| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Sản phẩm OCOP có mặt trong các giỏ quà Tết

Thứ Ba 24/01/2023 , 07:42 (GMT+7)

Tiền Giang Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 174 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều mặt hàng có mặt trong các giỏ quà Tết Quý Mão 2023.

Sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có mặt trong các giỏ quà Tết. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có mặt trong các giỏ quà Tết. Ảnh: Minh Đảm.

Có mặt trong các giỏ quà Tết

Tại tỉnh Tiền Giang, nhờ tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà đầu ra của sản phẩm ngày càng triển vọng hơn, nhất là những ngày cận Tết cổ truyền Quý Mão 2023. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) cho hay: Lượng hàng hóa sản xuất phục vụ nhu cầu làm quà tặng ngày Tết tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Bên cạnh sản phẩm truyền thống yến sào, tổ yến doanh nghiệp đã tung ra thị trường các dòng sản phẩm mới như: Yến lon, bánh yến… Hiện công ty có gần 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP nên khi đưa vào các giỏ quà được các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ nhiều. Các giỏ quà có giá từ 350.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng, tùy theo lựa chọn của khách hàng.

Những ngày Tết đến, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) nhận cung ứng các giỏ quà từ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh với giá chỉ từ 300.000 đồng. Trong đó có sản phẩm sữa dê sấy đạt chuẩn OCOP của HTX. Vì thế, những ngày trước Tết HTX đã tăng cường sản xuất mặt hàng này để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã công nhận 174 sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã công nhận 174 sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đảm.

Còn theo chia sẻ của ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch huyện Gò Công Tây: Hiện nay, huyện Gò Công Tây có 32 sản phẩm được công nhận. Những ngày sắp Tết, trong giỏ quà được bán, tặng tại huyện đều có sản phẩm OCOP. Cụ thể như sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thiên Ân (xã Long Vĩnh); các loại mắm truyền thống vùng Gò Công của Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây)…

Là một trong những sản phẩm được công nhận OCOP đầu tiên và được tái công nhận, chị Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Cơ sở sản xuất Mắm tôm Chà Bà Hai Diễm bày tỏ tình cảm và những lợi thế trong kinh doanh khi sản phẩm được công nhận. Theo chị các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ bởi sản phẩm được chứng nhận, khẳng định thương hiệu. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm tăng thêm hàng trăm triệu đồng so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

Tiền Giang có 174 sản phẩm OCOP được công nhận

Mới đây, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Sở NN-PTNT, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tổ chức Hội nghị công bố và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang đợt 2 và đợt 3 năm 2022. Cụ thể, đợt 2 có 29 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và nâng hạng 4 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao của 22 chủ thể sản xuất (15 sản phẩm hạng 4 sao và 18 sản phẩm hạng 3 sao). Đợt 3 có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và xếp hạng lại 1 sản phẩm của 19 chủ thể sản xuất (6 sản phẩm hạng 4 sao và 21 sản phẩm hạng 3 sao).

Trao chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 2,3 năm 2022 cho các chủ thể. Ảnh: Minh Đảm.

Trao chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 2,3 năm 2022 cho các chủ thể. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 174 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao với 69 chủ thể tham gia. Theo ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây để phát huy hiệu quả chương trình OCOP, thời gian tới huyện Gò Công Tây gắn kết chương trình với quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong ngoài tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, khuyến khích các chủ thể chú trọng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa cải tiến mẫu mã, bao bì vừa đẹp vừa tiện ích cho người tiêu dùng, đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị phục vụ bà con một cách rộng rãi…

Còn theo anh Lê Thành An, đại diện Quân khu 9, nơi có 7 sản phẩm được công nhận OCOP cho biết, tại trại rắn Đồng Tâm có quầy trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm tại khu du lịch Trại rắn Đồng Tâm, các chủ thể có sản phẩm OCOP có thể tham gia cùng Quân khu 9 để được lan tỏa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng bày tỏ niềm vui mừng khi thấy các sản phẩm được công nhận có tính đa dạng, sử dụng nguyên liệu trong và ngoài nước, mẫu mã đẹp. Ông mong rằng việc lan tỏa các doanh nghiệp làm sản phẩm OCOP, dành không gian trưng bày, quảng bá cho sản phẩm OCOP ở các siêu thị, liên minh Hợp tác xã dành điểm để trưng bày và kinh doanh sản phẩm; không gian rộng rãi của HTX Trí Sơn để tham quan du lịch. Ông cũng cho rằng người tiêu dùng đã có niềm tin vào sản phẩm OCOP. Vì vậy, các chủ thể không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng; liên kết, hợp tác, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; chủ động nguồn nguyên liệu…để sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Sở NN-PTNT, UBND tỉnh và đặc biệt là lãnh đạo huyện cần hỗ trợ vốn, giúp các chủ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các sản phẩm được công nhận và tiêu thụ trên thị trường không chỉ trong nước và cả quốc tế.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.