| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng và thế mạnh của OCOP Nghệ An

Thứ Tư 25/11/2020 , 08:14 (GMT+7)

Là một trong những địa phương triển khai sớm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay đã có hàng trăm đơn vị đăng ký tham gia xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 Tiềm năng rộng lớn

   Thực tế từ lâu Nghệ An đã có hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng. Các sản phẩm từ các làng xã tuy phẩm cấp chất lượng đã đạt đến tiêu chuẩn chất lượng cao, nhưng chưa mang được thương hiệu tầm Quốc gia. Dẫu vậy, thực khách nội địa rất mến mộ ưa dùng, không những thế mà du khách khi đến Nghệ An vẫn không thể quyên mua các sản phẩm như nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, lươn đồng, vịt bầu, chè xanh, rượu mua từn, hương trầm, đồ thổ cẩm…

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thưởng thức các sản phẩm đạt 4 sao OCOP của Cty CP Dược liệu Pù Mát. Ảnh: V.Khánh

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thưởng thức các sản phẩm đạt 4 sao OCOP của Cty CP Dược liệu Pù Mát. Ảnh: V.Khánh

Có thể nói từ miền xuôi cho đến trung du, rồi ngược lên đến cả những làng bản rẻo cao xa xôi, đâu đâu ta cũng thấy những sản phẩm quý giá và đặc trưng, không thể nào lẫn lộn. Ở miền biển có cá thu Cửa Hội, tôm nõn Diễn Châu, nước mắm Vạn Phần, trung du có nhút có tương, bột sắn dây, cam Vinh, bưởi hồng, gà đồi “chạy bộ’’. Ngược miền biên viễn có cá mát sông Giăng, vịt bầu Quế phong…

Thực hiện chương trình OCOP theo Quyết định 729QĐ/UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Nghệ An, hiện các huyện đã và đang tập trung tuyên truyền về tính hiệu ích khi xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nhiều địa phương cũng đang lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để trình Hội đồng cấp tỉnh đánh giá phân cấp.

Huyện Nghĩa Đàn đã chọn lựa được 4 sản phẩm: Cam Nghĩa Bình, Dưa lưới Nghĩa An, ổi Nghĩa Lâm và dầu sở Việt An ở Nghĩa Lộc. Thị xã Thái Hòa chọn lựa tinh bột nghệ, mật ong Tây Hiếu, mật mía Nam Cường. Tân Kỳ phát triển sản phẩm dê. TX Hoàng Mai có tinh bột nghệ, cá thu. Con Cuông xây dựng làng nghề mây tre đan. Qùy Châu chọn mặt hàng dệt thổ cẩm…  

Hiện Nghệ An có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm, nhưng mới có 49 sản phẩm có đăng ký công bố  tiêu chuẩn chất lượng và 32 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Nhìn chung các sản phẩm phong phú, đa dạng, nhưng phần lớn còn phát triển một cách nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư tập trung, chưa xứng tầm với tiềm năng sẵn có. Thế cho nên triển khai chương trình OCOP gắn liền với mục tiêu xây dựng NTM là việc làm rất cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, ghóp phần phát triển kinh tế nông thôn.

 Tuy nhiên, để xây dựng các sản phẩm tiềm năng sớm trở thành thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cấp Quốc gia thì cần có sự chung tay giúp đỡ của chính quyền và các cấp. Phải thực hiện đúng theo QĐ 729 của UBND tỉnh: “Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách thực hiện, hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”

Thế mạnh

 Theo ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An thì chương trình OCOP ở địa phương thực sự đã đi vào cuộc sống. Chương trình đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến phường, xã cùng chung tay vào cuộc. Theo kế hoạch đến hết năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 90 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đạt 3 sao trở lên. Hiện đã có 48 sản phẩm được UBND tỉnh cấp phép đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao, và 33 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Các sản phẩm cam, ổi, dưa lê, dầu sở của huyện Nghĩa Đàn được lựa chọn tham gia OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hồ Quang

Các sản phẩm cam, ổi, dưa lê, dầu sở của huyện Nghĩa Đàn được lựa chọn tham gia OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hồ Quang

15 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh thực sự đã có sức lan tỏa đến với mọi miền trên toàn Quốc. Đó là: Nước mắm Vạn Phần ở Diễn Châu. Chả cá trích ở TX Hoàng Mai. Đậu tương lên men, tảo xoắn, rượu đông trùng hạ thảo, rượu mú từn ở Quỳnh Lưu. Tương Nam Sa Nam Đàn. Trà túi lọc cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc giảo cổ lam ở Pù Mát (Con Cuông). Trà linh chi ATC, nấm linh chi ATC ở TP Vinh. Chè xanh, hương trầm Thanh Chương và dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến, Qùy Châu.

Mục tiêu của chương trình OCOP Nghệ An: “Tiếp tục cũng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP. Đến năm 2030 có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó có ít nhất 10 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu). Phát triển 4- 5 làng nghề du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP” theo QĐ 729/ QĐ-UBND của UBND tỉnh. 

 Trao đổi với chúng tôi về tính hiệu quả của sản phẩm OCOP sau khi đã được gắn sao, Giám đốc Cty CP Dược liệu Pù Mát ông Phan Xuân Diện cho biết: Đơn vị chúng tôi bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất dược liệu từ năm 2017, tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tuy nhiên người tiêu dùng chưa biết hết tính hiệu quả khi sử dụng dược liệu để bảo vệ sức khỏe, do vậy sản phẩm làm ra chưa khai thác hết tiềm năng vùng nguyên liệu.  Thế nhưng kể từ đầu năm 2020 cho đến nay, sau khi các sản phẩm trà túi lọc cà dây leo, trà túi lọc dây thìa canh và trà túi lọc giảo cổ lam được UBND tỉnh công nhận gắn mác tiêu chuẩn đạt 4 sao thì sức lan tỏa của sản phẩm đã “ phủ sóng” đến mọi miền trên toàn quốc.

Riêng Cty CP Dược liệu Pù Mát đã được Sở Công thương Nghệ An hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm gồm thiết kế lô gô, bao bì, nhãn mác và xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược phát triển kinh tế Cty. Ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư 30% nguồn vốn bằng 400 triệu đồng để Cty mua sắm máy sấy dược liệu bằng công nghệ bơm nhiệt. Chương trình Khuyến công Quốc gia hỗ trợ 30% nguồn vốn, bằng 700 triệu đồng để Cty mua sắm thiết bị máy móc làm cao dược liệu.

  Như vậy việc đánh giá và gắn sao cho các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn thực sự đã thúc đẩy nền sản xuất phát triển đi lên. 15 sản phẩm 4 sao ở Nghệ An đã có sức lan tỏa lớn. Không những thế, mà 33 sản phẩm 3 sao cũng đã củng cố được niềm tin lớn đối với thị trường. Trong đó có những sản phẩm như rau mùi tàu 3 sao ở xã Diễn Thái, Diễn Châu; cam quả xã Tân Phú, trứng gà xã Nghĩa Hoàn… sản xuất đến đâu đều được người tiêu dùng mua hết đến đó.

Bên cạnh tiềm năng rộng lớn về các sản phẩm đặc trưng, thì thế mạnh trong tiến trình phát triển OCOP ở Nghệ An là du lịch. Nghệ an có cảnh quan non xanh nước biếc như tranh họa đồ, hàng năm lượng du khách trong nước và nước ngoài tập trung về tham quan du lịch, nghĩ dưỡng là rất lớn. Đây cũng là cơ hội lớn để Nghệ An giới thiệu quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn hai sản phẩm nước mắm Vạn Phần và chả cá trích Hoàng Mai đạt mấy sao?

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.