| Hotline: 0983.970.780

Tiêu hủy lợn bệnh: Khẩn cầu tha thiết của một hộ nông dân

Thứ Tư 08/05/2019 , 11:09 (GMT+7)

Lời khẩn cầu tha thiết của anh Nguyễn Duy Bình, thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khi biết đàn lợn 110 con của mình dương tính với Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và sẽ phải tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi, sản xuất của gia đình.

Anh Nguyễn Duy Bình đã phải chôn 8 con lợn bị chết bệnh đầu tiên của đàn ngay cạnh chuồng chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Cường.

Đàn lợn của anh Nguyễn Duy Bình có 125 con. Ngày 2/5 vừa qua, một con trong đàn bỗng nhiên có biểu hiện bất thường và lăn ra chết. Vì đã được tuyên truyền và nhận thức mức độ nguy hiểm của DTLCP nên khi có dấu hiệu bất thường trong đàn lợn, anh Bình báo ngay cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đến lấy mẫu mang đi xét nghiệm từ ngày 3/5, sau 4 hôm, đến 7/5 mới có kết quả.

Sau khi biết đàn lợn dương tính với DTLCP, anh Bình và gia đình hoàn toàn đồng ý tiêu hủy số lợn còn lại để dịch bệnh không lây lan, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Chỉ có điều chính quyền xã lại yêu cầu anh phải tiêu hủy 110 con lợn tại khu vực vườn nhà, ngay gần nguồn nước sinh hoạt.

Anh Bình và gia đình hoàn toàn đồng ý tiêu hủy số lợn còn lại để dịch bệnh không lây lan. Ảnh: Nguyễn Cường.

Nguyễn Duy Bình bức xúc: “Tôi đã phải chôn 8 con lợn chết bệnh đầu tiên ngay cạnh chuồng, nếu bây giờ phải tiêu hủy đàn lợn còn lại trong khu vực này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người trong gia đình tôi cũng như gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Chính quyền địa phương đưa ra yêu cầu nếu không chấp hành thì gia đình sẽ không nhận được kinh phí hỗ trợ tiêu hủy”.

Chính quyền xã Đồng Lạc yêu cầu anh Bình tiêu hủy lợn bệnh trong quỹ đất của gia đình, ngay gần nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Cường.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, nói: “Sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích nhà ông Bình có 8 sào đất. Giờ đây đàn lợn xác định dương tính với DTLCP, xã yêu cầu tiêu hủy luôn trong quỹ đất của gia đình!”.

“Chúng tôi sẽ làm đúng quy trình: thuê máy xúc đào sâu 4m, trải bạt, phủ vôi, rắc chế phẩm, sau khi cho lợn xuống sẽ tiếp tục phủ bạt, lấp đất khoảng 2m nữa. Với số lượng ít, chỉ hơn 100 con thế nên việc tiêu hủy sẽ không bị thẩm thấu và làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu gia đình ông Bình tiếp tục phản đối, xã sẽ tiến hành cưỡng chế để thực hiện chôn lấp” – Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc khẳng định.

Đơn đề nghị của các hộ dân về vấn đề tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: Nguyễn Cường.

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Duy Bình đang vô cùng khó khăn. Trải qua 2 biến cố lớn là cơn “bão giá” năm 2016 và sau đó lại là dịch lở mồm long móng, gia đình anh cố gượng dậy để tiếp tục chăn nuôi thì nay đàn lợn dính DTLCP phải tiêu hủy toàn bộ.

“Tôi đã từng học thú y còn vợ tôi học ở Học viện Nông nghiệp. Gia đình từ trước đến giờ chỉ biết chăn nuôi, thu nhập chính hoàn toàn dựa vào chuồng trại. Chúng tôi vay mượn rất nhiều cũng như dồn công sức vào đàn lợn này, bây giờ trắng tay cùng khoản nợ 200 triệu. Đã thế xã lại yêu cầu tiêu hủy cả đàn lợn dịch trên trăm con ngay trong vườn nhà thế này làm sao chúng tôi sống nổi” – người nông dân đang thế bần cùng rơm rớm nước mắt trải lòng.

Anh Bình đang trải qua những tháng ngày khó khăn. Ảnh: Nguyễn Cường.
Nguyễn Thị Hứa, mẹ anh Nguyễn Duy Bình chia sẻ: “Gia đình tôi và các hộ xung quanh chỉ mong chính quyền địa phương chuyển địa điểm tiêu hủy ra xa khỏi khu dân cư để không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân. Nếu cứ tiến hành tiêu hủy và chôn lợn thế này chẳng khác nào triệt đường sống của con cháu gia đình chúng tôi”.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm