Diện tích mía tại Nghệ An đang giảm nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Phương. |
Đã là đầu tháng 11, các nhà máy sản xuất đường bắt đầu vào mùa thu mua mía. Nhưng vụ ép 2019 - 2020 này đang đứng trước một thực trạng giá đường tự do trên thị trường chỉ trên 10.000 đ/kg, chắc chắn sẽ kéo theo giá thu mua mía giảm mạnh.
Năng suất mía giảm, giá đường bán tự do trên thị trường giảm, giá thu mua mía giảm, giá thành sản xuất 1 kg đường không giảm sẽ làm cho cả người trồng mía và nhà máy thua lỗ là khó tránh khỏi.
Liệu sau vụ ép 2019 - 2020 diện tích mía nguyên liệu cho năm sau sẽ tiếp tục giảm đến mức độ nào?
Diện tích và năng suất mía giảm dần
Theo quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020 là 28.957ha được thực hiện trên địa bàn 14 huyện, thị. Với quy mô diện tích đó sẽ có đủ mía nguyên liệu cung cấp cho cả 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh hoạt động hết công suất.
Trong suốt thời gian từ 2013 đến 2019 này, thời kỳ hoàng kim nhất của cây mía ở Nghệ An là những năm từ 2010 đến 2015 diện tích mía nguyên liệu để phục vụ cho 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh luôn ở mức từ 26.685ha đến xấp xỉ 28.500ha. Năm có diện tích mía lớn nhất ở Nghệ An là 2014 có đến 28.427ha. Trong đó, riêng vùng mía nguyên liệu Phủ Quỳ có 18.700ha, sản lượng mía đạt trên 1,1 triệu tấn, đủ mía cho Nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle hoạt động hết công suất. Từ năm 2014 đến nay diện tích, năng suất và sản lượng mía nguyên liệu ở Nghệ An giảm liên tục và giảm mạnh.
Diện tích mía năm 2014 là 28.427ha, đến năm 2017 giảm xuống 24.573ha, giảm 3.854ha, bằng 13,55%. Năm 2019 này diện tích mía toàn tỉnh còn lại khoảng 18.750ha, giảm so với năm 2014 là 9.677ha, bằng 34,04% và so với năm 2017 giảm 5.823ha, bằng 23,69%.
Năng suất mía năm 2014 đạt 575 tạ/ha, năm 2017 giảm xuống còn 532,30 tạ/ha, giảm so với năm 2014 là 42,7 tạ/ha, bằng 7,42%. Năm 2019 này năng suất mía tiếp tục giảm mạnh và chỉ còn lại ước đạt 512,25 tạ/ha, giảm so với năm 2017 là 39,3 tạ/ha, bằng 7,38%.
Diện tích mía giảm, năng suất mía giảm kéo theo sản lượng mía giảm mạnh. Sản lượng mía năm cao nhất là 2014 đạt được 1.634.000 tấn, đến năm 2017 xuống còn 1.308.000 tấn và đến năm 2019 này ước đạt 924.375 tấn, giảm so với năm 2014 là 709.625 tấn, bằng 43,42% và so với năm 2017, giảm 383.625 tấn, bằng 29,32%.
Nguyên nhân vì sao cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất và sản lượng mía đều cùng giảm mạnh như vậy?
Có nhiều lý do khác nhau. Nhưng có thể tóm tắt một số nguyên nhân cơ bản sau: do người trồng mía đầu tư thâm canh kém, đất trồng mía lại không được luân canh. Phần lớn đất trồng mía là đất cao cưỡng, khô hạn, thậm chí như ở huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… trồng mía trên đất đồi vệ quanh năm khô hạn. Giá cả thu mua mía nguyên liệu của nhà máy vừa thấp, vừa không ổn định, quanh quẩn trên dưới 800 đ/kg mía, nông dân không mặn mà đầu tư vào cây mía để có năng suất cao. Bệnh chồi cỏ trên cây mía diễn biến phức tạp chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa. Vì vậy một số vùng mía ở huyện Nghĩa Đàn có năm mất đến 20 - 30% do bệnh chồi cỏ gây nên.
Nhà máy và người trồng mía không có lãi
Bước vào vụ thu mua mía nguyên liệu năm nay, một số nhà máy đường thông báo giá mua mía tạm tính 800 đồng/kg. Do sức ép về giá đường đang bán tự do trên thị trường chỉ trên dưới 10.000 đ/kg đường từ nguồn đường nhập lậu tràn lan ở Thái Lan về. Trong khi đó 41 nhà máy đường trong nước với tổng công suất 150.000 tấn đường/ngày, sản lượng đường sản xuất ra tiêu thụ không hết, tồn kho nhiều, khó bán.
