Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương tỉnh Tiền Giang đã tập trung hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại.
Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm qua các hội chợ, diễn đàn, bên cạnh đó hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm này theo quy định nhận diện thống nhất của Bộ Công thương. Đồng thời, đang hỗ trợ 3 điểm ở các huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của tỉnh để gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt quyết khởi nghiệp từ nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thừa Thiên Dược Thành (tại TP Mỹ Tho) là một doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa. Hiện nay, doanh nghiệp này đã có 3 sản phẩm trong số 5 sản phẩm trà thảo dược được công nhận OCOP 3 sao gồm: Trà Bôm Bốp Dược Vương Cung, trà Cốt Vương, trà Vương Hùng Thảo. Riêng sản phẩm trà Gan Bôm Bốp còn được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận “sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023".
Anh Lê Vương Quốc Hùng, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, sản phẩm OCOP đã tạo được niềm tin nơi khách hàng, qua đó giúp doanh số bán hàng của công ty tăng lên nhiều hơn. Thông qua giao dịch online, mỗi tháng doanh nghiệp Thừa Thiên Dược Thành cung ứng cho khách hàng hơn 1.000 hộp trà các loại.
Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang, sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương.
Ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây đánh giá, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
“Qua đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 20-30%. Chương trình OCOP góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng, đặc sản ở các địa phương. Đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thiết thực tạo ra nguồn lực nội sinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Lê Văn Nê thông tin.