| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng, lợi thế chăn nuôi bò thịt, bò sữa của Thủ đô

Thứ Bảy 26/03/2022 , 17:42 (GMT+7)

Là Thủ đô song Hà Nội vẫn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò do một số huyện có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông...

 Nhu cầu rộng mở

Là Thủ đô song Hà Nội vẫn có nhiều tiếm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt do một số huyện có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu giành cho chăn nuôi bò (như Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín...).

Hiện nay, tổng đàn bò toàn Thành phố hơn 130 nghìn con, trong đó đàn bò sữa gần 15 nghìn con. Với dân số khoảng trên 10 triệu người thường xuyên có mặt sinh sống và làm việc, Hà Nội hiện đang là trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của vùng ĐBSH và các tỉnh phía Bắc.

Hội thi dẫn tinh viên giỏi đã tạo niềm say mê hơn cho công tác cải tạo đàn bò của ngành chăn nuôi - thú y Hà Nội. Ảnh: CNHN.

Hội thi dẫn tinh viên giỏi đã tạo niềm say mê hơn cho công tác cải tạo đàn bò của ngành chăn nuôi - thú y Hà Nội. Ảnh: CNHN.

Ước tính, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Thành phố khoảng 320 nghìn tấn/năm (gần 900 tấn/ngày); trong khi đó sản xuất chăn nuôi của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra của Thành phố hơn 10 nghìn tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu thịt bò. Sản lượng sữa bò tươi đạt 38,6 nghìn tấn, mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô.

Như vậy, dư địa cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt của Hà Nội vẫn còn rất lớn. Vài năm trở lại đây, khi chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, việc chú trọng phát triển đàn gia súc lớn sẽ là hướng đi đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp chiến lược góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò, sữa bò cho người dân Thủ đô.

Đột phá từ cải tạo giống bò

Nhìn lại Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố, trước năm 2010, tổng đàn bò trên địa bàn Thành phố khoảng 149 nghìn con, trong đó bò sữa 7,7 nghìn con, còn lại là bò thịt và bò sinh sản. Gian đoạn này, chủ yếu là các giống bò có năng suất, chất lượng thấp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về thăm mô hình nuôi bò BBB tại xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) năm 2020. Ảnh: Minh Phúc.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về thăm mô hình nuôi bò BBB tại xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) năm 2020. Ảnh: Minh Phúc.

Đối với bò sữa, sản lượng sữa chỉ đạt dưới 4 nghìn lít/chu kỳ. Đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm 70% (các giống chủ yếu là bò lai Sind), tỷ lệ bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mới đạt khoảng 34%.

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo bò miễn phí, Hà Nội đã đưa các giống bò mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chất lượng đàn bò đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò sữa đạt 100%, đàn bò thịt đạt 80%.

Hàng năm, Hà Nội cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 con bê sữa, 55.000 bê thịt các loại. Cụ thể đối với bò thịt, đã đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào lai tạo (Brahman, Droghmatterr, BBB, Charolai, Angus, Wagyu ...). Nâng khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) từ 220 - 300 kg/con (bò vàng) tăng lên 350 - 380 kg/con (bò lai sind) và đến nay khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao (BBB, Charolai, Angus, Wagyu) đã tăng lên 480 - 650 kg/con, nâng tỷ lệ thịt xẻ từ 43% lên 63%.

Nhìn chung, các giống bò mới đã mang lại hiệu qủa kinh tế cho người chăn nuôi thêm từ 3 - 6 triệu đồng/bê. Ngoài ra, công tác cải tạo đàn bò cái nền bằng tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn Hà Nội.

Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò chất lượng cao của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội. Ảnh: Lê Bền.

Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò chất lượng cao của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội. Ảnh: Lê Bền.

Đối với bò sữa, đã đưa tinh phân ly giới tính để từng bước cải thiện đàn bò sữa hiện nay, chọn lọc nâng cao năng suất sữa. Kết quả cho thấy tỷ lệ bê cái sinh ra từ tinh phân ly giới tính đạt 90%, sản lượng sữa bình quân đạt 5.500 kg/con/chu kỳ (cao hơn 600 kg/con/chu kỳ so với sản lượng sữa bình quân của đàn bò sữa sinh ra từ tinh bò sữa thường).

