Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định 4 - 5% và chiếm hơn 28% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỷ USD.
Hiện nay, một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành thủy sản là tối ưu hóa hiệu quả quản lý sản xuất thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin nhằm giúp hệ thống hóa số liệu vùng nuôi, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát môi trường, dịch bệnh, giảm công lao động, tăng độ chính xác… Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, thách thức đặt ra đối với ngành thủy sản là sự cạnh tranh gay gắt, rào cản kỹ thuật, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Chính vì vậy, việc các chủ thể (người sản xuất; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, cung cấp giống, thức ăn, thuốc…) chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng và phát triển thương mại điện tử, khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào, hoạt động sản xuất. Từ đó, nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản, gia tăng lợi nhuận cho người dân.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi thâm canh vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, trong bối cảnh lực lượng lao động ngày càng hạn chế, người nuôi có thể tận dụng công nghệ sẵn có (điện thoại thông minh) để quản lý, điều hành toàn bộ quá trình sản xuất.
Công nghệ số cho phép ở mọi lúc, mọi nơi, người nuôi có dễ dàng nắm bắt được hoạt động của ao nuôi thông qua hệ thống camera, từ đó đưa ra các quyết định xử lý kịp thời; quản lý tốt lượng oxy trong ao, máy bắn thức ăn thông qua áp điều khiển tự động từ xa, tránh lãng phí vật tư, giúp thủy sản sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Đặc biệt, việc sử dụng thành thạo công nghệ số còn giúp các hộ dễ dàng tìm kiếm thêm được các bạn hàng, thị trường tiêu thụ mới với giá bán cao, nhờ đó an tâm đầu tư theo hướng an toàn, hiệu quả.