Tiêu chí hàng hóa "tương đương" nhưng không tương quan
Từ năm từ 2017 đến nay Sở GD&ĐT Hà Nội có các gói thầu Cung cấp văn phòng phẩm, vật tư phục vụ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng đều do Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (Sách và Thiết bị trường học Hà Nội) và Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tây (Sách và Thiết bị trường học Hà Tây) thay nhau trúng thầu hoặc dắt tay nhau trúng thầu.
Gần đây nhất, tại bản hợp đồng “Cung cấp văn phòng phẩm, vật tư phục vụ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025 và thi tốt nghiệp THPT năm 2024” ghi nhận duy nhất một nhà thầu tham gia là liên danh Sách và Thiết bị Trường học Hà Nội - Sách và Thiết bị trường học Hà Tây - Công ty TNHH In và Thương mại Trường Xuân.
Với lợi thế không có đối thủ cạnh tranh, nhà thầu này thuận lợi trúng thầu với giá 4.945.003.891,32 đồng (giá gói thầu là 5.138.278.620 đồng), tỉ lệ tiết kiệm đạt 3,9% so với giới hạn ngân sách chủ đầu tư đưa ra.
Theo tài liệu bạn đọc cung cấp thì hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu này có dấu hiệu đưa thẳng tên nhãn hiệu hàng hóa, có khả năng mang lại lợi thế cho nhà thầu nhất định, làm giảm tính cạnh tranh của gói thầu.
Cụ thể, đối với danh mục hàng hóa Thi tuyển sinh đầu cấp - Mực dùng cho máy in siêu tốc Ricoh DX4545 và DD4450 theo yêu cầu được đưa ra là "Mực đen chính hãng Ricoh hoặc tương đương, Mực màu đen loại 600 ml, dùng được khoảng 9.000 - 10.000 bản in A4 độ phủ mặt bản in 5%. Đóng gói 5 hộp/lốc"; Hộp mực dùng cho máy in Canon 3300 theo yêu cầu được đưa ra là "Hộp mực chính hãng Canon hoặc tương đương, Mực màu đen, số lượng bản in được khoảng 2.500 bản in A4, độ phủ mặt bản in 5%";
Mực máy photocopy Ricoh 4054 theo yêu cầu được đưa ra là "Hộp mực chính hãng Ricoh hoặc tương đương, Mực màu đen, số lượng bản in được khoảng 40.000 trang in A4, độ phủ mặt bản in 5 %"; Hộp mực máy Riso ComColor black FT1430 (màu đen) theo yêu cầu được đưa ra là "Hộp mực chính hãng Riso hoặc tương đương, Mực màu đen, số lượng bản in được khoảng 90.000 trang in A4, độ phủ mặt bản in 5 %"; Hộp mực máy EPSON WF-M21000 (màu đen) theo yêu cầu được đưa ra là "Hộp mực chính hãng EPSON hoặc tương đương Mực màu đen, số lượng bản in được khoảng 50.000 trang in A4, độ phủ mặt bản in 5%";... và còn rất nhiều danh mục hàng hóa khác được yêu cầu như vậy.
Việc đưa thẳng nhãn hiệu hàng hóa vào HSMT là bị cấm. Trong một số trường hợp nếu không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ nên Bên mời thầu mới nêu nhãn hiệu, catalogue của sản phẩm cụ thể để minh họa và ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”; đồng thời quy định rõ nội hàm tương đương về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng...
Tuy nhiên, đi vào chi tiết gói thầu ở Sở GD&ĐT Hà nội lại không hoàn toàn như vậy.
Rõ ràng, về nội hàm của đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, Bên mời thầu đã áp nguyên xi thông số của hãng cụ thể. Điều này đã trực tiếp cản trở tính cạnh tranh của các hãng sản xuất không được Bên mời thầu đưa vào HSMT. Cụm từ hoặc tương đương nghe qua thì rất phù hợp và mở, nhưng đi vào chi tiết sẽ không thể nào có hãng thứ hai có dải thông số kỹ thuật giống y chang với thương hiệu được Bên mời thầu chỉ đích danh.
Dù Bên mời thầu có sử dụng cụm từ “hoặc tương đương” rất nhiều lần trong HSMT khi yêu cầu về thông số kỹ thuật hàng hóa, nhưng lại “rất biết chọn” chi tiết đắt giá nhất của hàng hóa mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể.
