| Hotline: 0983.970.780

Tiếng nói hội người trồng mía về chữ đường

Thứ Năm 17/08/2017 , 14:05 (GMT+7)

Tỉnh Tây Ninh được xem là "thủ phủ" mía đường phía Nam với diện tích mía niên vụ 2016-2017 lên tới 24.000 ha, tăng 4.000 ha so niên vụ trước, nên chữ đường luôn là mối quan tâm hàng đầu của người trồng mía.

Việc lấy mẫu mía đã đại diện chưa?

Xuất phát từ nguyện vọng của nông dân, cách đây 2 năm, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, Hội người trồng mía Tây Ninh (HNTM) ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, mà mục tiêu chính là "đấu tranh" với các NM đường trong tỉnh bằng cách công khai minh bạch việc đo chữ đường.

14-45-44_h1jpg
Mía nguyên liệu đưa về NM chế biến

Để "đấu tranh" với các NM có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, Hội này còn trang bị cả máy đo chữ đường trị giá 600 triệu đồng đạt các tiêu chuẩn chất lượng quy định về thiết bị đo với mục đích "kiểm tra, đối chứng" lại kết quả đo chữ đường của các NM đường trên mía nguyên liệu của nông dân mang đến bán.

Đây được xem là biện pháp kiểm chứng khoa học nhằm tránh trường hợp nông dân trồng mía bị thiệt thòi trong quá trình xác định và công bố chữ đường từ phía NM. Nếu người bán mía có nhu cầu đối chứng chữ đường với phía NM, họ sẽ yêu cầu NM cung cấp mẫu mía vừa được NM trích lấy chữ đường và đưa đến đo tại máy thử chữ đường của Hội.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chữ đường của HNTM không phải là kết quả để áp dụng thực hiện, mà chỉ là cơ sở để kiểm chứng so sánh, báo cáo, kiến nghị với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định nếu như kết quả của hai bên (NM và Hội) có sự khác biệt. Và ít nhiều cái máy thử chữ đường của Hội cũng khiến các NM đường e ngại.

Ông Ngô Minh Chí, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Phước Điền, xã Long Phước, cũng là nông dân trồng 200 ha mía ở huyện Bến Cầu cho biết, sau khi có sự vào cuộc của HNTM cùng các cơ quan chức năng, NM đường đã đồng thuận và tích cực hơn trong việc công khai minh bạch kết quả đo chữ đường, tuy vậy đến nay nông dân vẫn chưa thực sự yên tâm.

14-45-44_h2jpg
Thao tác kỹ thuật thủ công trong quy trình đo chữ đường

Bởi theo ông Chí, mỗi lần xe mía chở đến thì NM lấy mẫu khoảng 8kg mía cây. Thế nhưng, họ chỉ lấy 1-2kg trong 8kg đó để đem ép lấy nước đo chữ đường. "Tại sao không lấy hết số mía đã khoan đem ép mà chỉ lấy 1 phần thôi? Liệu phần nhỏ đó có đủ các điều kiện để đại diện cho cả xe mía hay không? Trong khi cây mía có 3 đoạn chính là gốc, thân, ngọn. Nếu nhân viên vô tình hoặc cố ý chọn phần ít chữ đường là phần ngọn mía đem ép làm mẫu thì có phải sẽ gây thiệt hại cho nông dân không?", ông Chí đặt câu hỏi.

“Vì thế, vụ mía năm nay, NM phải làm như thế nào để việc đo chữ đường thực sự khách quan, công khai minh bạch hơn thì nông dân mới an tâm tin tưởng".
 

Minh bạch hơn nữa

Một vị đại diện NM đường cho biết, ở NM có hai mũi khoan lấy mẫu mía được đặt chéo nhau nhằm lấy ngẫu nhiên, nhưng tương đối đầy đủ các thành phần trên cây mía ở mỗi phương tiện vận chuyển. Do đó, có thể nói rằng, mỗi mẫu mía được chọn đo CCS đều là mẫu có tính đại diện cho chất lượng mía trên mỗi xe mía được NM thu mua.

Một số kết quả đo chữ đường đối chứng của ngành chức năng thời gian qua, cụ thể là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (Sở NN-PTNT) so với kết quả đo tại NM có sự chênh lệch nhưng không đáng kể, nằm trong giới hạn cho phép.

"Quy trình lấy mẫu, đo chữ đường ở NM đều phải tuân theo các tiêu chuẩn nhất định, được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại, đúng chất lượng. Theo đó, mẫu mía sau khi khoan được ép lấy nước rồi đo CCS bằng thiết bị hiện đại. Các thiết bị này được cơ quan chức năng kiểm định theo các tiêu chuẩn hiện hành.

14-45-44_h3jpg
Đo chữ đường bằng máy

Các mẫu nước mía được lấy từ các phương tiện vận chuyển đều được gắn mã vạch riêng để những người liên quan không thể biết các mẫu đó lấy từ xe mía nào nên tương đối khách quan, kết quả do máy móc tính toán, nhân viên kỹ thuật khó thao tác chỉnh sửa số đo CCS được", vị này nói.

Vị này cũng giải thích thêm, vì sao có chuyện dẫn đến sự chênh lệch CCS đối với mía trồng cùng ruộng, cùng giống, cùng thời gian thu hoạch nhưng cho kết quả đo CCS lại khác nhau? Có thể do chất lượng mía không đồng nhất do ruộng mía có chỗ thấp, chỗ cao; chỗ xấu, chỗ tốt; đặc tính thổ nhưỡng chỗ này khác chỗ kia; kỹ thuật đốn chặt của nhân công không giống nhau; quá trình vận chuyển và lưu bãi ở các xe mía cũng chênh lệch nhau về thời gian... dẫn đến chữ đường khác nhau. 

+ "Để minh bạch hơn, NM đường cần lấy hết lượng mía đã khoan đưa đi ép chứ không chỉ lấy một phần, bởi có khi phần bị bỏ đi có thể là phần chữ đường cao hơn. Ngoài ra, nhà nước cần bắt buộc phải có đơn vị thứ 3 độc lập kiểm định chất lượng mía chứ không phải để mỗi mình NM đường kiểm định như hiện nay, dễ dẫn đến không công bằng mà người thua thiệt thường là nông dân. Chính phủ Thái Lan đã bắt buộc áp dụng đơn vị độc lập kiểm định chất lượng mía từ lâu nay rồi..". (Ông Nguyễn Quang Hợp, Chủ tịch Hội Người trồng mía Tây Ninh).

+ "Nhờ làm tốt khâu kiểm tra, giám sát hoạt động đo chữ đường ở các NM mà năm qua, chữ đường trong mía cuối vụ có tăng hơn, dù thời tiết khắc nghiệt hơn. Điều đó khiến nhiều nông dân trồng mía phấn khởi. Sắp tới, Chính phủ ban hành quy định về việc thực hiện đo chữ đường ở các NM, hy vọng sẽ có các giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề nhạy cảm này, giải quyết được mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp" (Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh).

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.