Hiệu quả từ thực tiễn
Trước đây tuyến đường vào khu sản xuất tại tổ Khuổi Hẻo, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) chỉ là con đường mòn nhỏ, việc đi lại vận chuyển cây giống cũng như khai thác gỗ rừng trồng của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2022, ngân sách Nhà nước đã đầu tư 1,3 tỷ đồng thực hiện một tuyến đường lâm nghiệp vào khu vực này.
Sau khi có đường, việc đi lại, khai thác gỗ rừng trồng của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt đường được thi công rộng đủ xe cơ giới, các loại máy nông nghiệp đi lại thuận tiện. Ông Hoàng Văn Thái, tổ Khuổi Hẻo, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cho biết, có đường vào khu sản xuất, việc vận chuyển cây giống, phân bón để trồng rừng thuận lợi. Khi khai thác vận chuyển gỗ dễ dàng, trước đây chưa có đường tư thương họ mua gỗ với giá rất thấp, nhưng bây giờ giá trị có thể tăng gấp đôi.
Chỉ hơn một năm trước, người dân ba thôn Bản Chói, Pác Già, Cốc Quang của xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn) gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển kinh tế rừng. Hầu hết những cánh rừng ở khu vực này có độ dốc cao men theo những khe suối, do không có đường nên người dân chủ yếu đi bộ để vào khu sản xuất.
Khi có chủ trương mở đường lâm nghiệp, người dân 3 thôn này đã tích cực hiến đất, nhờ đó, một tuyến đường dài 1,5km, mặt đường rộng 4m đã hoàn thành. Ông Nông Thế Thắng, Bí thư Chi bộ Bản Chói (xã Đồng Thắng) cho biết, người dân trong thôn nhận thấy đường lâm nghiệp mang lại lợi ích rất lớn nên đồng tình ủng hộ. Trong thôn đã có hàng chục hộ hiến đất, có những hộ đường xuyên qua giữa rừng của mình, diện tích làm mặt đường khá lớn nhưng họ vui vẻ ủng hộ.
Trên thực tế, chi phí vận chuyển cây giống, vật tư và gỗ khi khai thác chiếm khoảng 40% tổng giá trị trên một mét khối gỗ. Trước đây, khi mạng lưới đường lâm nghiệp chưa phát triển, việc khai thác gỗ của bà con vô cùng tốn kém.
Những nơi xa đường giao thông, chi phí thuê khai thác, vận chuyển gỗ có thể chiếm đến 60% tổng giá trị thu được. Do đó, việc mở đường lâm nghiệp đang là giải pháp rất quan trọng để giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho người trồng rừng.
Tiên phong, đi đầu
Huyện Chợ Mới là địa phương duy nhất của tỉnh Bắc Kạn có khu công nghiệp, trong đó chủ yếu là các nhà máy chế biến lâm sản nên vấn đề phát triển kinh tế rừng được huyện rất chú trọng. Nhưng trong một thời gian dài, người dân chỉ quan tâm đến trồng rừng, ít đầu tư đường lâm nghiệp nên hiệu quả từ trồng rừng chưa cao.
Gần đây, với sự tham gia trồng rừng của các hợp tác xã thì việc trồng rừng đã được tính toán bài bản, khép tín từ trồng rừng, khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, từ năm 2022 khi nhà nước có chủ trương đầu tư đường lâm nghiệp, huyện Chợ Mới có thêm cơ hội để phát huy thế mạnh từ kinh tế rừng.
Theo Quyết định số 2619 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt đầu tư dự án đường lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, huyện Chợ Mới được đầu tư 35 tuyến đường với chiều dài hơn 77 km.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Chợ Mới đã triển khai được 25 tuyến đường lâm nghiệp với chiều dài hơn 50 km. Theo tiêu chí của dự án, 1km đường khi được mở sẽ phục vụ việc khai thác cho ít nhất 50ha rừng trồng. Như vậy, trong giai đoạn 1 của dự án đã có khoảng 2.500 ha rừng trồng của người dân huyện Chợ Mới được hưởng lợi trực tiếp. Đây là dự án không có kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng do người dân hiểu được lợi ích từ dự án nên đa số các hộ rất đồng tình ủng hộ, tích cực hiến đất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới đánh giá, phát triển mạng lưới đường lâm nghiệp là bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế rừng. Nếu không có đường, các giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng sẽ khó thực hiện, do đó việc mở đường lâm nghiệp ví như mở đường cao tốc lên các tỉnh miền núi.
Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Chợ Mới có khoảng 21 nghìn ha, nhu cầu xây dựng đường lâm nghiệp khoảng 400km. Từ nay đến năm 2025, dự án mở đường lâm nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư 10 tuyến, chiều dài khoảng 20 km.
Theo ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, hiện nay huyện quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hình thành vùng trọng điểm về cây hồi, cây quế ở phía đông, cây ăn quả và trồng rừng ở các xã phía tây. Do đó, ngoài hỗ trợ khai thác rừng trồng, việc phát triển mạng lưới đường lâm nghiệp còn phục vụ tốt chiến lược này.
Đầu tư có trọng điểm
Nhận định tầm quan trọng của hệ thống giao thông phục vụ phát triển lâm nghiệp, năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2015-2025, Bắc Kạn quy hoạch xây dựng 356 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài hơn 1.200km.
Cuối năm 2021, tỉnh Bắc Kạn phê duyệt dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Đến nay, dự án này đã hoàn thành hơn 600km đường lâm nghiệp, các tuyến đường đã góp phần tạo ra mạng mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, tăng cường khả năng cơ giới hóa trong sản xuất.
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, nhu cầu mở mới các tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn còn rất lớn vì còn nhiều diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác ở các vị trí xa xôi, hẻo lánh không có đường vào.
Ngoài ra, theo dự án đã phê duyệt thì thực tế hiện nay còn hơn 400km khó có khả năng thực hiện do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Do đó nhu cầu khơi thông dòng vốn từ nơi khó hoặc không thể thực hiện sang những chỗ thuận lợi để triển khai là cần thiết. Từ thực tiễn này, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định nghiên cứu bổ sung quy hoạch.
Qua rà soát, các huyện, thành phố đã đề xuất bổ sung 296 tuyến với tổng chiều dài hơn 620km vào quy hoạch. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra thực địa và xác định có 214 tuyến với tổng chiều dài hơn 428km đủ điều kiện, bảo đảm các tiêu chí, các yếu tố khả thi để bổ sung vào quy hoạch.
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030 bổ sung thêm 214 tuyến đường mới. Tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch tăng từ hơn 600 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng. Với hiệu quả đã được kiểm chứng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp nhận định, đây là bước đi phù hợp của tỉnh Bắc Kạn để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp vốn là thế mạnh của địa phương này.
Bắc Kạn là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước với hơn 100.000ha. Diện tích rừng trồng đã đến tuổi khai thác của Bắc Kạn khoảng 50.000 ha, bao gồm: Hơn 13.000 ha cây keo trồng năm 2015 trở về trước, 25.000 ha cây mỡ, gần 3.000 ha cây thông, hơn 400 ha cây quế trồng từ năm 2011 trở về trước. Theo tính toán, khi có đường lâm nghiệp, lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác, như vậy với 100.000ha, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.