Tiếp theo, kể từ ngày 01/01/2020 thuế nhập khẩu đường trong khối Asean về 0% càng tạo thêm gánh nặng cho ngành mía đường Việt Nam. Vụ mía năm nay, nếu nông dân chấp nhận bán mía với giá 800 đ/kg thì bình quân 1ha mía cho thu 39.440.000 đồng. Trừ chi phí tất cả các khoản hết ít nhất từ 34.000.000 - 36.000.000 đồng, người trồng mía chỉ thu về được trên 3.000.000 đồng/ha/năm.
Trong số tiền lãi này, có nơi cao hơn, có nơi sẽ thua lỗ, cụ thể ở vùng mía huyện Tân Kỳ, theo ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty mía đường Sông Con: Vụ mía năm 2019 toàn huyện trồng được 6.300ha, năng suất mía dự kiến tối đa 490 tạ/ha. Nếu năng suất này, với giá bán là 800 đ/kg/mía thì người trồng mía có lãi khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, quá ít ỏi.
Diện tích, năng suất và sản lượng mía nguyên liệu ở Nghệ An liên tục giảm. Ảnh: Việt Khánh. |
Còn các nhà máy đường thì sao? Giá mua mía nếu là 800đ/kg cộng với tất cả các chi phí và khấu hao máy móc, giá thành để sản xuất ra 1 kg đường mất khoảng 11.000 - 12.000 đồng. Bình quân 10 mía cho ra 1 đường. Như vậy nhà máy vẫn thua lỗ trên 1.000 đồng/kg đường làm ra. Nhưng, nếu tận dụng các sản phẩm phụ như: mật rỉ, cồn, bã mía làm phân hữu cơ… thì may chăng hòa vốn hoặc có lãi không đáng kể.
Giải pháp nào để cây mía tồn tại và phát triển
Một: Mía là cây trồng hút nước rất mạnh, bình quân 1 cây mía từ trồng đến thu hoạch tiêu tốn 8-10 lít nước. Thiếu nước lóng mía nhỏ, mắt mía to, cây mía cằn cỗi, năng suất thấp, cho dù bón phân nhiều.
Kinh nghiệm từ mô hình chuyển đổi đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng mía ở Công ty nông nghiệp Sông Con ở huyện Tân Kỳ cho kết quả năng suất mía từ 560 tạ/ha tăng lên 920 - 970 tạ/ha, tăng 60 - 70% năng suất.
Từ đó, các huyện, thị, xã, HTXNN hãy mạnh dạn chuyển nhanh, chuyển mạnh cây mía xuống trồng trên đất lúa không chủ động nước tưới để đạt được năng suất cao, có lãi nhiều.
Hai: Thực hiện thâm canh và luân canh cây mía theo quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Mức độ và chi phí đầu tư cho thâm canh cây mía phải cao gấp 1,5 - 2 lần đầu tư thâm canh cây lúa. Đồng thời đất trồng mía sau 3 vụ trồng liên tục thì luân canh sang trồng ở vùng đất khác và sau 3 năm luân canh lại chuyển về trồng lại mía.
Ba: Không nên trồng một giống mía quá lâu trên một vùng đất. Thay đổi giống mía trồng theo hướng năng suất cao, tỉ lệ đường trong thân mía lớn. Một số giống mía mới nên đưa vào trồng như: LK92, KK3, QĐ93, ROC16…; những giống mía này có thể cho năng suất từ 900 - 1.200 tạ/ha.
Bốn: Một trong những chi phí cao cho người trồng mía hiện nay là khâu thu hoạch mía tại ruộng, chi phí này chiếm tới 25 - 30% tổng chi phí cả vụ mía. Vì vậy cần nhanh chóng áp dụng đưa cơ giới vào các khâu làm đất, trồng và thu hoạch càng nhanh càng tốt.
Năm: Về phía các nhà máy chế biến đường cần học tập kinh nghiệm và đưa công nghệ mới vào chế biến hiện đại hơn, ít gây lãng phí và hao hụt đường để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có kế hoạch và biện pháp tận dụng triệt để các phụ phẩm như mật rỉ, cồn, bùn bã mía thành những mặt hàng cho công nghiệp và làm phân bón hữu cơ vi sinh.
Sáu: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và nhất là Ban chỉ đạo chống gian lận thương mại hàng giả (389) cần có biện pháp ngăn ngừa, truy bắt triệt để tệ nạn buôn bán đường trái phép gây hại cho nhà nước nói chung, ngành mía đường nói riêng.