| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Lý Quí Trung cổ vũ khởi nghiệp thời kỳ bình thường mới

Chủ Nhật 31/10/2021 , 15:12 (GMT+7)

Tiến sĩ Lý Quí Trung vừa xuất bản cuốn sách ‘Start-up trong thời kỳ bình thường mới’ khuyên những người đang muốn khởi nghiệp không nên rụt rè vì Covid-19.

Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Lý Quí Trung.

Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Lý Quí Trung.

Tiến sĩ Lý Quí Trung năm nay 55 tuổi, từng khởi nghiệp với thương hiệu Phở 24. Tiến sĩ Lý Quí Trung được xem là người tiên phong trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Ngoài công việc giảng dạy ở bậc đại học, Tiến sĩ Lý Quí Trung cũng có đã viết những cuốn sách truyền cảm hứng cho giới trẻ kinh doanh như “Mua Franchise”, “Xây dựng thương hiệu” hoặc “Bầu trời không chỉ có màu xanh”.

Khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Tiến sĩ Lý Quí Trung dùng thời gian giãn cách để suy ngẫm về cơ hội và thách thức của đại dịch toàn cầu, mà viết cuốn sách “Start-up trong thời kỳ bình thường mới”. Tiến sĩ Lý Quí Trung thổ lộ: “Tôi chợt nhận ra khi dịch bệnh đến như thế này thì mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều, không còn như xưa nữa. Nên các công ty chắc chắn phải được vận hành khác đi mới tồn tại và phát triển được. Và tôi quan tâm nhiều đến các thế hệ trẻ doanh nhân đi sau, nhất là những người mới bước chân vào con đường kinh doanh đầy gian nan nhưng cũng nhiều phần thưởng từ vật chất đến tinh thần - nếu thành công.

Cuốn sách “Start-up trong thời kỳ bình thường mới” được Tiến sĩ Lý Quí Trung viết theo kiểu vừa chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, quan điểm cá nhân, vừa rút tỉa những lý luận hay kiến thức về khởi nghiệp đã được những người khác chia sẻ hay đúc kết lại, đặc biệt là từ các doanh nhân đã chứng minh thành công trên trường quốc tế. Cuốn sách có thể giúp các bạn trẻ rút ngắn con đường đi đến thành công, hay ít ra là giảm thiểu bớt “sát thương” khi khởi nghiệp.

Có một câu hỏi không ít người trong giới khởi nghiệp hiện nay thắc mắc: Liệu thời kỳ Covid-19 hay hậu Covid-19 có phải là thời điểm tốt để khởi nghiệp hay không? Đa số sẽ trả lời là không hoặc phải ngập ngừng suy nghĩ, vì đây là thời kỳ kinh tế Việt Nam và thế giới đang suy thoái. Tuy nhiên một số khác lại cho rằng chính lúc khó khăn như vậy mới là lúc cơ hội tuyệt vời nhất xuất hiện. Thế giới đã chứng kiến các câu chuyện thành công của các tên tuổi huyền thoại như 3M, Apple, Disney, Rent-A-Car, CNN, Exxon Mobil, FedEx, General Electric, Hyatt, Johnson & Johnson, Microsoft… ra đời đúng ngay thời kỳ khó khăn nhất. Vì khi mọi người ngừng hoặc đi chậm lại là lúc các tên tuổi này nhấn ga bức phá.

Tiến sĩ Lý Quí Trung đưa ra ví dụ cụ thể: Tay đua xe đạp bậc nhất Sài Gòn thập niên 40 của thế kỷ trước là Lê Thành Các đã làm đúng điều này để trở thành huyền thoại “độc nhất vô nhị” của làng đua xe đạp Việt Nam. Đó là khi mọi người cẩn thận đổ đèo bằng trớn thì ông lại nhấn bàn đạp hết tốc lực! Nhiều người cùng thời kể lại là riêng khoản đổ đèo thì cua-rơ này vô cùng độc đáo, gần như không còn đạp xe nữa mà là bay xe vòng vèo qua các khúc cua cùi chỏ vô cùng nguy hiểm. Báo chí phải gọi ông là “phượng hoàng” Lê Thành Các, nhà vô địch lẫy lừng một thời.