Như vậy, nếu chăn nuôi bò sữa được sinh ra từ tinh phân ly giới tính, hiệu quả mang lại tăng thêm từ 6 - 8 triệu đồng/con/chu kỳ do sản lượng sữa tăng lên.

Bên cạnh thành tựu đạt được, công tác phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt còn có những khó khăn, hạn chế, đặc biệt trong xu thế hội nhập, người chăn nuôi do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên thường không chăn nuôi bò đến khi giết thịt mà chủ yếu bán bê ngay sau khi sinh ra, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao.

Các hộ đa phần còn sử dụng thức ăn tận dụng, chưa áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao (sử dụng thức ăn hỗn hợp TMR, TMF...) trong chăn nuôi bò. Trên địa bàn Thành phố chưa có doanh nghiệp đầu tư sản xuất thức ăn hỗn hợp giành cho bò sữa, bò thịt.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp. Dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò còn hạn chế, dẫn tới thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò vào mùa đông.

Còn nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục đất đai nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là chế biến sâu các sản phẩm từ thịt bò, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm từ bò sữa bò thịt còn hạn chế, chưa tương ứng với xu thế hội nhập quốc tế.

Phát triển chăn nuôi bò sữa,  bò thịt thời gian tới 

Đối với đàn bò sinh sản, phát triển theo hướng tăng chất lượng và khối lượng đàn cái sinh sản. Đưa trọng lượng đàn bò nái sinh sản tăng thêm 10% so với hiện nay (bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giữa đàn bò cái nền với tinh bò Senepol).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải) thăm một cơ sở chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải) thăm một cơ sở chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với đàn bò thịt, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp lai tạo với tinh bò chất lượng cao (BBB, Chaorolais, Inra 95 ...), nâng khối lượng của bò thịt trưởng thành (24 tháng tuổi) tăng 15 - 20%.

Đối với bò sữa, tăng dần tỷ lệ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) theo hướng tiệm cận với chất lượng giống thuần chủng (đàn bò sữa có tỷ lệ máu lai 7/8 trở lên chiếm trên 90%). Năng suất sữa đạt 5.500 kg/con/chu kỳ trở lên (tương đương tăng 10%/con/chu kỳ trở lên).

Ngoài ra, còn phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi liên kết.

Qua đó, góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển hiệu quả, bền vững.

Một số giải pháp trọng tậm 

Thông tin tuyên truyền và đào tạo kỹ thuật, đặc biệt truyên truyền sâu rộng các chính sách của Thành phố về hỗ trợ giống, xử lý môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đâu tư xây dựng liên kết chuỗi.

Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển đàn bò trong thời gian tới. Ảnh: ST.

Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển đàn bò trong thời gian tới. Ảnh: ST.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y. Tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp dành riêng cho chăn nuôi bò (TMR, TMF ...).

Đồng thời, đào tạo đội ngũ quản lý từ cấp Thành phố đến các địa phương, nhất là các huyện thuộc vùng phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt để thức hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giống, thức ăn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi bò.

Đào tạo đội ngũ kỹ thuật giỏi tay nghề về thụ tinh nhân tạo, tiến tới nâng cao trình độ chuyên sâu từ thụ tinh nhân tạo đến cấy truyền phôi áp dụng thời gian tới. Tiếp tục tổ chức các hội thi về dẫn tinh viên giỏi, thi bò sữa bò thịt để động viên khuyến khích người chăn nuôi, kết nối thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các  trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Tăng cường xúc tiến thương mại và liên kết chuỗi, phát triển rộng mô hình các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt liên kết chặt chẽ với 10 tỉnh ĐBSH trong việc cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh, thành.

Bên cạnh bò thịt, Hà Nội cũng có nhiều tiềm năng để phát triển bò sữa. Ảnh: ST.

Bên cạnh bò thịt, Hà Nội cũng có nhiều tiềm năng để phát triển bò sữa. Ảnh: ST.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm để tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh với phương châm phòng là chính, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tập trung hướng dẫn các cơ sở xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra đối với bò sữa, bò thịt (lở mồm long móng, viêm da nổi cục...).

Chuyển đổi đối tượng vật nuôi chủ lực phù hợp vùng, miền sinh thái, rà soát từng đối tượng vật nuôi để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn nhu cầu phát triển sản xuất của từng vùng, từng phân khúc thị trường; sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn Thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia theo quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm