| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục đề xuất thay đổi định mức tái chế

Thứ Ba 22/08/2023 , 08:13 (GMT+7)

'Kính mong các Bộ trưởng quan tâm và có chỉ đạo Ban Soạn thảo xem xét, tiếp thu các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp', công văn của 14 hiệp hội viết.

Gánh nặng chi phí tái chế cho bao bì giấy, nhựa và kim loại lên tới 6.100 tỉ đồng mỗi năm.

Gánh nặng chi phí tái chế cho bao bì giấy, nhựa và kim loại lên tới 6.100 tỉ đồng mỗi năm.

Công văn vừa được nhóm hiệp hội cùng ký, gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 8 bộ liên quan gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cùng 13 hiệp hội trong nước thuộc các lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, thủy sản, sữa, dệt may, gỗ, chè, ô tô, thuốc BVTV… nêu rõ, dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng ngày 27/7 có nhiều Fs cao một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR).

Các hiệp hội chỉ ra, một số Fs cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước phát triển và có chi phí cao. Ví dụ: dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, thủy tinh cao hơn 2,12 lần. Điều này gây khó hiểu, bởi chi phí nhân công của Việt nam chỉ bằng 10% so với khu vực này.

Nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được.

Cụ thể, riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế phải nộp ước khoảng là 6.100 tỉ đồng mỗi năm, với một nửa là hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton…trong khi nhà tái chế chính thức đang có lãi lớn mà chưa cần hỗ trợ.

Cộng thêm nhiều ngàn tỉ phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, các hiệp hội nhận định, đây là khoản chi phí rất lớn, đẩy giá sản phẩm tăng cao và ảnh hưởng lớn tới “sức khoẻ” doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Đề xuất được đưa ra, là điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt nam PRO, thực tiễn tái chế của Việt nam và mức phí tái chế trung bình thị trường.

Đó là: áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn nhiều chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại gồm cả nhôm và sắt, bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo). Lý do là bởi nhà tái chế chính thức đã có lãi lớn khi chưa có EPR, tiền đóng góp chỉ nên dùng để hỗ trợ thu gom sản phẩm, bao bì ở các vùng sâu, vùng xa.

Áp hệ số 0,3 thay 0,6 cho bao bì giấy hỗn hợp; hệ số 0,2 cho nhựa cứng PET và 0,3 cho nhựa cứng HDPE thay 0,4; hệ số 0,3 thay 0,6 cho bao bì đơn vật liệu mềm; hệ số 0,4 thay 0,8 cho bao bì đa vật liệu mềm; hệ số 0,2 thay 0,6 cho bao bì thủy tinh; hệ số 0,15 – 0,19 cho phương tiện giao thông.

Nếu sử dụng hệ số này, 14 hiệp hội ước tính phí tái chế 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại giảm còn hơn 3.100 tỉ đồng.

Ngoài việc tái chế, rác thải cũng là tài nguyên nếu biết khai thác, sử dụng đúng cách.

Ngoài việc tái chế, rác thải cũng là tài nguyên nếu biết khai thác, sử dụng đúng cách.

Với việc triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR), nhóm hiệp hội kiến nghị thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, nghĩa là lùi nộp vào tháng 4/2025. Mục đích để doanh nghiệp vừa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường vừa giảm khó khăn chi phí, tương tự cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.

Các doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức như trong dự thảo.

Áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam, và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Đồng thời quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng, bỏ giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường cho một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được, ví dụ như pin lithium; Công nhận phương pháp đồng xử lý như một giải pháp tái chế.

“Kính mong các Bộ trưởng quan tâm và có chỉ đạo Ban Soạn thảo xem xét, tiếp thu các kiến nghị nêu trên của các Hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các Hiệp hội cam kết luôn đồng hành cùng với Chính phủ và các Bộ ngành trong việc thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển đất nước”, 14 hiệp hội nêu trong công văn.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Để thực hiện, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào quỹ, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs. Trong đó, F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.