| Hotline: 0983.970.780

Thương thay cũng một kiếp người!

Thứ Sáu 04/05/2012 , 10:48 (GMT+7)

Trong căn nhà vắng lạnh, cụ Đặng Thị Chiểu (93 tuổi, trú tổ 9, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nằm thở hổn hển, đứt quãng, khuôn mặt nhợt nhạt, chân tay run lẩy bẩy,...

Bước vào nhà, không khí ngột ngạt, hôi hám bốc lên. Trong căn nhà vắng lạnh, cụ Đặng Thị Chiểu (93 tuổi, trú tổ 9, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nằm thở hổn hển, đứt quãng, khuôn mặt nhợt nhạt, chân tay run lẩy bẩy, mắt đầy những ghèn…

Thấy người lạ vào nhà mà cụ cũng không hề hay biết gì cả. Lay gọi mãi, cụ mới tỉnh giấc nhưng chỉ đòi uống nước. Trong căn nhà trống tuềnh toàng không kiếm một cốc nước cho cụ, anh bạn phải chạy ra quán nước đầu ngõ mua một bịch sữa đem về...


Căn nhà cụ Chiểu

“Con tui hả?! Sinh được ba đứa thì hai đứa “mất hồn” (bị bệnh Down) rồi. Được một thằng thì nó cũng đã bỏ tui về với ông bà từ lâu rồi còn mô!”. Cụ Chiểu thành thật trả lời trong hơi thở đứt quãng. Chị Thủy Thị Bảy (43 tuổi, hàng xóm cụ Chiểu) cho biết: “Cụ bị bại liệt, 2 đứa con ngu ngơ nên thành ra từng miếng ăn, giấc ngủ và đời sống cá nhân không ai chăm sóc, đành sống nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của bà con chòm xóm! Nhưng chúng tôi cũng nghèo nên đâu có thể giúp gì nhiều được!”.

Chị Hà Thị Phần (45 tuổi, phật tử chùa Giác Nguyên, huyện Thăng Bình) vì xót thương cho hoàn cảnh neo đơn của cụ Chiểu nên thường xuyên đến chăm sóc cụ. Chị cho hay: “Hoàn cảnh cụ đáng thương lắm! Mỗi lúc rảnh rỗi là chúng tôi lại đến mua thức ăn, tắm giặt, dọn dẹp và chăm sóc cho cụ. Cụ ăn uống bữa có bữa không. Trước đây, hằng ngày cụ đều bò, rồi lết hàng mấy cây số ra phố, ra chợ xin ăn vì đôi chân bị bại liệt không thể đi lại được. Nay thì sức yếu quá nên không thể đi xin ăn được nữa!”.


Cụ Chiểu vẫn thường xuyên bò, lết ra phố xin ăn qua ngày

Một đời lăn lộn với nghề bán nước chè tươi để nuôi mình và nuôi 3 đứa con. Nhưng giờ ở tuổi gần đất xa trời, cụ lại phải cam chịu số kiếp đơn côi bên mái nhà hiu quạnh. Ngày lại ngày cụ nằm đấy trong căn nhà vắng lạnh, trong nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng. Sự sống của cụ Chiểu dường như mong đợi vào sự cưu mang, đùm bọc của bà con chòm xóm. Vì bị bại liệt, già yếu nên cụ không thể tự chăm sóc sức khỏe như tắm, giặt, nấu ăn nên nhiều khi bị bỏ đói, cả tuần không tắm, không thay quần áo. Móng tay, móng chân dài cả tấc. Đôi khi, đi vệ sinh cũng phải để đó không ai dọn, bốc mùi hôi thối khó chịu. Ngay cả chỗ ngủ cũng chỉ có tấm chăn rách lót lưng...

Ông Võ Văn Anh, tổ trưởng tổ 9, TT Hà Lam xác nhận: “Hoàn cảnh cụ Đặng Thị Chiểu khốn khó và đơn độc là đúng sự thật. Gia đình cụ đã được chính quyền địa phương xếp vào diện hộ nghèo đặc biệt, luôn được sự quan tâm, ưu ái của lãnh đạo địa phương. Hiện tại cụ được hưởng 180.000 đồng/tháng theo chế độ hỗ trợ người cao tuổi, và chỉ có chừng đó thôi!” 

Hoàn cảnh của cụ đang rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tử Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT; 0710.3845431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm