| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Tiền vào cảng cá như gió vào nhà trống

Thứ Ba 22/03/2022 , 08:40 (GMT+7)

Nghệ An sở hữu đội tàu đánh bắt sản hùng hậu, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan lại rất khiếm tốn, hiện chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu.

Năng lực của các cảng cá trên địa bàn Nghệ An còn khiêm tốn, nhìn chung chỉ đảm bảo được khoảng 30 - 40% nhu cầu phương tiện. Ảnh: Việt Khánh. 

Năng lực của các cảng cá trên địa bàn Nghệ An còn khiêm tốn, nhìn chung chỉ đảm bảo được khoảng 30 - 40% nhu cầu phương tiện. Ảnh: Việt Khánh. 

Đa phần chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu

Nghệ An có chiều dài bờ biển trên 82km và vùng hải phận rộng khoảng 4.230 hải lý vuông. Tài nguyên biển Nghệ An khá phong phú với hàng trăm loài cá thuộc 91 họ, đặc biệt là 62 loài có giá trị kinh tế cao.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tàu cá của tỉnh lên đến 3.446 chiếc, số lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản khoảng 15.600 người. Đội tàu cơ cấu ngành nghề khai thác rất đa dạng (lưới chụp, lưới rê, lưới vây, lưới kéo, câu…), phần đa tập trung tại thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.

Ngư trường hoạt động truyền thống là khu vực Vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vỹ, Cô tô, Hòn Mê, Hòn Mát...). Những năm gần đây, thực hiện chủ trương vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế lại bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhà nước nên ngư dân chủ động sắm sang, đầu tư thuyền to máy lớn vươn khơi tận các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Để phát huy tối đa lợi thế đòi hỏi phải tập trung nâng cấp và xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản, đặc biệt là cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Dù đã có những động thái nhất định xoay quanh quá trình mở rộng cảng cá Lạch Vạn và Lạch Hội, cũng như xây dựng cảng cá Quỳnh Phương tại khu vực Lạch Cờn, nhưng hiệu quả thực tế thực sự rất đáng quan ngại.

Tình trạng xuống cấp là điều dễ nhận thấy. Ảnh: Việt Khánh.

Tình trạng xuống cấp là điều dễ nhận thấy. Ảnh: Việt Khánh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thể hiện tỉnh Nghệ An có 2 cảng cá loại I (Cửa hội và Lạch Quèn), 2 cảng cá loại II (Lạch Cờn và Lạch Vạn) với tổng công suất đáp ứng 500 lượt/ngày tàu công suất đến 1000CV, lượng hàng hóa qua cảng 52.000 tấn/năm.

Đến nay, các cảng cá trên đều đã được xây dựng, thế nhưng chỉ có cảng cá Quỳnh Phương và Cửa Hội đáp ứng được phần nào nhu cầu, trong khi cảng cá Lạch Quèn và Lạch Vạn đang trong tình cảnh “rách như xơ mướp” khi thiếu nhiều hạng mục thiết yếu, các hạng mục cơ bản đã xuống cấp, qua đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, bốc dỡ hàng hóa. Thật đáng lo ngại khi biết rằng, năng lực đáp ứng nhu cầu bốc dỡ của các cảng cá nói trên hiện chỉ đạt khoảng 35 - 40% sản lượng khai thác.

“Trên địa bàn Nghệ An có 4 cảng cá được Nhà nước đầu tư, điều kiện cơ sở hạ tầng nhìn chung còn nhiều hạn chế, hiện mới đáp ứng được 30 - 40% số lượng tàu thuyền, nhiều phương tiện phải neo đậu tại các bến cá nhân dân để lên xuống hàng hóa”, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết.

Cảng cá xuống cấp, thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp là lực cản đối với ngành thủy sản Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Cảng cá xuống cấp, thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp là lực cản đối với ngành thủy sản Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Việc đầu tư xây dựng và quản lý khu neo đậu tránh trú bão cũng mang những nét tương tự. Trên lý thuyết, 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (1 khu neo đậu cấp vùng tại Lạch Quèn; 4 khu neo đậu cấp tỉnh tại Lạch Cờn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Lò) sẽ đáp ứng cho 3.100 tàu cá có công suất đến 1.000CV, thế nhưng trên thực tế con số này chỉ khoảng 2.000 tàu, tương đương… 60% nhu cầu thực tiễn.

Chưa dự án nào đáp ứng được kỳ vọng

Tóm lược tổng quan về những mặt hạn chế, tồn tại của cơ sở hạ tầng nghề cá tại Nghệ An, phía cơ quan chuyên môn chỉ rõ: Tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tránh, trú bão chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều cảng cá quá tải, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, luồng lạch bị bồi lắng, cạn, hẹp gây khó khăn cho tàu, thuyền qua lại; quy hoạch cảng cá, khu neo đậu chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu khai thác; mức vốn đầu tư còn thấp so yêu cầu, chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước…

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của số đông ngư dân, một trong những nội dung mang tính cấp bách nhất là quá trình bồi lắng ngày một nghiêm trọng tại các cửa sông, cửa lạch. Đành rằng đã có những động thái nhất định nhưng sự thể đâu rồi lại vào đó, thực trạng kéo dài khiến các chủ tàu lo nơm nớp, đặc biệt là những lúc đối mặt với tình huống cấp bách như thiên tai, bão lũ.

Lúc cao điểm, cảng cá Lạch Quèn chỉ đáp ứng được tối đa cho 18 phương tiện cập bến. Ảnh: Việt Khánh.

Lúc cao điểm, cảng cá Lạch Quèn chỉ đáp ứng được tối đa cho 18 phương tiện cập bến. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Đức Đông, Cảng trưởng cảng cá Lạch Quèn khẳng định: Ngay lúc này một lúc cảng không đáp ứng được hết nhu cầu của tất cả tàu thuyền, bắt buộc các phương tiện phải thay phiên nhau ra vào cảng. Trong địa phận quản lý, cao điểm nhất mỗi lượt đậu chỉ được 18 chiếc, áp dụng cho thuyền dài 15 mét trở lên.

Lấy dự án khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp cửa sông do Chi cục thủy lợi Nghệ An làm chủ đầu tư sẽ rõ. Từ nguồn kinh phí khoảng 40 tỷ đồng đơn vị đã bố trí để tiến hành nạo vét tại 2 khu vực Lạch Cờn (Công ty TNHH Minh Quang thi công) và Lạch Vạn (Công ty CP Tây An thi công), mặc dù mới nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2020 nhưng tính bền vững dường như là điều xa xỉ. Ngạc nhiên thay, đại diện các bên liên quan cũng xác nhận với số tiền phân bổ eo hẹp như trên không thể xử lý dứt điểm tình hình, chung quy chỉ mang tính chữa cháy trước mắt, việc bồi lắng trở lại là điều khó tránh.

Nhân đây xin được nhắc thêm về Công ty TNHH Minh Quang (địa chỉ ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu), vốn là đối tác quen mặt, được các đơn vị gửi gắm niềm tin thực hiện các dự án xây dựng liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Chẳng nói đâu xa, trước khi đồng hành cùng Chi cục thủy lợi Nghệ An, doanh nghiệp này được UBND huyện Quỳnh Lưu “chọn mặt gửi vàng” giao đảm nhận thi công dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi quy mô gần 100 tỷ đồng.

Hàng loạt dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy không phát huy hiệu quả, điển hình là dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi với quy mô lên đến gần 100 tỷ đồng. ẢNh: Việt Khánh.

Hàng loạt dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy không phát huy hiệu quả, điển hình là dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi với quy mô lên đến gần 100 tỷ đồng. ẢNh: Việt Khánh.

Công trình điểm được triển khai tại các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ và Quỳnh Ngọc với tổng chiều dài nạo vét trên 4,3km (điểm đầu từ cửa lạch và điểm cuối là nhà thờ Song Ngọc), chiều rộng từ 15-45m, đáy luồng sâu từ 3,5-4m. Ngoài ra, dự án bao gồm cả 2 tuyến kè dài gần 1.000m để neo đậu tàu thuyền. Dự kiến khi hoàn thành sẽ là điểm neo đậu, tránh trú bão lý tưởng cho khoảng 300 phương tiện của ngư dân trong vùng.

Thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 12/2016, tuy nhiên ngày 10/1/2017 UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục và gia hạn tiến độ đến tháng 12/2017. Mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao nhưng sau nhiều năm trầy trật dự án vẫn chưa thành hình, tình trạng tàu thuyền mắc cạn vẫn diễn ra như cơm bữa. Bên cạnh yếu tố bất thuận do thiên tai tác động, rõ ràng chức năng quản lý cũng như năng lực nhà thầu thực sự có vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Đông, phụ trách cảng cá Lạch Quèn chia sẻ, hiện Nhà nước đang triển khai dự án nạo vét, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão tại xã Quỳnh Thuận. Đây rõ ràng là tín hiệu vui, có điều làm được đến đâu chẳng ai dám khẳng định, bởi lẽ những dự án tương tự áp dụng tại các cảng cá trước đó cơ bản đều không đạt được như kỳ vọng. Của đau con xót tức kéo theo nhiều lo ngại, đến mức có những ý kiến ví von việc nâng cấp, nạo vét bấy lâu nay chẳng khác nào “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.