| Hotline: 0983.970.780

Tiêu OCOP nơi vùng biên

Thứ Ba 23/03/2021 , 10:11 (GMT+7)

Một phụ nữ ở thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước đã mạnh dạn đầu tư để tạo ra sản phẩm tiêu OCOP đạt chuẩn 3 sao…

Dám nghĩ dám làm

Đến thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện biên giới Bù Gia Mập nhắc đến cơ sở sản xuất tiêu sạch Cô Hai của chị Võ Thị Hiền thì ai cũng biết, bởi đây là một trong những cơ sở sản xuất hạt tiêu thành phẩm đầu tiên nơi vùng biên giới này.

Chị Hiền bên vườn tiêu sạch của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Chị Hiền bên vườn tiêu sạch của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang bên trong là hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất tiêu hiện đại, chị Hiền cười nói vui vẻ nói về quá trình xây dựng tiêu OCOP của mình. Nhìn dáng chị đậm chất nông dân, nhưng không ai biết chị rất mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm.

Chị Hiền cho biết, gia đình chị đã gắn bó với công việc trồng tiêu sạch hơn 10 năm qua. Hơn ai hết chị hiểu được nỗi vất vả của người nông dân trồng tiêu, nhất là tiêu sạch, bởi quanh năm vất vả nhưng suốt thời gian qua giá và thị trường không mấy thuận lợi.

Hệ thống sản xuất tiêu xay tự động của chị Hiền. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống sản xuất tiêu xay tự động của chị Hiền. Ảnh: Trần Trung.

Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy để làm ra được sản phẩm hạt tiêu đã qua chế biến không khó, chị Hiền quyết định bắt tay vào làm tiêu chế biến. Theo đó, tận dụng nguồn nguyên liệu từ nhà trồng, tháng 3/2019, từ nguồn vốn tích lũy và vay mượn từ người thân, chị đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị máy móc, từ máy xay xát đến máy sấy, máy đóng hộp,... và thành lập cơ sở sản xuất chế biến hạt tiêu.

Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm giữ lại được hương vị, nét đặc trưng vốn có của hạt tiêu địa phương không hề đơn giản. Trải qua không ít lần thử nghiệm thất bại, chị không hề nản chí, với phương châm “thất bại là mẹ thành công”, cứ sau mỗi mẻ tiêu làm ra, chị lại rút kinh nghiệm cho đến khi sản phẩm đạt yêu cầu mới tung ra thị trường.

Cơ sở của chị Hiền giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Cơ sở của chị Hiền giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ giữ lại được nét đặc trưng riêng, ngay lập tức, sản phẩm của chị đã được sự đón nhận của người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm hạt tiêu của chị còn được một công ty tìm đến để hợp tác sản xuất, chế biến, xuất khẩu sang Hồng Kông và một số nước trên thế giới. Tuy số lượng và giá trị còn giới hạn, nhưng cách làm của chị Hiền đã mở ra một hướng đi mới cho người trồng tiêu ở vùng biên giới xa xôi.

Tiêu OCOP đạt chuẩn 3 sao

Chưa dừng lại ở đó, sau thành công với sản phẩm hạt tiêu đen xay đơn thuần, để đa dạng hóa sản phẩm, chị Hiền tiếp tục nghiên cứu chế biến ra những sản phẩm mang tính thông dụng khác như hạt tiêu sọ xay hạt tấm và hạt tiêu sọ xay mịn.

Theo đó, đối với hạt tiêu tấm rất thích hợp cho những món ăn khô, khi trộn vào thức ăn hạt tiêu sẽ không bị tan mà giữ nguyên vị cay. Còn đối với hạt tiêu xay mịn lại rất thích hợp với những món ăn dạng nước, tạo ra vị cay thơm cho món ăn. Đây có thể xem là 2 dòng sản phẩm nổi bật và được ưa chuộng nhất của cơ sở tiêu sạch Cô Hai.

Các sản phẩm của chị Hiền được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm của chị Hiền được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Ảnh: Trần Trung.

Với những cách làm mang tính đột phá, mới đây các sản phẩm từ hạt tiêu của chị Hiền đã vượt qua hàng trăm sản phẩm tại địa phương để được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng thời, tiêu sạch của chị là 1/21 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đây là niềm động viên khích lệ để chị Hiền tiếp tục thực hiện con đường mình đã chọn.

Được biết, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, chị Hiền còn ký kết thu mua sản phẩm tiêu sạch cho người dân trong vùng với giá cao hơn thị trường từ 10 đến 20%, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Một trong những sản phẩm của chị Hiền hợp tác với một công ty xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những sản phẩm của chị Hiền hợp tác với một công ty xuất khẩu sang nước ngoài. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ về hướng phát triển sắp tới, không giấu được cảm xúc, chị Hiền cho biết thêm: “Tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là làm sao để mở rộng cơ sở sản xuất ngày một lớn hơn, góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu mua được nhiều tiêu sạch cho người dân địa phương”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.