Hãng tin AFP dẫn lời bà Theresa May cảnh báo chính phủ sẽ “lâm nguy”, một khi Quốc hội bác thỏa thuận Brexit và đưa đảng đối lập lên nắm quyền. Nữ Thủ tướng đồng thời cảnh báo các nghị sỹ Quốc hội rằng, hành động của họ có thể dẫn tới nguy cơ không có Brexit cũng như không có một cuộc tổng tuyển cử.
Thủ tướng Anh Theresa May đang trải qua thời khắc khó khăn nhất |
Trong khi đó, truyền thông trong nước cho biết, bà May hiện đang phải hứng chịu sức ép rất lớn nhằm trì hoãn việc bỏ phiếu và bà đã phải bay khẩn đến Brussels để thương thảo thêm sự nhượng bộ. Tuy nhiên, tiết lộ với BBC hôm qua, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, Stephen Barclay cho hay, cuộc bỏ phiếu vẫn đang tiếp diễn và không có gì thay đổi. Ông Barclay cũng cho rằng, bà May vẫn có thể tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho dù có thất bại trong cuộc bỏ phiếu quyết định về số phận Brexit tại Quốc hội vào ngày 11/12 tới.
Nữ Thủ tướng Anh được cho là tới Brussels ngay đầu tuần này nhằm tìm kiếm thêm các điều khoản tốt hơn từ EU như yêu cầu sửa đổi bản thỏa thuận Brexit sau hàng loạt các cảnh báo mang tính đe dọa từ các Bộ trưởng nếu muốn nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ. Đặc biệt sức ép ngày càng gia tăng, kể từ sau khi nghị sỹ đảng Bảo thủ Will Quince hôm 8/12 tuyên bố từ chức trong chính phủ để phản đối thỏa thuận Brexit sơ bộ đã ký với EU. Kể từ khi Thủ tướng Theresa May công bố thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi trung tuần tháng trước, đã có tám quan chức chính phủ Anh từ chức để phản đối do có nhiều khác biệt.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail, bà Theresa May cho biết, nước Anh "sẽ thực sự ở trong vùng nguy hiểm” nếu dự thảo được Quốc hội thông qua sau gần hai năm đàm phán quanh co khi chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa là tới thời điểm Brexit (tức Anh rời khỏi liên minh châu Âu, ngày 29/3/2019). "Điều này chắc chắn sẽ là một sự nguy hiểm khi đất nước đối diện khả năng không có Brexit. Chúng tôi có một nhà lãnh đạo đối lập lúc nào cũng muốn tổ chức một cuộc tổng tuyển cử... Và tôi tin rằng, ông Jeremy Corbyn nắm quyền lực là một rủi ro không thể chấp nhận được", bà May tuyên bố.
Chính phủ của bà May hiện đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền chỉ một tháng sau khi quốc gia này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về Brexit với tỷ lệ 52-48 hồi tháng 6/2016.
Giới quan sát nhìn nhận, sức ép đối với Thủ tướng Anh lúc này thậm chí còn gia tăng hơn khi bà May đang bị tấn công bởi chính những người ủng hộ Brexit ở ngay trong đảng Bảo thủ do bà lãnh đạo muốn có thêm một cuộc trưng cầu dân ý lần hai hoặc một hiệp ước duy trì mối quan hệ với EU mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn vẫn bày tỏ hy vọng về khả năng cuộc bỏ phiếu thất bại tại Quốc hội sẽ châm ngòi cho một cuộc nổi dậy quy mô lớn, dẫn đến cuộc bầu cử sớm và thắp lên cơ hội quay trở lại cho Công đảng lần đầu tiên kể từ năm 2010. "Tôi nghĩ rằng, thời gian thực sự đã đặt dấu chấm hết đối với bà ấy và một khi bạn có thể cho tôi biết, nếu bà ấy vẫn sẽ là Thủ tướng vào tối thứ Ba này thì có lẽ đã tới lúc tôi có thể nói cho bạn biết, chúng ta sẽ làm gì tiếp theo", nghị sỹ Công đảng John Trickett nói với Sky News.
Ông Trickett tuyên bố thêm rằng, Công đảng "sẵn sàng thành lập một chính phủ thiểu số nếu cần thiết, và điều đó có thể xảy ra vào sáng thứ Tư".
Ở bên ngoài, báo giới cũng ghi nhận bầu không khí chính trị hiện đang sốt sình sịch khi xảy ra hàng loạt các cuộc biểu tình của cả hai phe, ủng hộ và chống Brexit, thu hút hàng ngàn người đổ xuống ở trung tâm thủ đô London. Và kết quả có thế nào thì thời điểm này với Thủ tướng Anh vẫn sẽ là khoảng thời gian khó khăn để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra các điều khoản “ly hôn” tốt nhất. Điều này được thể hiện qua nội dung cuộc điện đàm giữa bà May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm Chủ nhật, khi ông này bóng gió một sự không nhượng bộ rằng: "Đây sẽ là một tuần quan trọng đối với số phận của Brexit", ông Tusk viết trên Twitter cá nhân. |