Kinh doanh hay khởi nghiệp ở một khía cạnh nào đó cũng như một cuộc đua, người chiến thắng luôn phải là người độc đáo nhất ở một khía cạnh nào đó, và việc chọn thời điểm khó khăn nhất để bắt đầu và tăng tốc cũng là một trong số đó. Dĩ nhiên trường hợp thành công lúc nào cũng ít hơn rất nhiều so với trường hợp thất bại mà theo con số thống kê của Đại học Harvard thì tỷ lệ thất bại của các startup trong điều kiện kinh tế bình thường đã là 75%…

Với cuốn sách “Start-up trong thời kỳ bình thường mới” dày 248 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành, Tiến sĩ Lý Quí Trung lưu ý: Lấy mục tiêu hàng đầu là kiếm thật nhiều tiền, chắc chắn không phù hợp và rủi ro hơn mức rủi ro cho phép đối với các nhà khởi nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác cũng được cho là “không chính đáng” để khởi nghiệp nhưng lại khá phổ biến hiện nay. Ví dụ như ra riêng khởi nghiệp do chán chường cái công việc mình đang làm ở các công ty lớn, hay thậm chí ghét quá các ông bà sếp hiện nay của mình! Động lực khởi nghiệp kiểu này thì sớm muộn gì mình cũng sẽ ghét luôn chính mình, vì dong thuyền ra biển lớn mênh mông chưa bao giờ là một chuyến du lịch để giải sầu…

Cuốn sách 'Start-up trong thời kỳ bình thường mới' vừa ấn hành lúc Việt Nam bình thường mới. 

Cuốn sách "Start-up trong thời kỳ bình thường mới" vừa ấn hành lúc Việt Nam bình thường mới. 

Một trong những vấn đề được Tiến sĩ Lý Quí Trung nhấn mạnh ở “Start-up trong thời kỳ bình thường mới”là nguồn lực tài chính để khởi nghiệp. Điều gì xảy ra nếu một người muốn khởi nghiệp mà không có tiền và không thể huy động được từ bất cứ ai? Câu trả lời thật đơn giản, là việc khởi nghiệp đó chưa chín mùi, chưa thể tiến hành được, vì rõ ràng cỗ máy startup vẫn còn thiếu nhiên liệu để vận hành. Không có tiền, không có bột thì làm sao gột nên hồ!

Theo Tiến sĩ Lý Quí Trung, để huy động được vốn hiệu quả thì nhà sáng lập cần phải sở hữu cùng một lúc cả hai thứ quan trọng sau đây: Ý tưởng kinh doanh độc đáo và khả năng thuyết phục người khác rất giỏi. Người khác ở đây là bạn bè, người thân, các nhà đồng sáng lập, các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các tổ chức có quan tâm đến việc khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp.

Về lý thuyết, có rất nhiều nguồn vốn có thể tiếp cận, nhưng trên thực tế tuỳ theo đặc thù của mỗi startup cũng như mức độ phát triển của mỗi nền kinh tế khác nhau mà các nguồn đó có phổ biến và khả thi hay không.

Tại Việt Nam phong trào khởi nghiệp dường như chỉ mới bùng nổ trong những năm gần đây, do đó có những nguồn vốn tuy khá phổ biến ở nước ngoài nhưng trong nước thì chỉ vừa thai nghén hay trong giai đoạn hình thành ban đầu. Tại Úc có những khoản tiền trợ cấp không hoàn lại của chính phủ (government grants) dành cho các startup trong thời kỳ rất sơ khai nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra công ăn việc làm và kích thích nền kinh tế - dĩ nhiên là thủ tục không hề đơn giản. Tương tự đối với các chương trình cho startup vay của ngân hàng, mức lãi suất cũng thân thiện hơn nhiều so với các nỗ lực còn chịu nhiều giới hạn của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Mượn tiền có thế chấp còn nhiêu khê, nói chi là không có.

Suy cho cùng muốn khởi nghiệp ở Việt Nam hay bất cứ nước nào trên thế giới, cơ bản nhất vẫn là phải có tiền trong tay, từ chính mình hay từ những người thân xung quanh. Còn huy động được các khoản trợ cấp của chính phủ hay các khoản đầu tư, cho vay ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hay bất cứ tổ chức nào chỉ nên xem như là một phần thưởng cộng thêm. Sau khi có nguốn vốn ban đầu để khởi nghiệp rồi, thì nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư chiến lược sẽ là các nguồn khả thi tiếp theo.

Xem thêm
Nỗi đau lặng thầm!

Có lẽ không nỗi đau nào lớn hơn cảm giác bị phản bội bởi người mình yêu thương và tin tưởng nhất. Ngày tôi phát hiện chồng mình ngoại tình, mọi thứ như sụp đổ.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?