Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết một số vướng mắc, kiến nghị của tỉnh, sáng 16/7.
Bắc Kạn hỗ trợ cả nước từ "kho báu" rừng xanh
Tỉnh Bắc Kạn nằm ở trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên hơn 4.800 km2, dân số hơn 320.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 88%.
Đất nông, lâm nghiệp chiếm 85%, đất phi nông nghiệp chiếm 4,35%, đất chưa sử dụng chiếm hơn 10,6%. Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên lớn, tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 73%, cao nhất cả nước. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, rừng ở Bắc Kạn còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm.
Trước những lợi thế, khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó ưu tiên đến ngành kinh tế từ cây dược liệu dưới tán rừng. Phát triển nông, lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch, phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm hữu cơ...
"Bắc Kạn cần phát triển các sản phẩm OCOP nhưng phải tạo được thương hiệu riêng, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Muốn làm được phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, nguồn vốn từ các ngân hàng, đặc biệt là làm tốt công tác quy hoạch", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Nhiều người nói rằng Trung ương hỗ trợ Bắc Kạn nhiều quá, nhưng tôi cho rằng Bắc Kạn cũng đang hỗ trợ cả nước. Độ che phủ rừng trên 73% là kho báu rất quý, có đóng góp rất lớn đối với môi trường sinh thái của cả khu vực, cả nước".
Bộ trưởng nhận định, tiềm năng kinh tế rừng của Bắc Kạn rất lớn nhưng chưa được khai thác thực sự hiệu quả. Quan trọng hiện nay là phải phát triển rừng đa tầng, đa giá trị, không chỉ có khai thác gỗ mà còn là tiềm năng cây dược liệu rất lớn. Làm được điều đó, tỉnh Bắc Kạn mới có thể chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Hiện nay, nhiều nơi còn tư duy phát triển cây dược liệu là để xoá đói giảm nghèo, ước mơ như vậy còn rất nhỏ, chúng ta cần tư duy lớn hơn, cần xây dựng nền kinh tế dược liệu. Hiện nay, một số HTX ở Bắc Kạn đã manh nha làm nhưng chính quyền cần hỗ trợ thêm thì mới phát triển được.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, hiện nay, tỉnh đang xây dựng tuyến đường kết nối hồ Ba Bể (Bắc Kạn) với hồ Na Hang (Tuyên Quang), khi đó sẽ tạo ra hệ sinh thái du lịch rộng lớn. Khi đó sẽ tạo ra không gian rộng lớn để phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của bà con ở nông thôn, từ đó giá trị sản phẩm nông sản sẽ tăng lên rất nhiều.
Tự lực, tự cường để phát triển
Trên cơ sở phân tích thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Bắc Kạn có nhiều khó khăn nhưng cũng nhiều thuận lợi, quan trọng là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề đúng với tinh thần tự lực, tự cường.
“Bắc Kạn phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước. Phấn đấu đến năm 2050, có nền kinh tế năng động, mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kạn cần làm tốt công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng. Tỉnh khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, thúc đẩy đầu tư các cụm, khu công nghiệp để phát triển ngành chế biến lâm sản và dược liệu.
Về du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Bắc Kạn tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với phát huy các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách du lịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch, ngoài cảnh quan thiên nhiên, tỉnh Bắc Kạn cần gìn giữ những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh cần xây dựng dựa trên 3 trụ cột cơ bản là con người, thiên nhiên và văn hoá.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Kạn đạt 5,7%, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ. Nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 73,3%, cao nhất cả nước. Công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, tăng trưởng 10,8%. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng gần 5,2%. Du lịch phục hồi nhanh, đón 571 nghìn lượt, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch năm, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400 tỷ đồng.