Lấy ví dụ như danh mục hàng hóa máy photocopy trong HSMT đã nêu: Hộp mực máy Riso ComColor black FT1430 (màu đen) theo yêu cầu được đưa ra là "Hộp mực chính hãng Riso hoặc tương đương" thì rất khó khăn cho các sản phẩm của thương hiệu mạnh khác. Bởi, các thông số như: thời gian chế bản, độ phân giải scan, độ phân giải in, định lượng giấy khi sử dụng bộ nạp bản gốc, vùng quét, vùng lấy ảnh, khay chứa giấy… đều gần như là đặc điểm riêng biệt của hãng. Không thể có hãng nào đáp ứng được nếu như các dải thông số không được Bên mời thầu mở rộng hơn, cho phép cao hơn hoặc thấp hơn trong phạm vi nhất định so với sản phẩm của thương hiệu này.
Hoặc với mực dùng cho máy in siêu tốc Ricoh DX4545 và DD4450, yêu cầu: "Mực đen chính hãng Ricoh hoặc tương đương, Mực màu đen loại 600 ml, dùng được khoảng 9.000 - 10.000 bản in A4 độ phủ mặt bản in 5%. Đóng gói 5 hộp/lốc". Với tiêu chí 600 ml mực dùng được cho khoảng 9.000 - 10.000 bản in A4 độ phủ mặt in 5% thì sẽ có hãng đạt tiêu chuẩn tương tự nhưng nếu thêm quy định đóng gói 5 hộp/lốc thì quả thật là tiêu chí "bắt bí". Bởi mỗi hãng có 1 quy cách đóng gói riêng.
Do đó, dù có thể hàng hóa của các nhà thầu khác đáp ứng nhiều tiêu chí, nhưng lại bị “bắt bẻ” bởi những tiểu tiết này. "Tương đương mà cạnh tranh lại không tương quan là ở chỗ này", một chuyên gia đấu thầu cho biết.
Chênh lệch giá với thị trường
Ngoài ra, các chuyên gia còn nhìn nhận, những gói thầu hàng hóa không đơn thuần là cuộc đua giữa các nhà thầu. “Đó là cuộc chiến giành giật thị phần, chiếm lĩnh các chủ đầu tư của các hãng sản xuất. Lúc này, các nhà thầu là cánh tay nối dài cho hãng mà thôi. Do đó, sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt và hãng sẵn sàng can thiệp để HSMT có tính định hướng từ rất sớm”.
Điều tra của phóng viên cho thấy, khi so sánh giá của một số mặt hàng như hộp mực máy in hay máy photocopy giữa bảng giá dự thầu, giá trúng thầu và giá thị trường với cùng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật đã cho thấy chênh lệch, chưa kể rất nhiều sản phẩm có thể đáp ứng tính năng kỹ thuật cơ bản như tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra. Trong khi đó, giá các vật tư này lại rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm như như yêu cầu tại gói thầu trên. Nếu so sánh tiếp với gói thầu ở những năm trước đó, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự.
Nhà thầu “lạ” khó tiếp cận với muôn vàn “chốt chặn”
Trước đó, trong năm 2022, cũng tại gói thầu “Cung cấp văn phòng phẩm, vật tư phục vụ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 - 2023 và thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội”, trong yêu cầu kinh nghiệm thì hợp đồng tương tự yêu cầu số lượng hợp đồng là 2, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3.781.454.000 đồng, tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ 7.562.908.000 đồng.
Với yêu cầu trên, dường như chỉ có nhà thầu đã từng làm liên tục gói thầu Cung cấp văn phòng phẩm, vật tư phục vụ các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp mới có thể đáp ứng được và con đường tìm kiếm gói thầu của không ít nhà thầu trở nên khó khăn hơn với muôn vàn “chốt chặn”. Năm 2023, cũng chỉ Liên danh Sách và Thiết bị trường học Hà Tây - Sách và Thiết bị trường học Hà Nội tham gia và trúng thầu.
Gói thầu này có giá dự toán 5.402.077.000 đồng, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ký Quyết định phê duyệt cho liên danh Sách và Thiết bị trường học Hà Tây - Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (nhà thầu duy nhất tham gia) trúng thầu với giá 5.104.938.808 đồng.