| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Quảng Ninh thiếu nhân lực chất lượng cao

Thứ Hai 23/10/2023 , 15:03 (GMT+7)

Ngành thủy sản Quảng Ninh hiện còn nhiều khó khăn cần nhanh chóng khắc phục, có thể kể đến vấn đề quản lý tàu cá và đào tạo người lao động.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) tuyên truyền cho ngư dân các quy định về khai thác thủy sản. Ảnh: ĐVCC.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) tuyên truyền cho ngư dân các quy định về khai thác thủy sản. Ảnh: ĐVCC.

Quản lý tàu khai thác

Đến năm 2022, theo số liệu thống kê và rà soát của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, tổng số tàu cá trên toàn tỉnh hơn 6.000 tàu. Trong đó, tàu cá có chiều dài dưới 6m là 1.481 tàu nhưng tàu cá có chiều dài trên 15m là 219 chiếc, chỉ chiếm 3,6%. Có thể thấy rõ sự chênh lệch này tại các khu neo đậu, các cảng cá lớn dọc đường bờ biển Quảng Ninh từ thị xã Đông Triều đến địa đầu Móng Cái.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, người dân sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt ven biển gặp nhiều lợi thế vì biển Quảng Ninh đa dạng phong phú nguồn lợi thủy, hải sản, chỉ cần đi gần bờ cũng có thể kiếm được tiền triệu từ đánh lưới hoặc câu cá nên họ không cần phải đi xa bờ, do đó, tàu cá cỡ lớn ở Quảng Ninh là không nhiều.

“Ngoài ra, thủy hải sản khai thác xong thường được tiêu thụ luôn để đảm bảo độ tươi ngon nên nhiều ngư dân chỉ cần khai thác gần bờ, giảm thời gian đi lại để giữ chất lượng hải sản, cũng như giảm chi phí xăng dầu đi lại”, ông Thắng cho biết.

Thời gian qua, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài. Quảng Ninh đã có khoảng 4.000 tàu đăng ký vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; 210 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; hơn 1.000 tàu cá ký cam kết an toàn thực phẩm và cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Riêng hơn 120 tàu trong tổng số hơn 960 tàu khai thác vùng lộng đang tiếp tục được các địa phương triển khai đăng ký theo quy định. Tàu đánh bắt có chiều dài từ 6-12m thuộc quyền quản lý của các địa phương cấp huyện sẽ được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép.

"Chúng tôi đã cử cán bộ đến từng địa phương để hỗ trợ người dân trong vấn đề đăng ký tàu cá. Thậm chí là cấp giấy đăng ký tạm để thuận tiện hơn trong công tác quản lý tàu khai thác cũng như sản lượng hằng ngày, để từ đó chứng minh được nguồn gốc thủy sản, góp phần xóa "thẻ vàng" của EC trong tương lai”, ông Thắng nhấn mạnh.

Sự chuyển dịch lao động ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sự chuyển dịch lao động ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trình độ lao động thấp

Hiện nay, ngành thủy sản có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 50% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành thủy sản ở Quảng Ninh là không nhỏ. Hiện nay, nhu cầu sản phẩm thủy sản ngày càng tăng, trong khi diện tích nuôi có lợi thế có dấu hiệu bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi lao động phổ thông ngày càng già hóa cũng là bài toán cần được sớm giải quyết. Tại TX Quảng Yên, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Ông Trần Xuân Mừng (xã Liên Hòa, TX Quảng Yên) chia sẻ, những ngư dân bám biển lâu năm đều đã tuổi cao, nhưng thế hệ kế cận lại không mấy ai theo nghề này.

“Lứa trẻ thường chọn đến làm tại các khu, cụm công nghiệp ở thị xã, vì đi biển vất vả, lênh đênh trên biển có khi cả tháng mới về một lần”, ông Mừng cho biết.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, sự chuyển dịch lao động ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản của địa phương.

"Hiện nay, tại các trang trại nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, người lao động phần lớn là người dân tộc miền núi, người Dao có, người Sán Chỉ có. Đây là một thách thức về đào tạo. Đối với nguồn lao động này phải đào tạo lại để quen với môi trường biển, quen với sóng nước, quen với vật nuôi của thủy sản, vì người lao động ở vùng cao chưa nắm bắt được điều này", ông Thắng phân tích.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng cho rằng những thách thức về cơ hội về thị trường, những điểm khó của thị trường, thách thức đối với sự chuyển dịch và cơ cấu về lao động trong nội ngành là những vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải giải quyết, cụ thể là vấn đề về con người. Giải quyết được khâu này chúng ta sẽ giải quyết được khâu khác.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tổng số lao động nuôi trồng thủy sản năm 2022 khoảng 13.000 người, phần lớn lao động có trình độ lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn chưa cao. Lao động có trình độ kỹ thuật (đào tạo từ sơ cấp trở lên) chiếm khoảng 25% tổng số lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phần lớn là lao động mùa vụ, phổ thông, lao động từ khu vực miền núi, thiếu lao động có tay nghề cao.

6 tháng đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) đã tổ chức hơn 1.700 lượt phương tiện với hơn 6.800 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, kết hợp tuyên truyền cho ngư dân các quy định về khai thác thủy sản. Qua đó đã bắt giữ, xử lý 24 vụ/24 phương tiện, 31 đối tượng khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Bình Ngọc - Trà Cổ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 293 triệu đồng, tiêu hủy tang vật 7 bộ kích điện khai thác thủy sản tận diệt.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.