| Hotline: 0983.970.780

Tìm đầu ra cho trái cây Tây Nguyên

Thứ Bảy 05/06/2021 , 07:13 (GMT+7)

Một số loại trái cây tại các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời điểm thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá xuống thấp, không có đầu ra.

Giá trái cây giảm sâu

Thời điểm này, người dân trồng mít Thái ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk đang bước vào thời điểm thu hoạch nhưng gặp nhiều khó khăn khi liên tục rớt giá.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm đầu vụ, mít Thái trên địa bàn có giá 15.000 đồng/kg, rồi giảm xuống 7.000-8.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Đây là mức giá giảm kỷ lục đối với loại trái cây này. Nhiều người trồng mít cho biết, giá xuống thấp như hiện tại là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thương lái Trung Quốc ngừng thu mua.

Anh Nguyễn Thanh Nhàn (thôn 5, ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) có gần 2 ha trồng thuần 1.500 cây mít Thái Changai. Theo anh Nhàn ước tính, năm nay vườn mít gia đình thu hoạch hơn 20 tấn quả. Do giá mít đang rẻ nên gia đình anh Nhàn phải chặt bỏ những quả mít đến kỳ thu hoạch để cây dành sức nuôi quả vụ thu trái mùa tháng 8 tới.

Vườn mít Thái của người dân vào thời điểm thu hoạch nhưng giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Vườn mít Thái của người dân vào thời điểm thu hoạch nhưng giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

“Mọi năm, mít thu hoạch đến đâu, tôi đều vận chuyển xuống tỉnh Tiền Giang xuất bán đi Trung Quốc đến đó. Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể xuất khẩu qua Trung Quốc nên mít rớt giá kỷ lục. Riêng chi phí vận chuyển từ Đăk Lăk đến Tiền Giang đã không bù được chi phí bỏ ra nên tôi đành chặt bỏ để dành nuôi lứa khác”, anh Nhàn cho hay. Theo anh Nhàn, với mức giá như hiện tại, vụ thu hoạch này gia đình lỗ nặng.

Tương tự ông Trần Văn Giang (ngụ thôn 3, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cho hay, mấy năm trước, giá mít có thời điểm đạt đỉnh gần 30.000 đồng/kg, thương lái về tận vườn thu mua. Do đó, nhiều người khấm khá lên nhờ trồng mít.

Sau đó, giá cứ hạ dần, nay bán ra tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mít không có lời. Đã vậy, thương lái cũng chỉ chọn loại quả lớn trên 10kg/quả để mua, loại nhỏ hơn tầm 7-8 kg thì bị ế, không bán được.

“Với 300 cây mít trong vườn, thay vì tất bật thu hoạch như những vụ trước, thời điểm này gia đình tả đi tìm người mua. Thương lái hạn chế thu gom hàng, giá rẻ như cho, tôi đành bỏ mặc quả chín khô trên cây, rơi rụng đầy gốc”, ông Giang chua sót.

Nhiều vườn mít phải chặt quả bỏ vì giá thấp. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều vườn mít phải chặt quả bỏ vì giá thấp. Ảnh: Quang Yên.

 Không chỉ cây mít, hiện giống bơ 034 tại tỉnh Đăk Nông cũng bước vào thu hoạch. Tuy nhiên giá bơ cũng đang xuống thấp gần 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể giá bơ năm ngoái thương lái thu mua tại vườn với giá thấp nhất là 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện các thương lái thu mua với giá từ 14.000-15.000 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Tuấn (ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông) cho biết, vườn bơ của gia đình đang thu hoạch nhưng giá thấp hơn so với mọi năm vì dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Tuấn, do dịch nên khách hàng e ngại trong việc tiêu thụ, nhiều cửa hàng không lấy hàng nữa hoặc lấy với số lượng ít. Kênh ở chợ đầu mối thì hầu như ứ đọng nhiều nên thương lái cũng thu mua cầm chừng. “Điều này kéo theo giá bơ xuống thấp hơn so với mọi năm, hiện giá bán chỉ 14.000-15.000 đồng/kg”, ông Tuấn nói.

Còn gia đình chị Lê Thị Thu Trang (ngụ huyện Đăk Glong), được coi là một trong những hộ có diện tích bơ 034 lớn trên địa bàn. Hiện nay, chị có 6 ha bơ, trong đó 3 ha đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch chính. Bơ năm nay được mùa, nên sản lượng vườn bơ của chị ước đạt khoảng 17 tấn quả, cao hơn năm ngoái khá nhiều.

Tuy nhiên năm ngoái, gia đình bán bơ 034 với giá còn 30.000 đồng/kg nhưng năm nay đã giảm còn một nửa.

Bơ 034 tại Đăk Nông bước vào thời điểm thu hoạch nhưng giá chỉ từ 14.000-15.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Bơ 034 tại Đăk Nông bước vào thời điểm thu hoạch nhưng giá chỉ từ 14.000-15.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

"Lúc giá cao thì tư thương gọi điện thoại liên tục, vào tận vườn hỏi mua. Nhưng năm nay, giá bơ thấp quá. Để kéo dài thời gian, tôi đã chấp nhận ‘neo’ bơ ở trên cây. Tuy nhiên, nếu ‘neo’ quá lâu, bơ sẽ rụng, hao hụt khi thu hoạch", chị Trang cho biết.

Không chỉ gia đình chị Trang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nhiều nông dân, trang trại trồng bơ trên địa bàn tỉnh cũng đang tìm cách "neo” quả trên cây, chờ giá lên. 

Tìm đầu ra cho nông sản

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có hơn 2.081 ha mít, tăng 362 ha so với năm 2019, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Còn Bơ có diện tích 8.909 ha, tăng 1.617 ha so với năm 2019, diện tích cho sản phẩm là 5.404 ha; năng suất bình quan đạt trên 15 tấn/ha, sản lượng 82.120 tấn, tăng 30.066 tấn so với năm 2019.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, nguyên nhân khiến mít mất giá là do thấy lợi nhuận lớn từ cây mít, nhiều nông dân ở địa phương đã ồ ạt chuyển đổi sang trồng loại cây này.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích hoặc thấy giá mít rớt thê thảm mà bỏ bê vườn không chăm sóc. Về lâu dài, mít vẫn là cây có lợi thế, vì là 1 trong 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đang thống kê sản lượng bơ và tìm đầu ra cho mặt hàng này. Ảnh: Quang Yên.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đang thống kê sản lượng bơ và tìm đầu ra cho mặt hàng này. Ảnh: Quang Yên.

Còn theo thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Nông, toàn tỉnh có 2.427 ha bơ, năng suất đạt trên 10 tấn/ha. Đối với mít, Đăk Nông có diện tích 973 ha, năng suất đạt trên 11 tấn/ha, sản lượng đạt 4.580 tấn.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, bơ 034 trên địa bàn tỉnh đang bước vào thời điểm thu hoạch. “Chúng tôi có nghe thông tin giá bơ thấp hơn mọi năm nhưng chưa nắm được tình hình cụ thể. Hiện Sở đã giao cho Chi cục nông nghiệp và Chi cục phát triển nông thôn đi kiểm tra tình hình sản lượng và tiêu thụ sản phẩm như thế nào. Sau khi có báo cáo, Sở sẽ xây dựng kế hoạch để hỗ trợ cho người dân tiêu thụ sản phẩm”, ông Tuấn Anh thông tin.

“Ngành nông nghiệp định hướng bà con nông dân nên áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt để giãn vụ, chuyển sang trồng mít theo tiêu chuẩn. Trong đó, người dân chú ý tìm hiểu kỹ ở khâu chọn giống, nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả mít, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.