Những chiếc tàu vỏ thép nói trên do 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) và Cty TNHHMTV Đóng tàu Nam Triệu (Cty Nam Triệu) đóng mới đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả thực hiện NĐ 67 trên địa bàn tỉnh này.
Ngư dân Nông Thanh Điền, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 88478 TS đang ăn nên làm ra. |
Theo ông PhanTrọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thực hiện NĐ 67 của Chính phủ, Bình Định được Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu đóng mới 305 tàu cá. Trong đó có 280 tàu khai thác thủy sản, 25 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 297 hồ sơ của các ngư dân đủ điều kiện vay vốn, đóng mới tàu, chiếm tỷ lệ 94%. Trong đó, có 56 ngư dân đã có khế ước vay vốn đóng tàu với tổng vốn hơn 874,6 tỷ đồng, chiếm phần nhiều trong đó là tàu vỏ thép với 44 chiếc, tổng vốn vay hơn 803,6 tỷ đồng.
“Hiện có 13 doanh nghiệp đóng tàu trên toàn quốc tiếp cận với ngư dân Bình Định để đóng tàu cá vỏ thép theo NĐ 67. Hầu hết những tàu cá nói trên của ngư dân đều đang hoạt động có hiệu quả. Đáng tiếc lại có những chiếc tàu của ngư dân các huyện: Hoài Nhơn, Phù Cát và Phù Mỹ do 2 đơn vị đóng tàu là Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu thực hiện bị sự cố. Những chiếc tàu này mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm mà qua kiểm tra cho thấy đã gỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng”, ông Hổ cho hay.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Trong 7 chiếc tàu vỏ thép ngư dân Hoài Nhơn đóng tại Cty Nam Triệu thì 1 chiếc đã bị phá nước chìm dưới biển, 6 chiếc còn lại máy móc bị hư hỏng ngay từ khi mới đưa từ xưởng đóng tàu về. Bức xúc quá, có 3 chủ tàu đã bỏ tiền túi thuê 1 đơn vị độc lập giám định máy tàu, kết quả được thể hiện trong chứng thư là máy tàu không có yếu tố máy mới và không đồng bộ.
“Tuy nhiên, 8 chiếc tàu vỏ thép đóng sau do Cty Việt Tiến thực hiện thì đều đang hoạt động rất hiệu quả. Tất cả 8 tàu nói trên vừa ra khơi chuyến biển thứ 3, do đánh bắt thắng lợi nên trước khi mở biển các tàu đều mở tiệc rôm rả. Theo 8 chủ tàu nói trên, 2 chuyến biển đầu tiên vận hành tàu vỏ sắt không gặp sự cố hỏng hóc nào, tàu được đóng đúng với nghề nên hoạt động hiệu quả, chuyến biển nào cũng bội thu”, ông Công cho biết.
Còn theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, sự cố xảy ra với những tàu vỏ thép do Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu đóng là bài học xương máu của ngư dân trong vấn đề lựa chọn đơn vị đóng tàu.
Ông Hương chia sẻ: “Hiện nay huyện Phù Cát có 13 tàu vỏ thép đi vào hoạt động, trong đó có 9 tàu do Cty Nam Triệu đóng, 2 tàu do Cty Đại Nguyên Dương và 2 tàu do Vinashin Nha Trang đóng. Cả 9 tàu do Cty Nam Triệu đóng đều đang bị trục trặc, chẳng chiếc nào hoàn chỉnh, 2 chiếc do Cty Đại Nguyên Dương đóng cũng vậy, cứ èo uột hoạt động không ra sao.
Những chiếc tàu vỏ thép do hỏng hóc phải nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). |
Trong khi đó, 2 chiếc do Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin Nha Trang đóng thì hoạt động hiệu quả, chuyến biển nào ngư dân cũng lãi khá. Ví như tàu BĐ 88478 TS của ngư dân Nông Thanh Điền ở xã Cát Thành, chuyến biển cập bờ vừa rồi thu nhập đến 500 triệu đồng. Điều mà ngư dân cần phải cân nhắc là giá những chiếc tàu đóng tại các Cty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu quá cao, từ 18 – 20 tỷ đồng/chiếc, trong khi tàu đóng ở Vinashin Nha Trang chỉ 15,5 tỷ đồng/chiếc nhưng đẹp, to, dài hơn và hoạt động hiệu quả hơn những chiếc kia”.
“Phải “phẫu thuật” tất cả những con tàu đang hư hỏng để tìm ra “bệnh”. Nếu tình trạng gỉ sét là do đóng thép kém chất lượng không đúng như trong hợp đồng thì phải thay lại toàn bộ cho ngư dân, chứ kiểu này thì sau khi hết hạn bảo hành ngư dân không biết phải xoay sở ra sao. Thậm chí phải “đại phẫu thuật”, những thiết bị không làm theo hợp đồng phải được thay thế lại y như hợp đồng đã ký kết”, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thẳng thắn.