vụ thanh long dịp Tết Nguyên đán chỉ 20 - 30% diện tích. Còn lại một số diện tích bà con chong đèn phục vụ sản phẩm trước và sau Tết Nguyên đán.
Theo ông Cường, dù diện tích chong đèn thanh long để thu hoạch đúng dịp Tết giảm, tuy nhiên nhờ thời tiết thuận lợi, những diện tích đã chong đèn ra bông, đậu quả nhiều, dự kiến sản lượng thu hoạch sẽ tăng trên đơn vị diện tích.
Tương tự, tại thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, hiện nông dân trồng thanh long cũng chia diện tích để chong đèn ra trái nghịch vụ để thu hoạch nhiều lứa trước, trong và sau Tết. Như hộ ông Nguyễn Tánh, một người trồng thanh long ở thôn 5 có 1.000 trụ thanh long, rút kinh nghiệm sản lượng dồn một lúc, chẳng may lại thừa thanh long, bán không được giá, hiện ông đã chia làm 2 pha chong đèn.
Trong đó, pha đầu đã chong đèn 350 trụ vào đầu tháng 10 âm lịch, hiện đã rút điện, cây ra nhiều bông, hứa hẹn sẽ thu hoạch vào dịp gần Tết Nguyên đán. Còn pha 2, ông sẽ chong đèn số trụ còn lại vào dịp giữa và cuối tháng 11 âm lịch để thu hoạch thanh long sau Tết.
Ông Tánh cho biết, những tháng gần đây, việc tiêu thụ thanh long bắt đầu khởi sắc, giá thu mua thanh long phục vụ xuất khẩu từ 10 - 12 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên hiện nay giá thanh long đã lên từ 13 - 14 ngàn đồng/kg. Vì vậy, ông Tánh cũng nhiều bà cong trồng thanh long Bình Thuận hi vọng từ này đến cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá thanh long sẽ tiếp tục nhích lên nữa.
Chú trọng nâng chất lượng, giảm chi phí sản xuất
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đến cuối tháng 11/2022, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 27.898ha, giảm 4.945ha so với cuối năm 2021. Nguyên nhân diện tích giảm là do giá thanh long những năm gần đây bấp bênh, người dân chuyển đổi mục đích sử dụng.
Để đảm bảo năng suất và chất lượng thanh long phục vụ thị trường vào dịp cuối năm, ngành nông nghiệp Bình Thuận đang hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc vườn thanh long, bón phân cân đối, bảo đảm hiệu quả, cùng với đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm chi phí đầu vào và phòng trừ sâu bệnh.
“Chúng tôi hướng dẫn bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng an toàn (GAP), kết hợp trong khâu kiểm soát sử dụng thuốc BVTV, đẩy mạnh việc ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng công nghệ để minh bạch hóa trong quá trình sản xuất nhằm thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc cũng như quản lý tốt các mã vùng trồng đã được cấp”, ông Phan Văn Tấn chia sẻ và cho biết thêm, dự kiến đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 660ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, 93ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ và 11.900ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 42,7% tổng diện tích toàn tỉnh); sản lượng ước đạt 600.500 tấn.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 581 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước. Cụ thể, Hoa Kỳ 69 mã, Hàn Quốc 125 mã, Úc 147 mã, New Zealand 147 mã, Nhật Bản 3 mã, Trung Quốc 90 mã và 287 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường các nước gồm Trung Quốc 274 mã; 13 mã còn lại xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, New Zealand.
Đối với thị trường Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận lưu ý, các hộ sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ các yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên vườn, quản lý tốt các đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện kiểm dịch thực vật cũng như tuân thủ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của Trung Quốc.
Theo ông Phan Văn Tấn, để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, việc đầu tư phát triển mạnh hệ thống bảo quản, nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản, dự trữ thanh long… giúp điều tiết sản lượng thu hoạch là rất cần thiết. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn có tiềm năng như Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu...