| Hotline: 0983.970.780

Tiếp 'Bão tố dưới những cánh rừng vàng': Phải sớm tháo gỡ nút thắt Nậm Càn - Lưu Kiền

Thứ Hai 25/09/2023 , 08:36 (GMT+7)

Nút thắt xoay quanh tuyến địa giới hành chính giữa 2 xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (Tương Dương) đã tồn tại dai dẳng 30 năm đang cần giải quyết dứt điểm.

Nút thắt về tuyến địa giới hành chính không chỉ gói gọn ở khu vực Nậm Càn - Lưu Kiên mà còn xảy ra tại Nhôn Mai - Mường Lống. Ảnh: Khôi An.

Nút thắt về tuyến địa giới hành chính không chỉ gói gọn ở khu vực Nậm Càn - Lưu Kiên mà còn xảy ra tại Nhôn Mai - Mường Lống. Ảnh: Khôi An.

Không thể trì hoãn

Không phải đến bây giờ vấn đề liên quan đến tuyến địa giới hành chính giữa 2 xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (huyện Tương Dương) mới nảy sinh, thực chất nút thắt này đã tồn tại dai dẳng trên dưới 30 năm rồi. Chính quyền các cấp, cơ quan chuyên ngành tỉnh Nghệ An đã nhiều lần nhập cuộc nhưng câu chuyện chưa đi đến hồi kết.

Các bên liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa nhằm sớm tháo gỡ nút thắt. Ảnh: Khôi An.

Các bên liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa nhằm sớm tháo gỡ nút thắt. Ảnh: Khôi An.

Trong kế hoạch tháo gỡ, ngày 25/9/2017, Sở Nội vụ (cơ quan thường trực dự án 513 tỉnh Nghệ An) tổ chức cuộc họp để giải quyết một số tồn tại liên quan đến công tác quản lý tuyến địa giới hành chính của xã Nậm Càn và Lưu Kiền. Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Lê Đình Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Ban chỉ đạo dự án 513 thống nhất kết luận như sau:

“Ghi nhận và biểu dương UBND 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, UBND 2 xã Nậm Càn và Lưu Kiền đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo khi giải quyết những tồn tại, vướng mắc về quản lý các tuyến địa giới hành chính giữa xã nội huyện và xã ngoại huyện nhằm đảm bảo ổn định phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tuyến địa giới hành chính giữa xã Nậm Càn và Lưu Kiền đã được lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT. Thời gian qua, công tác sản xuất và đời sống của nhân dân 2 xã ổn định, không có tranh chấp về đường địa giới hành chính giữa 2 bên, chỉ có sự xâm canh của một số hộ dân xã Nậm Càn trên một phần diện tích, đất đai của xã Lưu Kiền. Đề nghị tuân thủ theo hồ sơ, bản đồ 364/CT đã được Chính phủ phê duyệt. Số diện tích 24,7 ha của 55 hộ dân thuộc xã Nậm Càn hiện nay đang canh tác trên địa phận của xã Lưu Kiền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, quản lý sử dụng theo quy định của Luật đất đai, không để phát sinh thêm”.

Từ kết quả trên, đề nghị UBND 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương chỉ đạo UBND 2 xã Nậm Càn và Lưu Kiền xây dựng quy chế phối hợp nhằm quản lý chặt chẽ tuyến địa giới hành chính theo quy định.

Tưởng như mọi thứ đã êm xuôi nhưng thực tế không phải vậy. Trước sau phía Lưu Kiền, Tương Dương bảo lưu quan điểm dựa trên cơ sở phân định của bản đồ 364, về phần Nậm Càn, Kỳ Sơn lại phủ nhận và đề nghị “cấp lãnh đạo có thẩm quyền làm trung gian, lấy 3.120 ha còn tranh chấp chia đôi để không bên nào bị thiệt thòi”.

Vụ việc kéo dài khiến áp lực đè nặng lên các cấp, ngành tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khôi An.

Vụ việc kéo dài khiến áp lực đè nặng lên các cấp, ngành tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khôi An.

Theo ghi nhận của PV, ngoài “nút thắt” Nậm Càn - Lưu Kiền, tình trạng tương tự còn tiếp diễn ở khu vực của 2 xã Nhôn Mai (Tương Dương) và Mường Lống (Kỳ Sơn). Điều này góp phần làm chậm tiến độ, thời gian quy định của Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện Dự án “hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sờ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” trên địa bàn Nghệ An (gọi tắt là Dự án 513).

Nhận thấy không thể trì hoãn thêm nữa, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các bên nhằm sớm tìm được tiếng nói chung, chủ trương này được thể hiện rõ qua Thông báo Kết luận số 559/TB-UBND ngày 27/7/2023 của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ: “Yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của Dự án 513; phối hợp chặt chẽ để rà soát lại thực địa tuyến địa giới hành chính giữa các xã còn vướng mắc trên cơ sở hồ sơ địa giới hành chính các cấp được lập theo Chỉ thị số 364/CT và thực địa hiện nay dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử, phong tục tập quán, địa hình, địa vật, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của người dân”.

Mong một cái kết thấu tình đạt lý

Bám theo tinh thần chỉ đạo, UBND huyện Tương Dương đã thành lập Đoàn kiểm tra. Từ ngày 7/8 đến 8/8/2023 cử 1 tổ công tác tổ chức khảo sát, đo đạc thực địa tại các vị trí mà nhân dân xâm canh trên tuyến địa giới hành chính xã Lưu Kiền với xã Nậm Càn.

Ngoài ra, từ ngày 9/8 đến 10/8/2023, đại diện Sở Nội vụ, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT cùng các bên liên quan cũng tổ chức khảo sát trực tiếp ngoài thực địa để xác định thực trạng sản xuất nông nghiệp của nhân dân, thực trạng về rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên tuyến địa giới hành chính bản đồ 364. Quá trình thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu, sau đó thống nhất một số nội dung như sau:

Đoạn 1, từ mốc 3 mặt Na Ngoi, Lưu Kiền, Nậm Càn đến khe Nậm Càn hiện có 1 hộ dân xã Lưu Kiền đang làm ruộng và một số hộ dân đang trồng xoan trên địa giới hành chính xã Nậm Càn.

Đoạn 2, từ khe Nậm Càn đến khe Nậm Khiên: Từ khe Nậm Càn đến khu vực Đồn Biên phòng Nậm Càn hiện nhân dân 2 bên của 2 xã đã làm ăn, sản xuất ổn định sang địa phận hành chính của xã Lưu Kiền, ghi nhận có ruộng, rẫy cỏ voi, vườn xoan…

Đoạn 3, từ Đồn Biên phòng Nậm Càn đến ngã ba khe Nậm Khiên, khe Phà Niệc: Nhiều khu vực nhân dân xã Nậm Càn đã và đang sản xuất ổn định sang địa phận hành chính so với bản đồ 364, gồm ruộng, rẫy dứa, sắn, cỏ voi và lán trại chăn nuôi của dân bản Nậm Khiên 1, 2…

Đoạn 4, từ ngã ba khe Nậm Khiên, khe Phà Niệc: Có một số khu vực nhân dân xã Nậm Càn đang chăn nuôi sang địa phận hành chính xã Lưu Kiền dưới hình thức trồng cỏ, trồng xoan, khoanh và chăn thả trâu, bò. Đoạn 5 tại khu vực đường đi xã Tam Hợp (Tương Dương), hiện có nhiều hộ dân bản Nậm Khiên 1, Nậm Khiên 2 đã và đang sản xuất ổn định (chăn nuôi, làm lán trại..) sang địa phận hành chính xã Lưu Kiền.

Các bên bước đầu thống nhất một số nội dung cơ bản, kỳ vọng là tiền đề hướng đến cái kết mỹ mãn nhất. Ảnh: Khôi An.

Các bên bước đầu thống nhất một số nội dung cơ bản, kỳ vọng là tiền đề hướng đến cái kết mỹ mãn nhất. Ảnh: Khôi An.

Trong diễn biến mới nhất, Sở Nội vụ lại phát thông báo, ấn định ngày 21/9/2023 sẽ họp bàn chính thức tại trụ sở UBND huyện Tương Dương, có điều kế hoạch trên bất thành do… không đủ thành phần tham dự.

Để rộng đường dư luận và có cái nhìn khách quan nhất, PV đã khâu nối, làm việc trực tiếp với lãnh đạo 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. UBND huyện Tương Dương nhìn nhận việc điều chỉnh địa giới hành chính 364 theo Đề án 513 là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm tạo tiền đề phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính sau này. Huyện cũng khẳng định Lưu Kiền trước đây là xã biên giới (giáp Lào) với chiều dài đường biên khoảng 16km. Sau khi áp dụng bản đồ địa giới hành chính (theo Chỉ thị 364/CT) thì Lưu Kiền không thuộc xã biên giới nữa, đồng thời đã cắt hơn 9.000ha về cho xã Nậm Càn.

Hướng gợi mở là tôn trọng hiện trạng sản xuất lâu nay của người dân, trừ những diện tích 'nhạy cảm', ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Ảnh: Khôi An.

Hướng gợi mở là tôn trọng hiện trạng sản xuất lâu nay của người dân, trừ những diện tích "nhạy cảm", ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Ảnh: Khôi An.

Đối với phần diện tích nhân dân Nậm Càn đang sản xuất trong khu vực đất rừng phòng hộ của huyện Tương Dương, đề nghị tiếp tục thực hiện theo Thông báo kết luận số 1767/TB-BCĐ ngày 20/10/2017 của Ban Chỉ đạo dự án 513: “Vị trí trên thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, trữ lượng rừng khu vực này rất lớn. Dó đó huyện sẽ xem xét, tính toán những vị trí phù hợp, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng”, một lãnh đạo huyện Tương Dương chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn bày tỏ quan điểm: “Cần xác định theo hiện trạng sản xuất lâu đời của 2 bên. Chỗ nào có rừng để lại cho huyện Tương Dương, chỗ nào không có rừng, hiện trạng là nương rẫy đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết cho người dân Nậm Càn để có đất sản xuất, ổn định sinh kế”.

Sở Nội vụ đã phát văn bản gửi đến UBND huyện Tương Dương đề nghị huyện này đứng ra “chủ trì”, phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn, các xã có liên quan, căn cứ vào kết quả khảo sát, kiểm tra hiện trạng tại thực địa của các tuyến địa giới hành chính để trao đổi, bàn bạc trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau, tôn trọng hiện trạng sản xuất của nhân dân 2 bên. Đồng thời xem xét một cách toàn diện, hài hòa, có lý, có tình, phù hợp với tính thực tiễn, khoa học và hiện trạng của tuyến địa giới hành chính giữa các xã của 2 huyện để đưa ra phương án điều chỉnh cụ thể. Thời gian hoàn thành phương án điều chỉnh trước ngày 25/8/2023.

Đáp lại, UBND huyện Tương Dương một mực từ chối tư cách “chủ trì” vì lý do UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ nhiệm vụ này trước đó. Hơn nữa để đảm bảo tính khách quan, nhất thiết cần có một cơ quan trung gian đứng ra làm “trọng tài” phân định, việc này Tương Dương hay Kỳ Sơn không thể làm thay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.