| Hotline: 0983.970.780

Tiền tỉ trải trên gò đồi sỏi cát

Thứ Năm 03/02/2022 , 08:20 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Từng là xã "nghèo điển hình" với những gò đồi sỏi cát, nhờ trồng rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, xã Trường Thủy đã bật lên thành xã của những những tỉ phú…

Tiền tỷ không còn là giấc mơ hoa

Về xã Trường Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) trong một ngày cuối đông, sau chuỗi ngày mưa lạnh, trời chợt hửng nắng. Cái nắng vàng ươm trải trên từng lối đi qua những ngôi nhà cao tầng còn thơm mùi sơn mới.

Từ trồng rừng, người dân xã Trường Thủy bứt phá làm giàu bền vững. Ảnh: Q.B

Từ trồng rừng, người dân xã Trường Thủy bứt phá làm giàu bền vững. Ảnh: Q.B

Nhà có khách, anh Trần Văn Trường (thôn Văn Thủy, xã Trường Thủy) vồn vã mời vào nhà uống nước. Ngôi nhà mới được xây cất theo kiểu biệt thự như ngời lên trong cái nắng cuối chiều. Không giấu diếm, anh Trường cho hay chi phí làm nhà hết tỷ rưỡi (1,5 tỷ đồng).

“Đó là chưa kể gỗ lạt tui mua chuẩn bị trước chứ tính hết thì thêm vài trăm triệu nữa”, anh Trường nói. Chị Lê, vợ anh Trường bưng lên một dĩa lớn đựng đầy trái chuối, ổi mời khách. Chị bảo của nhà làm ra đấy, rồi góp chuyện: "Nhà có hơn 20ha rừng trồng keo. Mỗi năm tiết kiệm được chút. Ngoài tiền làm nhà thì cũng còn lưng vốn nữa chớ. Tất cả nhờ vào trồng rừng cả đấy thôi”.

Lần theo câu chuyện kể mới hay, hiện Trường Thủy có khoảng 1.500 hộ dân và diện tích rừng trồng (chủ lực là keo tràm) có trên 4.500ha. Ông Trường nhẩm tính: “Ở đây, trung bình mỗi hộ có đến 3ha đất rừng, nếu tính cho cả chu kỳ trồng rừng thì mỗi năm thu về 60 triệu đồng/ha”.

Trước đây, nói đến Trường Thủy, người ta nghĩ ngay tới xã "đói nghèo điển hình". Những năm đó, hộ nghèo của địa phương này chiếm đến trên 50% tổng số hộ. Rồi chuyện giao đất, giao rừng như làn gió mới thổi qua vùng bán sơn địa với những vùng đồi khô cằn, cây bụi này. Mồ hôi, nước mắt người dân đổ xuống cho những cánh rừng đầu tiên mọc lên.

Những 'tỉ phú rừng' ở Trường Thủy đang dần chuyển hướng sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Tâm Phùng.

Những "tỉ phú rừng" ở Trường Thủy đang dần chuyển hướng sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Tâm Phùng.

Khi trồng hết diện tích đất trong xã, nhiều bà con mạnh dạn mua, thuê đất của địa phương khác để trồng rừng. Sau hơn 10 năm lăn lộn với đất đồi sỏi đá cùng với cây keo tràm, người dân Trường Thủy đổi đời thực sự.

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 54 triệu đồng/người. “Năm nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng thu nhập bình quân vẫn tăng thêm lên 54,3 triệu đồng/người. Trong năm 2021, toàn xã có gần trăm hộ làm nhà mới. Trị giá mỗi nhà cũng hai, ba tỷ đồng. Tất cả đều nhờ rừng mà có”, ông Tình hồ hởi.

Về thôn Giang Sơn (xã Trường Thủy) bây giờ, ô tô đắt tiền đỗ trong sân lát đá biệt thự đã là chuyện thường. “Chị trước, em sau”, thôn Văn Thủy cũng bừng lên sắc thế mới từ rừng.

Ông Nguyễn Văn Đức, một hộ dân trồng rừng ở thôn Giang Sơn nhẩm tính, thu nhập từ rừng trồng ở Trường Thủy hiện nay cầm chắc khoảng 90 tỷ đồng/năm; số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm ước không dưới 500 hộ; thu trên 200 triệu đồng/hộ/năm có khoảng 500 hộ. “Nhiều hộ có từ 100ha đến 200ha rừng cho thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng chứ chẳng phải đùa đâu”, ông Đức khoe.

Từ vùng đồi trơ sỏi sát, những cánh rừng ở Trường Thủy đã trở thành 'lá phổi xanh'. Ảnh: Q.B.

Từ vùng đồi trơ sỏi sát, những cánh rừng ở Trường Thủy đã trở thành "lá phổi xanh". Ảnh: Q.B.

Khi đã có của ăn của để dư dả, vốn trường, nhiều người dân xã Trường Thủy đã tính toán đến việc trồng rừng gỗ lớn, bởi họ không còn phải lo chuyện "lấy ngắn nuôi dài". Điển hình như ông Đức hiện có khoảng 60ha rừng. Ông tính toán, mỗi năm có khoảng 15ha rừng được thu hoạch. “Như vậy, chuyển khoảng 20ha vào trồng rừng gỗ lớn thì thu nhập sẽ cao hơn nhiều vì tiết kiệm được chi phí như cây giống, công lao động, ông tính toán.

Ở Trường Thủy, tỷ phú rừng trồng nhiều vô kể, rảo qua như hộ các ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Nguyễn Văn Thánh, Trần Công Tư, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Chiến, Nguyễn Thị Mỹ… Các hộ này đều có diện tích rừng trên 50ha và thu nhập mỗi năm từ rừng trồng đều con số tiền tỷ. Những gia đình này đều đang hướng đến những cánh rừng gỗ lớn đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho việc xuất khẩu gỗ.

Cam mật cho mật ngọt

Trong một chuyến đi cơ sở, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã chọn vùng đất Trường Thủy để thực hiện dự án phục tráng giống cam mật Hiền Ninh và cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu. “Người dân ở đây có thế mạnh là vườn nhà rộng và có kinh nghiệm về sản xuất trên vùng gò đồi, đá sỏi", ông Hải nhìn nhận.

Sau hơn 4 năm thực hiện, xã Trường Thủy đã có trên 50% số hộ dân cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu có thu nhập cao.

Những khu vườn cằn cỗi, trơ sỏi cát ở Trường Thủy giờ là những vườn cam xanh ngút, trĩu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Những khu vườn cằn cỗi, trơ sỏi cát ở Trường Thủy giờ là những vườn cam xanh ngút, trĩu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Gia đình bà Trần Thị Mai (thôn Giang Sơn) là một trong những hộ đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình hỗ trợ thực hiện mô hình. Khu vườn rộng hơn 2 mẫu (hơn 0,5ha). Khi bắt tay vào xây dựng vườn mẫu, gia đình đã quy hoạch thành các “phân khu” trồng cam, trồng thanh long ruột đỏ…

Lúc nhận hơn 60 gốc cây cam mật Hiền Ninh về trồng, bà Mai lo lắng lắm. “Mình chưa thấy, chưa biết đến giống cam này ra sao nên cũng phân vân. May có mấy chú bên kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thường xuyên đến thăm, chỉ bảo cách trồng, chăm bón nên cũng vững tâm”, bà Mai kể.

Nhờ chăm bón tốt, qua 3 năm, cam đã cho quả bói. Vụ cam 2021 cây trĩu quả, thương lái hay tin đến mua tận vườn. "Tôi thu hoạch vụ đầu được chừng 1 tấn quả, bán được 20 triệu đồng. Vụ vừa rồi được gần 2,5 tấn, bán được gần 50 triệu đồng”, bà Mai phấn khởi.

Người chuyển hướng mạnh tay nhất trên vùng đồi này có lẽ là ông Nguyễn Văn Hóa (thôn Hương Thi) khi đưa gần 1ha đất chuyển sang trồng cam.

Sau lứa cam bói đầu tiên, ông Hóa được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn cắt quả, tỉa cành để cây có sức cho vụ sau. Vụ cam vừa rồi, dù việc tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng vẫn thắng lớn. “Cả vườn được gần 8 tấn quả. Người ta đến thu hoạch luôn tại vườn và trả cho trên 160 triệu đồng. Năm sau, gia đình tôi sẽ mở rộng vườn cam thêm 1ha nữa”, ông Hóa nói như khoe.

Một góc đường làng ở xã Trường Thủy. Ảnh: Q.B.

Một góc đường làng ở xã Trường Thủy. Ảnh: Q.B.

Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình trồng cam trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết, toàn xã hiện có trên 40ha diện tích trồng cam đã được cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình có đất vườn rộng vài ha bắt đầu chuyển hướng sang làm vườn mẫu, trồng cam.

Từ dự án của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển giống cam mật Hiền Ninh trên vùng đất xã Trường Thủy để cung cấp giống cây chất lượng cao và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. UBND xã Trường Thủy Địa cũng đã có định hướng cho bà con thực hiện mô hình mẫu để nắm vững quy trình, tích lũy kinh nghiệm trước khi mở rộng diện tích trồng cam.

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Trồng rau VietGAP, lợi nhuận tăng 40%

BÌNH THUẬN Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, đạt chứng nhận VietGAP còn tăng lợi nhuận bình quân khoảng 40%, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.