| Hotline: 0983.970.780

Thu về hơn 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Thứ Tư 24/11/2021 , 07:06 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Với vỏn vẹn 11ha, chàng trai 9x thu về hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận nhờ trồng lúa mùa nổi, nuôi cá linh non và thả tôm càng xanh.

Mô hình nuôi cá linh trên ruộng lúa mùa nổi của người dân Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình nuôi cá linh trên ruộng lúa mùa nổi của người dân Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình 3 trong 1 thích ứng mùa lũ

Tại các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, mỗi mùa lũ nước về sẽ mang theo một lượng lớn nguồn lợi thủy sản với giá trị cao, mang lại thu nhập lớn cho người dân nơi đây. Thế nhưng năm nay, nước về muộn và thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều nông dân đầu nguồn mất đi thu nhập từ đánh bắt thủy sản tự nhiên.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Huấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết,  gần đây, nước lũ không theo quy luật tự nhiên làm cho sản xuất nông nghiệp của người nông dân gặp nhiều khó khăn.

“Đưa ra những giải pháp, mô hình thích ứng với điều kiện thiên nhiên hiện nay, tạo sinh kết cho người dân trong mùa lũ, Phòng Kinh tế TP. Hồng Ngự đã tận dụng thời gian sau khi sản xuất 2 vụ lúa, xây dựng đê bao, chủ động đưa nước vào để ương giống cá linh non, ương giống tôm càng xanh, triển khai mô hình nuôi cá linh non và tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nổi. Giá trị kinh tế của cá linh non rất cao và được nhiều người dân ưu chuộng”, ông Nguyễn Huấn thông tin.

Lúa mùa nổi rất thích hợp với điều kiện tự nhiên khu vực ĐBSCL. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lúa mùa nổi rất thích hợp với điều kiện tự nhiên khu vực ĐBSCL. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình này không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học nên sẽ sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nếu hoạt động có hiệu quả, Phòng Kinh tế TP. Hồng Ngự sẽ tiếp tục hoàn thiện để nhân rộng mô hình; đồng thời tiếp tục tìm tòi những mô hình mới, phù hợp để đưa vào sinh kế tận dụng thời gian đất đai nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho bà con.

Lúa mùa nổi vùng ĐBSCL là tên gọi giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, rất thích hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, không thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch… Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa phát triển đến đó, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có trên dưới 300ha trồng lúa mùa nổi tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú (An Giang), huyện Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Tân Hưng (Long An)… mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa thương phẩm.

Chàng trai 9x thu về 2 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm

Không được theo học bất kì trường lớp nào về lĩnh vực nông nghiệp, thế nhưng do gia đình có truyền thống làm nông nên chàng trai 9x Bùi Chí Nhân (xã An Bình B, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã tự tìm tòi, mày mò dấn thân vào con đường sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng “Vạn sự khởi đầu nan”, sau một thời gian bắt tay làm nông nghiệp, chàng trai trẻ nhận ra việc sản xuất theo kiểu truyền thống vô cùng vất vả. Dù áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng lợi nhuận từ việc trồng 2 vụ lúa/năm cũng chỉ thu nhập vỏn vẹn 250 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Không chỉ vấn đề thu nhập, canh tác lúa liên tục trong thời gian dài, đất không được nghỉ sẽ dẫn tới bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu ngày một tăng nên không lời lãi bao nhiêu.

Mỗi ngày chàng trai 9x bắt được khoảng 15 - 20kg cua đồng đem bán cho thương lái ngoài chợ với giá 30.000 đồng/kg, thu về khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mỗi ngày chàng trai 9x bắt được khoảng 15 - 20kg cua đồng đem bán cho thương lái ngoài chợ với giá 30.000 đồng/kg, thu về khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Bùi Chí Nhân đã tự tìm hiểu những mô hình sản xuất mới để mạnh dạn thay đổi. Qua sự hướng dẫn của Phòng Kinh tế TP. Hồng Ngự, anh đã đầu tư 1 tỷ đồng triển khai nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa mùa, xen kẽ nuôi cá linh với tổng diện tích 11ha.

Triển khai mô hình từ tháng 2/2021, đến thời điểm hiện tại, tuy không phải sử dụng bất kì thuốc hay phân hóa học nhưng chàng trai 9x nhận định từ tôm giống đến cây lúa, con cá linh đều phát triển thuận lợi.

“Năm nay là năm đầu tiên tôi thử nghiệm nuôi cá linh. Trong quá trình sản xuất, tôi thấy trống một khoảng thời gian ương tôm giống và làm lúa nên đã thử thả 5 triệu con cá linh. Vừa qua tôi thu hoạch được khoảng 2 tấn, sản lượng đạt được khoảng 80% kì vọng. Với giá bán 130.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng lợi nhuận từ cá linh”, anh Bùi Chí Nhân chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Khoảng thời gian đầu vụ, anh Nhân ương khoảng 300.000 con giống tôm càng xanh toàn đực, đến nay đã thả sang ruộng lúa khoảng hơn 150.000 con. Dự kiến đến cuối vụ sẽ thu hoạch từ 4 - 5 tấn tôm. Còn đối với cây lúa mùa nổi, chàng nông dân trẻ chỉ phải cải tạo, xử lý đất bằng việc bón phân sinh học một lần, sau đó gieo sạ và để lúa tự phát triển tự nhiên đến khi thu hoạch.

Dự kiến vụ tôm năm nay, anh Nhân sẽ thu hoạch từ 4 - 5 tấn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự kiến vụ tôm năm nay, anh Nhân sẽ thu hoạch từ 4 - 5 tấn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Việc nuôi trồng theo kiểu xoay vòng như này sẽ tiết kiệm bằng việc bắt cá, ốc ngoài đồng để làm thức ăn cho tôm. Còn cây lúa chỉ phải bón phân sinh học thời gian đầu nên chi phí rất thấp. Sau khi thu hoạch hết vụ lúa, tôm, cá linh, trừ hết các chi phí tôi sẽ thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận”, nông dân trẻ Bùi Chí Nhân phấn khởi.

“Thời gian vừa qua dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Rất may là mô hình của tôi không sử dụng thuốc BVTV và phân hóa học nên không bị ảnh hưởng nhiều”, anh Bùi Chí Nhân cho biết.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.